![]() |
Nghề nuôi dúi được phát triển ở nhiều địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao. |
Làm kỹ sư xây dựng nhưng chỉ tìm tòi nghề nuôi dúi
Anh Đỗ Văn Toàn (sinh năm 1991, ở xóm 15, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) tốt nghiệp Khoa Xây dựng, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015. Tuy nhiên, vì gia đình có truyền thống làm nông nghiệp nên anh xác định sẽ gắn bó lâu dài với lĩnh vực này.
Để tích lũy vốn liếng khởi nghiệp, ban đầu anh Toàn đi làm tại một số công ty xây dựng và điện tử. Vừa làm việc tại công ty, anh vừa tự tìm tòi các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả và nhận thấy nuôi dúi rất tiềm năng. Là loài gặm nhấm, dúi ăn đêm ngủ ngày, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thức ăn sạch, chỉ là thân cây, củ các loại. Con trưởng thành nặng trung bình từ 1,3 - 1,8 kg, thịt thơm ngon, giá thành cao và thị trường đầu ra ổn định.
Sau khi tìm hiểu về việc nuôi dúi, anh Toàn quyết định về quê và dành 12 triệu đồng mua 10 cặp dúi để nuôi thử nghiệm. Đây là loài vật dễ nuôi nhưng do chưa có kinh nghiệm nên thời gian đầu anh gặp không ít khó khăn, một số con mắc bệnh, ốm yếu. Dù vậy, anh không từ bỏ mà càng quyết tâm hơn.
Anh tìm tòi, học hỏi kỹ thuật cũng như tham quan thực tế các trại nuôi dúi quy mô lớn ở trong và ngoài tỉnh để tìm ra quy trình nuôi phù hợp. Nhờ đúc rút kinh nghiệm, siêng năng học hỏi, sau hơn 1 năm, anh Toàn bước đầu có được thành quả khi đàn dúi sinh sản thành công, cho ra những con dúi giống khỏe mạnh.
![]() |
Trại nuôi dúi quy mô lớn của kỹ sư xây dựng Đỗ Văn Toàn. |
Anh Toàn chia sẻ: "Chuồng nuôi dúi cần thiết kế kín gió, kín nắng, ít tiếng động, ấm vào mùa lạnh, mát vào mùa nắng để tránh vật nuôi bị nhiễm bệnh. Thức ăn cho dúi rất đơn giản, dễ kiếm, chỉ là ngô, tre, mía nhưng người nuôi lưu ý không chọn thức ăn ôi thiu và nhiễm nước mưa vì chúng dễ mắc các bệnh về đường ruột".
Đầu năm 2023, anh Toàn đầu tư mở rộng quy mô trang trại, quy hoạch bài bản trên diện tích 150 m2. Chuồng nuôi được thiết kế với hàng trăm ô chuồng nhỏ, kích thước cao 60 x 60cm/ô, xếp sát nhau. Trong mỗi ô chuồng là một cặp dúi giống, dúi thương phẩm hoặc cá thể dúi con mới tách đàn. Dúi mẹ mỗi năm sinh sản 3 lứa, trung bình 3 - 4 con/lứa.
Liên tục mở rộng quy mô nghề nuôi dúi ở địa phương
Hiện trang trại của anh sở hữu hơn 150 con dúi sinh sản, cung cấp cho thị trường hàng nghìn con dúi giống và dúi thịt. Với giá bán một cặp dúi giống là 1,2 triệu đồng, 500 nghìn đồng/kg dúi thịt, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.
Không giữ riêng "bản quyền" nghề nuôi dúi cho mình, anh Toàn đã hỗ trợ và chuyển giao công nghệ cho gần 10 mô hình nuôi dúi theo phương thức cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và thị trường đầu ra. "Thị trường dúi thương phẩm hiện nay cung chưa đủ cầu. Con dúi thuộc diện đặc sản nên được rất nhiều thực khách sành ăn lựa chọn" - anh Toàn chia sẻ.
Với mong muốn tạo môi trường giao lưu, học hỏi để cùng phát triển kinh tế, anh Toàn đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Moneco vào đầu năm 2023. HTX hiện có 12 thành viên ở nhiều xã thuộc huyện Yên Khánh như: Khánh Hội, Khánh Thiện, Khánh Thành,… Tham gia HTX, các thành viên cùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật,…
Dúi là vật nuôi có giá trin kinh tế cao bởi nhu cầu thị trường lớn. Tại nhiều địa phương đã phát triển nghề nuôi dúi, tuy nhiên loài gặm nhấm này cũng đỏi hỏi kỹ thuật chăm sóc và người nuôi phải tuân thủ các quy định về pháp luật.
![]() |
Thành công từ trại nuôi dúi của mình, anh Toàn mong muốn hỗ trợ phát triển nghề nuôi loài đặc sản gặm nhấm này ở quê hương. |
Theo TS Võ Văn Sự - Viện Chăn nuôi cho biết: Dúi là loại động vật hoang dã, vì vậy việc chăn nuôi dúi cũng cần xin phép của kiểm lâm, người nuôi cần phải xuất trình cho cơ quan kiểm lâm phụ trách địa bàn giấy tờ chứng minh nguồn gốc của dúi được mang về là hợp pháp, khi xuất bán thì xin giấy phép của kiểm lâm và giấy tờ kiểm dịch của cơ quan thú y cấp. Nếu xuất bán trong tỉnh cần phải có giấy kiểm dịch của Trạm thú y huyện, nếu xuất đi tỉnh khác thì cần phải có giấy kiểm dịch của cả Chi cục thú y tỉnh, còn xuất đi nước ngoài thì còn cần phải có giấy kiểm dịch của Trạm thú y vùng và CTEST, tức là Công ước về buôn bán quốc tế về các loài động thực vật hoang dã nguy cấp.
Từ bỏ công việc ổn định để về quê nuôi dúi, kỹ sư 9X xác định đây là hành trình nhiều khó khăn nhưng không hối tiếc mà ngược lại cảm thấy rất vui vì được lập nghiệp trên quê hương mình, được thỏa mãn đam mê chăn nuôi và tự hào mang tới người tiêu dùng sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chia sẻ về những dự định giai đoạn tới, anh Toàn cho biết: "Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, tăng đàn để cung cấp nhiều hơn con giống và dúi thương phẩm ra thị trường đồng thời hỗ trợ các thành viên HTX, những người có nhu cầu phát triển mô hình nuôi dúi hướng tới việc xây dựng chuỗi liên kết và kinh doanh dúi thương phẩm"./.