Chị Đinh Thị Hóa (xã Đạ Rsal, H.Đam Rông, Lâm Đồng) thu nhập 1,1 tỉ đồng từ vườn sầu riêng. Ảnh Đ.H |
Sầu riêng Đạ Huoai ở Lâm Đồng là một trong những thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam. Nhờ khí hậu mát mẻ, thời gian sinh trưởng của trái sầu riêng kéo dài hơn bình thường nên sầu riêng ở đây thơm ngon đặc biệt.
Với vườn sầu riêng Dona rộng 2 ha, gia đình chị Đinh Thị Hóa ở xã Đạ Rsal, H.Đam Rông (Lâm Đồng) vừa thu về 1,1 tỉ đồng. Chị Hóa kể, 20 năm trước, gia đình chị chuyển từ Hà Nội vào Đạ Rsal lập nghiệp. Lúc bấy giờ, như bao nông hộ khác nơi đây, gia đình chị chọn cây cà phê để canh tác. Tuy nhiên, điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" khiến vườn cà phê cho thu nhập không ổn định. Thấy một số hộ xung quanh trồng sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên chị mạnh dạn mua 100 cây giống về trồng thử và không ngờ đến thời điểm này đây lại là nguồn thu nhập chính của gia đình. Với 90 cây sầu riêng đang cho quả, khoảng 2 tạ/cây, giá thu mua tận vườn vụ vừa rồi 75.000 đồng/kg, vườn sầu riêng của chị mang lại thu nhập hơn 1 tỉ đồng mỗi năm. Gia đình chị đang trồng thêm 200 cây, nếu giá ổn định như hiện tại thì vài năm nữa sẽ cho thu nhập vài tỉ đồng.
Ông Phạm Văn Nhanh (xã Phú An, H.Tân Phú, Đồng Nai) sở hữu hơn 7 ha sầu riêng, phấn khởi kể, khoảng năm 2000 ông chuyển qua trồng sầu riêng. Hồi đó sầu riêng là loại cây trồng mới, tương lai chưa biết thế nào vì phải sau 5 năm mới có trái, chưa kể việc chăm sóc cũng đối diện nhiều thách thức, rủi ro. Sầu riêng ban đầu năng suất kém, dịch bệnh nhiều, nhưng ông vẫn kiên trì tiếp thu kỹ thuật và rút kinh nghiệm. Qua hàng chục năm trồng sầu riêng, vùng đất bạc màu năm nào giờ đây đã mang về cho gia đình ông khoản thu nhập tiền tỉ từ mô hình trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện thu nhập hằng năm của gia đình ông Nhanh từ sầu riêng đạt trên 4 tỉ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động và khoảng 13 lao động thời vụ. Ông cũng tích cực hướng dẫn các thành viên HTX kinh nghiệm sản xuất và quy trình đăng ký thủ tục mã vùng trồng để có được vùng nguyên liệu rộng lớn hơn. "Không làm thì chắc chắn không thành công, còn làm thì có thể thất bại nhưng cũng có thể thành công", ông Nhanh cười nói.
Cà phê đem lại doanh thu khủng cho ngươi trồng. |
Mặt hàng nông sản khác cũng đem lại doanh thu "khủng", giúp nông dân "đổi đời" năm ngoái là cà phê.
Thu hoạch 7 tấn cà phê nhân, chị Hoa ở Kon Tum cho biết, năm nay gia đình chị thu hơn 530 triệu đồng, với giá bán 76 triệu đồng một tấn - cao nhất từ trước đến nay. Sau khi trừ chi phí, chị lãi trên 200 triệu đồng.
Gia đình anh Đinh Trung Thanh cùng nhiều hộ dân tại thôn Đồi Pháo, xã Bàu Cạn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai rất vui mừng, phấn khởi khi mỗi lần ra thăm vườn cà phê và nghe tin giá cà phê loại robusta mà anh đang trồng tăng mạnh.
Anh cho biết: “Trước đây giá chỉ luẩn quẩn trên 40 nghìn đồng, ít khi vượt quá 50 nghìn đồng, nay tăng mức giá như 66-67 nghìn đồng/kg bà con chúng tôi mừng lắm. Nếu chỉ dưới 50 nghìn đồng/kg thì người trồng chỉ hòa vốn, nên nhiều người trong thôn không mấy gắn bó với vườn cây, anh em phải làm thêm nghề phụ để lo cuộc sống. Khi giá trên 50 nghìn đồng mới có lãi, nay giá lên mức 66-67 nghìn đồng/kg sẽ có lãi lớn và được xem là cơ hội làm giàu với chúng tôi”.
Ông Nguyễn Văn Tạo, ở Đắk Mil (Đắk Nông), cho biết gia đình ông trồng cà phê nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ bán được với giá 55.000 - 60.000 đồng/kg như đợt vừa rồi. Sau đó, giá tiếp tục tăng lên 65.000 - 67.000 đồng, chỉ tiếc là ông đã hết hàng. Năng suất cà phê tái canh của gia đình ông đạt 6 tấn/ha. Với mức giá trên, ông thu về khoảng 2 tỉ đồng từ 6 ha cà phê, trong khi cà phê tái canh chỉ cần bán giá 30.000 đồng/kg đã có lãi nhẹ. Vì thế năm nay, sau khi trừ chi phí, ông lãi tiền tỉ. "Tháng 12 tới, cà phê tiếp tục vào vụ thu hoạch sớm. Nếu giá giữ ổn định ở mức này thì người trồng cà phê sẽ có thu nhập khá", ông chia sẻ.
Diện tích trồng không lớn như gia đình ông Tạo, nhưng vụ cà phê năm nay gia đình ông Trương Ngọc Lợi, ngụ H.Cư M'gar (Đắk Lắk), cũng rất vui vì trúng cả sầu riêng lẫn cà phê. Vụ cà phê năm nay ông Lợi dự kiến thu hoạch 6 tấn, với giá bán 12.000 đồng/kg cà phê tươi, ông thu nhập trên 700 triệu đồng. "Mấy năm nay trồng cà phê thua lỗ, có lúc giá xuống còn 3.000 đồng/kg, nhưng năm nay thời tiết thuận lợi, chi phí sản xuất cũng giảm mà giá lại tăng cao, nếu tính cả thu nhập từ sầu riêng thì tôi cũng kiếm tiền tỉ mặc dù diện tích vườn không lớn như những hộ khác", ông Lợi tâm sự.
Dự báo năm 2024, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam cho rằng, nông sản Việt tiếp tục gặt hái nhiều thành quả khi Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia Trung Đông ưa chuộng nông sản Việt. Ảnh hưởng của El Nino dự báo sẽ khiến nguồn cung lương thực thế giới giảm sút, và đây là cơ hội cho các mặt hàng nông sản Việt Nam đang có nhiều dư địa như gạo, sầu riêng, cà phê...
Chẳng hạn, với sầu riêng, Trung Quốc vẫn thu mua với giá cao khi Việt Nam là nước duy nhất có hàng trái vụ. Còn gạo, đầu tháng này 7 doanh nghiệp đã trúng thầu cung ứng 300.000 tấn gạo, chiếm 60% lượng gạo Indonesia muốn mua trong đợt đầu năm 2024.
Tuy vậy, xuất khẩu nông sản cũng đặt ra nhiều bài toán cần nhà chức trách đưa ra lời giải. "Nông nghiệp hiện còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ và tự phát, nên chính quyền, hiệp hội, doanh nghiệp cần tham gia từ đầu cùng nông dân để họ có đủ thông tin, điều chỉnh sản xuất", Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận xét.
EU đưa sầu riêng và 2 mặt hàng khác của Việt Nam vào diện kiểm soát |
Sầu riêng Việt Nam đổ bộ Trung Quốc, thách thức sầu riêng Thái Lan |
Nửa đầu tháng 1/2024, xuất khẩu rau quả đạt gần nửa tỷ USD |