![]() |
Là cử nhân mỹ thuật nhưng lại đi nuôi dúi, lúc cao điểm trại dúi của anh Đạt lên tới hàng trăm con. (Ảnh: Hoài Sơn). |
Cử nhân mỹ thuật đi nuôi chuột khổng lồ
Trại nuôi dúi của anh Đỗ Đạt (29 tuổi) ở thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) được đánh giá là có quy mô lớn ở địa phương. Đây cũng là mô hình nuôi con đặc sản đang được người dân tìm đến học hỏi.
Tìm hiểu được biết, anh Đỗ Đạt đến với nghề nuôi dúi vào năm 2019. Theo học Đại học Mỹ thuật và ra trường làm thiết kế, vẽ tranh, nhưng vô tình đọc trên sách, báo thông tin về loài dúi, lập tức anh bị thu hút bởi loài động vật này và ý tưởng mở trại nuôi cũng xuất hiện trong đầu anh. Nghĩ là làm, anh bắt tay vào tìm hiểu kinh nghiệm và mua 10 cặp về nuôi thử nghiệm.
Tuy nhiên cũng như nhiều người nuôi dúi khác, thời gian đầu anh khá chật vật. Do chưa có kinh nghiệm xây chuồng trại nên dúi đã đào hang đi khá nhiều và mức độ sinh trưởng khá thấp. Không bỏ cuộc, anh Đạt quyết tâm lên mạng học hỏi kinh nghiệm và mày mò các phương pháp xây chuồng trại tối ưu nhất.
Anh đã cải thiện chuồng xi măng thành chuồng gạch men ghép lại thành ô nhỏ, hình vuông, cạnh khoảng 60cm xếp sát nhau và để cách mặt đất khoảng 20cm.
"Việc sử dụng gạch men giúp chuồng được chắc chắn, tránh bò ra ngoài. Bên cạnh đó chuồng nuôi phải thoáng mát, hạn chế ánh sáng trực tiếp chiếu vào, được bố trí nơi ít tiếng động", anh Đạt giải thích.
![]() |
Anh Đỗ Đạt chia sẻ về hiệu quả của mô hình nuôi dúi của mình ở xã Hòa Ninh (Ảnh: Hoài Sơn). |
Nhờ kinh nghiệm học hỏi, đúc kết từ sách báo, những người đi trước và sự chăm sóc kỹ lưỡng, dúi của Đạt nuôi phát triển, sinh sản tốt. Từ vài cặp sinh sản ban đầu, nay anh lúc cao điểm trại anh có thể có gần 100 cá thể dúi. Quy mô trang trại cũng dần dần được mở rộng.
Thức ăn của chúng cũng đơn giản, dễ tìm kiếm ở địa phương, như tre, mía, bắp, khoai lang… chi phí hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, cần đảm bảo nguồn thức ăn sạch, khô ráo, không ẩm mốc, hôi thối… để phòng ngừa bệnh về đường ruột.
Dù có nhiều ưu điểm trong việc chăm sóc, nhưng theo anh Đạt, loài động vật này không chịu được môi trường nóng. Khi nhiệt độ tăng cao, cần làm mát chuồng bằng phun sương hoặc sử dụng quạt máy.
Khi đã vào quy trình, đàn dúi phát triển không cản nổi
Dúi nuôi khoảng 8 tháng sẽ bắt đầu sinh sản, loài gặm nhấm này sinh sản mỗi năm 3 - 4 lứa, mỗi lứa 3 - 5 con.
"Trong giai đoạn dúi nuôi con, tránh cho người lạ tiếp xúc gần khu vực chuồng nuôi. Nếu ngửi thấy mùi lạ, dúi mẹ có thể cắn chết con, ảnh hưởng đến số lượng đàn vật nuôi", anh Đạt nhấn mạnh.
Hiện nay anh Đạt duy trì số lượng dúi trong chuồng từ 20 đến 30 con, có nguồn thu nhập khá và ổn định từ loài vật nuôi này.
Theo anh Đạt, nhu cầu con giống hiện nay trên thị trường khá cao, số lượng không đủ cung ứng. Ngoài bán con giống, những con không đạt tiêu chuẩn sẽ được bán thịt thương phẩm, giá khoảng 600.000 đồng/kg. Dúi giống có giá từ 950.000 đồng/cặp.
![]() |
Dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, bởi vì thịt ngon, mát, giàu đạm nhưng thức ăn chủ yếu là mía, tre.(Ảnh: Hoài Sơn). |
Thành công bước đầu từ mô hình nuôi dúi của anh Đạt không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình, mà còn mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh còn nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp con giống cho hộ có nhu cầu. Thời gian tới, anh dự định mở rộng diện tích, xây dựng chuồng nuôi bài bản, khoa học để phát triển mô hình nuôi động vật giàu tiềm năng này.
Dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm. Dúi là con nuôi mới, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp (chuồng trại, con giống, thức ăn), ít nhân công, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro. Nuôi Dúi ít vốn, tốn ít diện tích, thức ăn rẻ dễ kiếm. Trước nhu cầu của thị trường thì con dúi đang được bà con nông dân trên cả nước đưa vào nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên loài dúi cũng khá nhạy cảm với thời tiết và dịch bệnh do vậy người nuôi cần nắm bắt kỹ thuật, lựa chọn con giống có nguồn gốc, chất lượng để tránh những rủi ro./.