Thanh long giá giảm mạnh, nhiều nhà vườn đã phá bỏ vườn để chuyển sang cây trồng khác. |
Giá rớt thảm, thanh long để thối trong vườn
Thời điểm này, tại vùng trồng thanh long lớn nhất của tỉnh Long An, không khí khá trầm lắng. Từ thị trấn Tầm Vu xuôi theo đường 30/4 đến xã Phước Tân Hưng (huyện Châu Thành), không hiếm cảnh nhiều vườn thanh long đang bị bỏ hoang hoặc chuyển sang cây trồng khác.
Nông dân từ bỏ thanh long do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá thanh long xuống thấp trong thời gian dài trong khi giá vật tư nông nghiệp, nhân công lại tăng cao khiến chi phí sản xuất liên tục tăng. Trước tình hình đó, một số hộ dân chọn cây trồng khác và nhanh chóng chuyển đổi ngay trong mùa dịch. Những hộ khác do gặp khó khăn về nguồn vốn vẫn loay hoay bỏ vườn hoang, phân vân giữa việc tiếp tục trồng thanh long hay chuyển sang cây khác.
Ông Nguyễn Văn Chính trồng thanh long lâu năm tại ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành. Vườn thanh long của ông Chính có diện tích 4.000m2. Từ sau dịch Covid-19 đến nay, ông bỏ hoang vườn. Vườn thanh long xanh mướt trước đây giờ chỉ còn là những trụ cây khô quắt, cỏ ngập đầy lối đi, không còn khả năng hồi phục. Hiện tại, vườn thanh long của ông chỉ được tận dụng thu hoạch cỏ nuôi bò.
Nhiều hộ dân trồng thanh long tại xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành bỏ vườn khi cây đang cho trái. |
Ông Chính thổ lộ: “Vườn thanh long này trồng lại khoảng 8 tháng, chưa cho thu hoạch thì gặp mấy năm dịch bệnh. Nay kinh tế bắt đầu hồi phục, tôi cũng dự định trồng lại thanh long nhưng đang phân vân vì chi phí đầu tư khá lớn trong khi giá thanh long không ổn định”.
Trung bình, giá bán đối với thanh long xử lý ra hoa trái vụ từ 10.000-12.000 đồng/kg nông dân mới có thể thu hồi vốn. Tuy nhiên, thời gian qua, giá thanh long liên tục giảm mạnh nên các chi phí đầu tư như tiền điện, phân bón, nhân công,... trở thành "gánh nặng" với nông dân.
Thanh long bao giờ trở lại "thời vang bóng"?
Hiện nay, diện tích thanh long toàn tỉnh Long An khoảng 8.900ha (giảm khoảng 1/4 diện tích so với tháng 4/2021), tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành và một số huyện lân cận như Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa và TP.Tân An,... Riêng tại huyện Châu Thành, diện tích thanh long hiện còn khoảng 6.800ha. Năng suất đạt 274 tạ/ha, sản lượng đạt 262.826 tấn.
Thời gian qua, nhiều hộ dân ở huyện Châu Thành, Thủ Thừa đã phá bỏ vườn trồng thanh long kém hiệu quả. Giá thanh long liên tục xuống thấp khiến nông dân không "mặn mà" sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện Châu Thành duy trì thu mua thanh long trong hoàn cảnh khó tiêu thụ. |
Hiện chỉ có khoảng 15% sản lượng thanh long của tỉnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, còn lại tập trung cho xuất khẩu, trong đó, phần lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Chính vì vậy, cần phải có chiến lược phát triển bền vững cho cây thanh long, hạn chế sự lệ thuộc vào một thị trường nhất định.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để được cấp mã số vùng trồng, nông sản sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích canh tác, điều kiện canh tác đến sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất, yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật.
Như vậy, việc xây dựng mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc, bảo đảm các điều kiện khắt khe nhất về an toàn thực phẩm mà còn làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương trong việc nâng cao năng suất, diện tích, chất lượng và đầu ra cho sản phẩm.
Vì vậy, hàng năm, Sở đều có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường và nâng cao chất lượng việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ nhu cầu sản xuất và xuất khẩu. Đến nay, Long An có 54 mã vùng trồng thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 9.800ha, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm.
Cũng theo Sở NN&PTNT, với tình hình các thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính, không còn cách nào khác, tỉnh phải nâng cấp vùng trồng thanh long. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp chủ yếu nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn thanh long.
Diện tích thanh long ở Long An giảm do giá thấp, tiêu thụ khó khăn. |
Thông tin từ Hiệp hội Thanh long tỉnh, Hiệp hội hiện có trên 100 thành viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Long An và Tiền Giang. Hầu hết thành viên đều có năng lực kho, sơ chế, đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, quả thanh long Châu Thành của Long An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu thanh long Tầm Vu cũng được bảo hộ tại 5 quốc gia, gồm: Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore và Trung Quốc.
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh - Nguyễn Quốc Trịnh cho biết: Hiện nay, Hiệp hội tích cực xúc tiến thương mại để tìm thêm thị trường xuất khẩu mới, từng bước giải bài toán đầu ra cho thanh long. Đồng thời, Hiệp hội cũng đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tại thị trường trong nước, đặc biệt là các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch.
Với những nỗ lực của bộ ngành trung ương, địa phương cùng Hiệp hội thanh long, kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững loại nông sản tỷ đô một thời. Điểm nghẽn lớn nhất của trái thanh long Việt là thị trường xuất khẩu. Nếu khơi thông được thị trường, trái thanh long sẽ có cơ hội trở lại "thời vang bóng"./.