Ông Phạm Kim Lâm, nông dân xã Thuận Minh (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), chặt bỏ hơn 1.500 trụ thanh long trong vườn, hôm 18/3. (Ảnh: Việt Quốc) |
Nhói lòng khi trái cây tỷ đô bán rẻ bèo ngoài chợ
Những ngày cuối tháng 7 đầu tháng ở Hà Nội, chị Bùi Thị Mai, đầu mối bán trái cây ở Cầu Giấy, liên tục rao bán thanh long ruột trắng loại 2-3 quả 1kg với giá 100.000 đồng/thùng 15kg, tức 1kg giá chỉ 6.700 đồng.
Tại cửa hàng của chị Mai, thanh long chỉ là một trong gần 20 loại trái cây nội địa và nhập khẩu được chị nhập về bán mỗi ngày. Riêng thanh long, một ngày chị nhập trên dưới 200 thùng.
"Là loại trái cây có giá bán rẻ nhất, nhưng thanh long khá kén khách vì không đậm vị như các loại quả khác”, chị nói. Thế nên, mỗi khi rao bán thanh long trên “chợ mạng”, chị Mai thường nói loại quả này có giá rẻ như bèo.
Tại một chợ online ở TP.HCM có hàng trăm nghìn thành viên tham gia, thanh long ruột trắng được rao bán với giá chỉ 45.000 đồng/bịch 5kg (9.000 đồng/kg). Còn giá từ xe đẩy đến sạp chợ phổ biến ở mức 10.000-15.000 đồng/2kg với thanh long ruột trắng; ruột đỏ từ 10.000-12.000 đồng/kg.
Trái thanh long được bán ngoài chợ với giá "rẻ bèo". |
Trao đổi với báo chí, ông Trần Đình Trung, Giám đốc HTX Thanh long Thuận Tiến (Bình Thuận), thừa nhận, dịp này giá thanh long giảm sâu, về mức rất thấp so với hồi đầu năm.
Giá thanh long ruột trắng thu mua tại vườn chỉ từ 7.000-8.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg. So với những tháng đầu năm nay, giá thanh long giảm khoảng 60%.
Ông Trung cho biết, diện tích thanh long của HTX là 31ha. Ông còn liên kết với nhiều nhà vườn trong vùng để trồng, diện tích gần 200ha. Dịp này đang vào vụ chính, thanh long ra trái tự nhiên (không phải chong đèn). Nhưng do mưa nhiều, nấm bệnh gia tăng nên mẫu mã trái bị ảnh hưởng, giá lại càng giảm mạnh.
“HTX xuất khẩu chính ngạch trái thanh long sang rất nhiều thị trường ở châu Âu và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, vụ này thanh long xấu mã, lại bị nấm bệnh nhiều nên hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu rất ít”, ông nói. Thành ra, lượng thanh long thu hoạch phải tập trung tiêu thụ tại thị trường nội địa. Hàng dội chợ, giá lại càng rẻ hơn.
Trung Quốc làm chủ nguồn cung, thanh long Việt Nam chuyển hướng thế nào?
Thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản lượng thanh long của nước ta năm nay ước khoảng hơn 1,3 triệu tấn, tăng 1,5% so với năm 2022. Vụ thu hoạch chính của loại trái cây này tập trung vào quý III và IV, với sản lượng 795.000 tấn.
Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, phần lớn thanh long thu hoạch được xuất khẩu. Trong đó, Trung Quốc là khách hàng chính, giúp nước ta thu về hàng tỷ USD.
Song, từ năm 2019 trở lại đây, xuất khẩu thanh long liên tục lao dốc. Năm 2022, thanh long chính thức mất vị thế trái cây tỷ USD khi kim ngạch xuất khẩu giảm còn 633 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thanh long mới đạt 350 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Không còn một mình một chợ nên thanh long rất khó trở lại vị thế trái cây xuất khẩu cho thu hàng tỷ USD như trước”, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - nói.
Hiện tại Bình Thuận vẫn là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất nước với khoảng 27.000 ha. |
Ông Nguyên cho biết, nhiều năm nay thị trường xuất khẩu chính của thanh long vẫn là Trung Quốc, chiếm đến 80-90% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, quốc gia này đang mở rộng diện tích trồng thanh long để tự cung tự cấp. Sản lượng thanh long của Trung Quốc đạt 1,6 triệu tấn, vượt qua Việt Nam. Trung Quốc hiện trở thành quốc gia có sản lượng thanh long đứng đầu thế giới.
Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, những năm gần đây thị trường rất bấp bênh, lúc bán được lúc không. Hiện tại Bình Thuận vẫn là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất nước với khoảng 27.000 ha.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu ở Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), là người từng có vườn thanh long lớn nhất nước, nhưng gần đây chuyển sang trồng sầu riêng trên diện tích 400 ha và sắp tới sẽ mở rộng thêm và có thể đạt tổng diện tích 600 - 700 ha. "Cách đây 5 - 6 năm tôi đã tính chuyện chuyển hướng cây thanh long nhưng lúc đó có giống mới là thanh long ruột tím hồng, nên ráng "đu" theo vì không nỡ bỏ loại cây trồng đã gắn bó cả đời. Đến 2 - 3 năm gần đây thấy thanh long ngày càng khó nên phải tính đường khác", ông Hiệp cho biết.
Nhà vườn ở xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) phá bỏ thanh long để chuyển sang cây trồng khác. |
Ông phân tích mặt hàng này nhiều lần "sụp" giá ở thị trường Trung Quốc. Mỗi lần như vậy, lượng người tiêu thụ thanh long tăng lên. Vì thế, thanh long cứ rớt giá, nhưng diện tích trồng không ngừng tăng, mở rộng sang các tỉnh miền Tây. Đến giai đoạn hiện nay, giá thanh long đã chạm đáy mà nguyên nhân chính là Trung Quốc đang trồng quá nhiều thanh long.
"Thanh long là loại cây cho trái quanh năm, nhưng hiện chỉ còn tiêu thụ được theo mùa mà Trung Quốc không có. Nên tôi phải tìm hướng đi mới. Ở góc độ ngành hàng rau quả, tôi nghĩ cũng cần nhìn nhận lại thực tế hiện nay của mặt hàng thanh long và xác định chiến lược, giải pháp lâu dài", ông Hiệp nhận định.
Còn ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía Nam của Hội Làm vườn VN, cũng đồng tình rằng dù thanh long vẫn còn thu về vài trăm triệu USD mỗi năm, nhưng nhìn vào cơ cấu sản xuất và thị trường có thể thấy về lâu dài cây thanh long cần phải tính đường chuyển hướng. Nên nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng và thị trường để chuyển đổi cơ cấu cây trồng dần cho phù hợp./.