Người nuôi ong ở Cúc Phương thu hoạch những giọt mật ngọt sánh |
Ong là loài côn trùng có tổ chức xã hội cao như kiến, mối. Ong sống theo đàn, mỗi đàn đều có ong chúa, ong thợ, ong non... và có sự phân công công việc rõ ràng. Ong có nhiều loài khác nhau, các loài được con người nuôi để khai thác sản phẩm như mật ong, sáp ong, sữa ong chúa,...
Ong thường sống thành đàn, nhiều nhất có khi tới 25.000 – 50.000 con, trong các tổ ở hốc cây, kẽ đá, bụi rậm, trong rừng, hoặc các tổ hòm cải tiến do người nuôi làm chỗ ở.
Báo Ninh Bình đưa tin, dựa vào lợi thế từ thiên nhiên, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Cúc Phương, huyện Nho Quan (Ninh Bình) đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Bùi Văn Thuận là một trong những hộ nuôi ong có thâm niên xã Cúc Phương (huyện Nho Quan). Ông Thuận bảo, vì ở gần Vườn quốc gia Cúc Phương nên rất đa dạng các loài hoa cho đàn ong lấy mật: Tháng 3, tháng 4 là hoa vải hoa nhãn nở rộ trong vườn nhà; tháng 9, 10 thì bạt ngàn hoa keo; những tháng còn lại là hoa rừng… Để phát huy lợi thế này, từ năm 1994, ông Thuận đã bắt tay xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật với khởi đầu là 7 đàn ong.
Tuy nhiên, theo ông Thuận nghề nuôi ong vừa dễ lại vừa khó. Dễ với những người ham thích, chịu khó học hỏi và muốn gắn bó lâu dài với nghề, nhưng lại khó với những ai thích ăn xổi, không chịu đầu tư kỹ thuật. Nuôi ong đòi hỏi sự khéo léo, chăm bẵm ong như trẻ nhỏ. Chính người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong.
Cũng theo kinh nghiệm của ông Thuận, ong sinh sản chủ yếu vào tháng 2, 3 âm lịch. Đây là thời điểm thích hợp để những người mới vào nghề đi mua thùng ở những cơ sở nuôi, gây giống ong. Đối với những người đang nuôi, đây là mùa ong tách đàn. Con ong thường mắc phải bệnh bại liệt, tiêu chảy… nếu không phát hiện kịp thời để điều trị thì dễ lây lan dẫn đến mất luôn cả đàn.
"Nhưng muốn phát hiện bệnh nhanh thì người nuôi phải có cả kinh nghiệm và trang bị kỹ thuật thật tốt. Dùng thuốc không đúng liều thì bệnh không hết mà có khi mật lại bị nhiễm độc. Cũng do thiếu kinh nghiệm, nên những năm đầu mới nuôi ong, tôi cũng đã để ong bỏ đàn bay đi hoặc chết vì rét hoặc dịch bệnh." - ông Thuận chia sẻ.
Nuôi ong có thâm niên, với ông Thuận, ong đã trở thành bạn. Niềm vui bao nhiêu năm nay của ông Thuận vẫn thế: vui sướng khi rút một cầu ong trong tổ ra mà tay nặng trĩu bởi mật đóng dày đặc kín; niềm vui là thu được những giọt mật vàng óng đặc sánh sau mỗi lần quay mật.
Với hơn 70 đàn ong ông Thuận nuôi, mỗi năm cũng thu hoạch từ 800-1.000 lít mật, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Thêm thắt tiền thu hoạch được từ nuôi gia súc khác, cuộc sống của một lão nông như ông Thuận rất ổn định.
Ông Bùi Văn Soạn ở thôn Hùng Vĩnh, xã Cẩm Phú giới thiệu kinh nghiệm nuôi ong |
Báo Thanh Hoá đưa tin, gia đình ông Bùi Văn Soạn ở thôn Hùng Vĩnh, xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) có 2.000m2 đất vườn, trong đó hơn 1.000m2 trồng cây mắc ca, diện tích đất còn lại ông trồng các loại cây ăn quả như ổi, thanh long, dổi... Tận dụng tán cây và hoa của các loại cây ăn quả trong vườn, ông đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Ông Soạn cho biết: Qua tìm hiểu một số mô hình, nhất là mô hình nuôi ong lấy mật từ hoa mắc ca đem lại giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với các loại hoa mật ong khác nên từ năm 2003 ông bắt đầu tìm hiểu và học hỏi những người có kinh nghiệm nuôi ong trên địa bàn huyện và một số huyện lân cận. Đầu tiên ông thử nghiệm chỉ nuôi 1 đàn, sau đó nhân dần và đến nay, qua 10 năm gia đình ông đã có 250 đàn, với sản lượng mật thu được từ 1.300 lít – 1.500 lít/năm, giá bán dao động từ 150.000 đồng - 180.000 đồng/lít.
Cũng theo ông Soạn, nghề nuôi ong không tốn nhiều thời gian chăm sóc nhưng lại đòi hỏi sự cẩn thận, cầu kỳ, tỉ mỉ. Ngoài lấy mật, mỗi năm ông tách đàn, có thêm 30 – 50 đàn ong giống/năm. Thu nhập từ tiền bán mật và ong giống sau khi trừ chi phí gia đình ông thu lợi nhuận 140 – 150 triệu đồng/năm.