Tỉnh Tiền Giang có diện tích khoảng 9.000ha thanh long, sản lượng 260.000 tấn/năm. |
Chất lượng thanh long chưa cao, đầu ra không ổn định
Nhằm nâng cao chất lượng và tạo đầu ra thuận lợi cho trái thanh long, ngày 18/8, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị thúc đẩy kết nối, tiêu thụ trái thanh long.
Đến nay, tỉnh Tiền Giang có 4 huyện trồng cây thanh long thương phẩm là huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước, Gò Công Đông với diện tích khoảng 9.000ha, sản lượng 260.000 tấn/năm.
Trong tổng số diện tích trồng cây thanh long có hơn 70% thanh long ruột đỏ, 28% thanh long ruột trắng; hơn 2.000 ha cây thanh long trồng theo tiêu chuẩn Viet GAP, 110 ha GlobalGAP. Về hiệu quả kinh tế, trái thanh long ruột trắng cho lợi nhuận gần 93 triệu đồng/ha/năm, trái thanh long ruột đỏ cho thu nhập đến hơn 239 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay đầu ra trái thanh long chưa ổn định, chất lượng trái chưa cao. |
Thời gian qua, trái thanh long ở tỉnh Tiền Giang tiêu thụ thông qua các thương lái, HTX hay DN thu mua; trong đó có hơn 85% sản lượng xuất khẩu qua thị trường Trung quốc. Tùy theo thời điểm mà giá cả và đầu ra của trái thanh long khác nhau, thậm chí ế ẩm; khâu liên kết giữa nông dân - DN- HTX chưa bền vững, còn phục thuộc vào tác động của yếu tố thị trường, người trồng thường bị ép giá; tình hình dịch bệnh đối với cây thanh long diễn biến phức tạp. Hiện nay, toàn tỉnh có 18 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trái thanh long với khoảng 1.650 ha; cấp 77 mã số vùng trồng, 215 mã số cơ sở đóng gói cho trái thanh long để phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Tại hội nghị các đại biểu cho rằng, đầu ra trái thanh long chưa ổn định, chất lượng trái chưa cao, dịch bệnh nhất là bệnh đốm nâu chưa được khống chế; khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ trái thanh long chưa thật sự chặt chẽ, nhất là khâu tiêu thụ. Mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn "sạch" còn hạn chế, chưa đảm bảo về sản lượng để xuất khẩu sang các thị trường khó tính; công tác cấp mã số vùng trồng còn tỉ lệ thấp.
Cần tạo bước đột phá từ liên kết sản xuất
Giá bán thanh long trong 6 tháng đầu năm 2023 tương đối cao, trung bình 17.720 đồng/kg, cao hơn 9.220 đồng/kg so với năm 2022. Trung bình lợi nhuận 205,5 triệu đồng/ha, cao hơn 154,8 triệu đồng so với năm 2022. Dù vậy, từ đầu tháng 7 đến nay, tình hình tiêu thụ thanh long gặp khó khăn, giá bán thanh long giảm thấp do vào vụ thuận. Giá thanh long thấp chỉ còn khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg, nông dân không có lãi và lỗ.
Do đó, để cây thanh long phát triển ổn định trong thời gian tới cần đẩy mạnh chuỗi liên kết giữa các nhà, hài hòa lợi ích giữa các bên; trong đó nông dân là chủ thể trong sản xuất.
Thanh long ruột đỏ loại tốt có thời điểm chỉ bán được giá 3.000 đồng/kg. |
Tại hội nghị, đại diện các hợp tác xã (HTX), các doanh nghiệp đầu vào và đầu ra thanh long đã có nhiều ý kiến như: Các ngành cần hỗ trợ các HTX mới thành lập về vốn cũng như việc liên kết với các doanh nghiệp để mở rộng đầu ra ổn định; tuyên truyền cho người dân về hiệu quả của sản xuất thanh long sạch để tạo nguồn nguyên liệu ổn định; nghiên cứu thành lập hiệp hội thanh long tỉnh, đẩy mạnh liên kết giữa các HTX với nhau…
Ông Châu Minh Hải, Giám đốc công ty TNHH Thương mại HK (TP Mỹ Tho) - DN có nhiều năm liên kết với nông dân, HTX sản xuất trái thanh long chia sẻ, khi tiến hành liên kết, DN đưa đầu vào theo quy trình sản xuất, hỗ trợ cho nông dân nợ vốn, vật tư đến cuối vụ khi bán trái thanh long mới trả tiền. “Đầu ra của thanh long DN có đối tác là HTX ký riêng với nông dân. Khó khăn trong việc tuân thủ quy trình là một câu chuyện nhưng DN quan tâm nhất là đầu ra vì đầu vào DN đã chịu trách nhiệm", ông Hải nói.
Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian tới, xu thế tất yếu là phải liên kết, chia sẻ nhiều hơn giữa doanh nghiệp, nông dân, cơ quan nhà nước, chặt chẽ hơn trong sản xuất và tiêu thụ thanh long. HTX và nông dân cũng có những chia sẻ: Doanh nghiệp là kênh tiêu thụ và liên kết sản phẩm thanh long với thị trường, đừng vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích từ việc hợp tác lâu dài. Các địa phương cần theo dõi sát tình hình sản xuất, tiêu thụ của nông dân, HTX và các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Nông dân cũng cần thay đổi tư duy sản xuất hướng đến sản xuất sạch, ghi nhật ký trồng trọt, tuân thủ các quy định về xuất khẩu vào các thị trường khó tính./.