Cá nuôi trong lồng bè trên sông ở TP Hải Dương chết hàng loạt. |
Cá, tôm chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân
Trên địa bàn xã Tiền Tiến, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương hiện có 54 hộ nuôi cá lồng, với khoảng 920 lồng cá; trong đó chủ yếu nuôi cá chép, cá trắm và cá diêu hồng. Theo các hộ nuôi cá lồng tại đây, khoảng 3 tuần qua, cá đã có những hiện tượng bất thường như: bỏ ăn, có dấu hiệu lờ đờ, nổi đầu lên mặt nước; sau đó xuất hiện tình trạng cá chết rải rác. Đỉnh điểm, khoảng 4 - 5 ngày nay, cá chết hàng loạt nổi trắng mặt lồng với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại.
"Cá chép, trắm, diêu hồng 2-6 kg chết ồ ạt, có lồng chết không còn con nào", chủ một cơ sở nuôi cá lồng bè nói. Tình trạng cá chết hàng loạt gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng và ô nhiễm môi trường.
Để bảo vệ số lượng cá còn lại, người nuôi cá lồng tại xã Tiền Tiến đã bổ sung hệ thống máy cung cấp ôxy hoạt động liên tục suốt 24/24 giờ. Nhiều chủ lồng tạm dừng cho ăn để hạn chế ô nhiễm nước... tuy nhiên tình trạng cá chết vẫn tăng lên từng ngày.
Bà Phạm Thị Đào, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết cơ quan chức năng đã lấy mẫu để tìm hiểu nguyên nhân cá chết. "Kiểm tra vị trí có nhiều cá chết thì thấy oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao", bà Đào nói.
Không chỉ người nuôi cá ở Hải Dương bị thiệt hại. Nhiều ngày qua tôm hùm bông ở Vạn Ninh, Khánh Hòa bất ngờ chết khiến nhiều hộ nuôi lo lắng.
Báo cáo gửi Sở Nông nghiệp tỉnh Khánh Hoà, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết 30 ngày gần đây ghi nhận hiện tượng tôm hùm chết. Hộ ông Phan Ngọc Nam có 40 ô lồng tôm hùm thương phẩm nuôi khoảng 5 tháng chết khoảng 10%. Khi thấy dấu hiệu tôm chết, cơ sở đã dùng thuốc kháng sinh để điều trị 3 đến 4 lần trên tháng nhưng bệnh không thuyên giảm.
Các hộ nuôi xung quanh cũng đều gặp hiện tượng tôm hùm chết tương tự. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra trên tôm hùm bông, tôm hùm xanh vẫn bình thường.
Ông Võ Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và du lịch Vân Phong, cho biết tình trạng tôm hùm khoảng 0,2-0,25 kg một con bị đen mang và chết chiếm khoảng 40%; xảy ra nhiều ở những hộ thả nuôi vào tháng 8 năm ngoái.
"Tôm hùm bị đen mang thì "bó tay", không chữa được. Những hộ thả nuôi vào tháng 4-2023 thì đỡ, còn thả nuôi vào tháng 8-2023 là bị hết. Giờ còn 6 tháng nữa mới xuất bán được nhưng tình trạng tôm chết vẫn diễn ra, người nuôi có nguy cơ lỗ nặng" - ông Thái nói.
Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra
Người nuôi ở Vạn Ninh đối diện với nhiều rủi ro bởi tình trạng tôm hùm mắc bệnh và chết hàng loạt. Ảnh: Hữu Long |
Trước hiện tượng cá chết bất thường, ngày 5/4, Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I của Bộ NN&PTNT đã về địa phương kiểm tra nhanh hiện tượng cá chết. Đoàn công tác đã lấy các mẫu nước trong lồng cá, lấy mẫu nước ở sông để kiểm tra.
Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu oxy.
Cá lồng chết, hiện nay tập trung nhiều ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) giáp ranh huyện Thanh Hà.
Theo nhận định vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường, tại các lồng nuôi với mật độ cao, các con yếu sẽ bị chết rải rác.
Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục khí. Khi cá chết cần phải vớt lên mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Về vấn đề tôm hùm chết, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa, các yếu tố môi trường khu vực xảy ra tôm hùm chết (được đo vào lúc 8h ngày 1-4) cho kết quả các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Riêng hàm lượng oxy hòa tan ở mức rất thấp (3mg/lít).
Xét nghiệm 2 mẫu tôm hùm cho thấy mang tôm bị đen cục bộ, có dấu hiệu bị hoại tử. Kết quả soi tươi mẫu mang tôm hùm phát hiện tôm bị nhiễm Vibrio sp (nhóm vi khẩu cơ hội).
"Qua điều tra thông tin dịch tễ, chưa thể xác định rõ tác nhân gây chết trên tôm", đại diện Chi cục thủy sản Khánh Hòa nói.
Tuy nhiên, theo Chi cục, thời gian tôm chết vào giao mùa, thời tiết thay đổi bất thường, kết hợp hàm lượng oxy hòa tan thấp dưới ngưỡng cho phép, sức đề kháng của tôm yếu có thể gây bất lợi. Chi cục khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản theo dõi các yếu tố môi trường khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt là oxy, để kịp thời có biện pháp xử lý.
Ngoài ra, bổ sung vitamin và khoáng chất vào khẩu phần ăn để nâng cao sức đề kháng trên tôm hùm cũng được khuyến nghị; tránh dư thừa thức ăn gây lắng đọng chất thải và tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển...
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã báo cáo tình hình tôm chết đến Chi cục Thú y vùng IV để được chỉ đạo, phối hợp tiếp tục tìm nguyên nhân gây bệnh.