Anh Bùi Thanh Lương thành công với mô hình nuôi dúi. |
Trước đây, anh Bùi Thanh Lương làm công việc dịch vụ âm thanh ánh sáng để phục vụ liên hoan, tiệc cưới, nhưng thu nhập không mấy ổn định. Tình cờ anh xem qua trên báo thấy dúi là loài động vật dễ nuôi, thức ăn tự nhiên, lại ít bệnh nên anh quyết định khởi nghiệp từ mô hình nuôi dúi.
Anh Lương bắt đầu tự mình lên huyện vùng cao Nam Trà My tìm mua 10 cặp dúi với giá 15 triệu đồng để nuôi thử. “Vì đây là dúi rừng, sinh sống tự nhiên theo bản năng của chúng, bản thân tôi lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên chúng yếu dần và lần lượt chết”, anh Lương nói.
Không nản chí, anh Lương miệt mài tìm hiểu, học hỏi cách nuôi dúi thông qua báo chí, mạng xã hội, lặn lội tham quan mô hình nuôi dúi quy mô lớn ở Đắk Lắk để có kinh nghiệm thực tế. Anh quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại có diện tích khoảng 100m2 và mua 20 cặp dúi về làm giống.
Trang trại được anh Lương đánh số thứ tự để theo dõi dúi phối giống. |
Với sự kiên trì của anh Lương, đến nay trại dúi đã có quy mô 500 con, trong đó có 200 con giống, còn lại là dúi con được tách ra khỏi mẹ. Một năm, anh bán khoảng 100 cặp dúi, sau khi trừ tất cả chi phí, anh thu lợi nhuận về hơn 100 triệu đồng.
Có ba yếu tố quyết định để dúi phát triển tốt nhất, đó là con giống phải khoẻ, chuồng trại sạch sẽ, bảo đảm nhiệt độ thích hợp và kỹ thuật chăm sóc chúng phải tốt. Việc nuôi dúi không quá khó, chỉ cần chú ý một vài chi tiết là có thể thành công nuôi một con dúi khoẻ mạnh, ít nhiễm bệnh.
Thức ăn dễ kiếm, rẻ tiền như bắp, tre,… |
Chia sẻ với phóng viên về thức ăn nuôi của dúi, anh Lương cho hay đây là loài động vật gặm nhấm nên chủ yếu là tre, mía, thân cỏ, bắp,… có thể tự trồng lại ít tốn kém. Để có nhiều thức ăn hơn, anh sử dụng một khuôn đất nhỏ trong vườn nhà trồng thêm bắp và mía, mua tre từ người dân xung quanh.
“Mỗi ngày chỉ cần cho ăn một lần vào chiều, lượng thức ăn vừa phải, tránh để dúi bị quá nhiều mỡ. Đặc biệt của loài này là không cần uống nước nên khá sạch sẽ. Tuy nó ít bệnh nhưng lại dễ mắc bệnh đường ruột, vì vậy phải lựa chọn thức ăn an toàn, bỏ đi phần hư, bị ôi thiu để chúng ăn không bị đau bụng. Ngoài ra, tôi vệ sinh chuồng trại hằng ngày và phun thuốc khử trùng 1 tuần/lần để đảm bảo hơn”, anh Lương nói thêm.
Dúi con khi trưởng thành được tách ra khỏi mẹ. |
Không gian nuôi được anh chia từng ô nhỏ với diện tích 50x50cm bằng gạch men. Vì đã quen với môi trường sống ở hang nên chuồng trại không cần quá sáng, nhiệt độ thích hợp từ 25-30 độ, vào mùa đông phải sưởi ấm và mùa hè phải mát. Đầy đủ các yếu tố này thì dúi sẽ sinh sản và phát triển nhanh.
Anh Lương cho biết, trung bình mỗi năm, một con dúi mẹ sinh sản được 3 lứa, mỗi lứa đẻ được 2-4 con. Dúi con nuôi được 8-9 tháng thì có thể ghép đôi giao phối. Thời gian sinh sản của dúi từ lúc có bầu đến lúc đẻ là 40-45 ngày. Dúi con ở với mẹ được 45 ngày thì tách ra để chăm sóc dúi mẹ khoẻ mạnh, chuẩn bị cho đợt giao phối tiếp theo. Nuôi dúi tầm 4-5 tháng thì có thể bán làm giống và 10 tháng trở lên thì có thể xuất đi bán thịt.
Dúi là loài động vật ít có mầm bệnh, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi. |
Dúi bán thịt có trọng lượng từ 1,5 – 2kg có giá 500.000 đồng/kg, đa phần được xuất đi ở các nhà hàng ở miền Nam. Dúi giống được anh Lương bán với giá từ 1,4 – 2 triệu đồng/cặp tuỳ theo khối lượng con dúi.
Không giữ riêng bí quyết cho mình, anh Lương luôn chia sẻ và hướng dẫn cho những người có mong muốn nuôi dúi. Anh Bùi Thanh Lương chia sẻ: “Tôi luôn sẵn lòng giúp đỡ và truyền kinh nghiệm cho những ai có ý định khởi nghiệp từ dúi. Hiện nay số lượng dúi trong trại của tôi xuất ra thị trường không đủ. trong tương lai, tôi sẽ mở rộng thêm mô hình nhà nuôi dúi, phối giống tốt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.”