Ong dú bé như con muỗi |
Ong dú với tên gọi chung bằng tiếng anh là stingless bee, còn gọi là ong rú, ong không ngòi đốt và một số tên gọi khác theo địa phương là loài ong lấy mật. So với các giống ong mật khác như ong ruồi, ong khoái, ong mật, ong dú có kích cỡ nhỏ hơn, tính hiền, không đốt, không gây nguy hiểm cho người nuôi. Chúng có tập tính sống theo quần thể xã hội có tổ chức, có ong chúa và có khả năng dự trữ mật ong với số lượng lớn.
Trước đó, ong dú có rất nhiều trong tự nhiên, thường làm tổ trong bọng cây, tre… tổ lớn nhất có kích cỡ khoảng 20–25 cm x 30–40 cm, với số lượng mật thu được khoảng 0,4-0,7 lít/tổ. Sau này, nghề nuôi ong dú đã xuất hiện ở nhiều địa phương nhưng hình thức nuôi còn rất thô sơ, hiệu quả kém, dựa vào kinh nghiệm cá nhân là chủ yếu và chưa lan tỏa được giá trị đến với cộng đồng. Khi mới bắt ong tự nhiên về thuần hóa, mất 1,2 tháng để ở định. Ong dễ bay đi, khó đậu tổ và làm mật, số lượng ong trong tự nhiên vốn cũng không nhiều, nên khá khó để “gây dựng" đàn ong.
Ong dú cho thu hoạch mật với năng suất 0,8 lít/đàn |
Thế nhưng, anh Trần Đức Văn (SN 1988, ngụ ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đã thành công khi sở hữu hơn 250 tổ ong dú. Mô hình nuôi ong này đã mang lại cho anh nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Chia sẻ cơ duyên đến với mô hình nuôi ong dú, anh Văn cho hay, có lần ba anh vào rừng nhặt những khúc gỗ mục có tổ ong dú về nuôi thử nghiệm thì phát hiện lượng mật thu về khá nhiều và đậm đặc. Khi ấy, anh Văn chưa biết đó là loại ong gì nhưng nếm thử mật thì thấy vị ngọt thanh, thơm ngon.
Anh Trần Đức Văn (bìa trái) giới thiệu mô hình nuôi ong dú |
Qua tìm hiểu, anh Văn biết được đây là ong dú. Loài ong này có kích thước nhỏ hơn ong mật, không có ngòi đốt, không bỏ tổ đi nơi khác, không chiếm nhiều diện tích nuôi. Nhận thấy đây là loài ong có tiềm năng để phát triển thành sản phẩm thương mại, anh Văn đã tập trung nhân đàn.
Vừa làm, anh vừa tham khảo kiến thức trên Internet. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật, đàn ong của anh Văn nhanh chóng được nhân rộng. Từ vài tổ ban đầu, sau 2 năm, anh đã phát triển được hơn 250 tổ nuôi trong vườn nhà, tận dụng hoa của gần 2ha điều, các loại cây ăn trái và hoa cỏ dại cho ong làm mật.
Anh Văn cho hay, tổ ong được đóng bằng thùng gỗ thông, kích thước (45x15x15cm), bên trong có 2 ngăn để ong sinh sản và cho mật, bên hông đục một lỗ nhỏ để ong ra, vào. Từ lúc tách đàn đến khi thu hoạch mật khoảng 3 tháng. “Mùa mật chất lượng nhất là từ cuối năm trước đến tháng 4 năm sau do thời tiết nắng ráo, hoa nở nhiều. Mỗi tổ ong cho thu hoạch hai lần/năm với tổng cộng gần 1 lít mật/tổ. Ong dú không ăn đường mà chỉ hút nhụy hoa nên cho mật tự nhiên và nguyên chất. Mật ong dú vị ngọt, thanh và hơi chua, hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn các loại mật ong khác nên được nhiều người tìm mua”, anh Văn chia sẻ.
Năm nay, anh Văn tập trung nhân đàn nên chỉ thu được khoảng 100 lít. Giá bán mỗi thùng ong giống từ 1,2 - 1,5 triệu đồng; còn mật từ 1 - 1,2 triệu đồng/lít. Do sản lượng ít nên anh không đủ bán cho khách trong và ngoài tỉnh. “Sau khi trừ chi phí, mỗi năm mô hình nuôi ong dú mang lại cho tôi nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng”, anh Văn tiết lộ.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Trần Đức Văn cho biết, anh mong muốn được hỗ trợ để đầu tư mở rộng quy mô nuôi ong, xây dựng, quảng bá thương hiệu. Đồng thời, anh sẽ liên kết với các nhà vườn, nông trại, vườn cây ăn trái để cung cấp hoặc cho thuê ong giống thụ phấn an toàn với phương châm “tự nuôi ong lấy mật an toàn tại nhà”; cùng các hộ nuôi ong dú thành lập Tổ hợp tác nhằm giúp đỡ nhau về kỹ thuật, nâng cao chất lượng.
Anh Nguyễn Hữu Trực chia sẻ về mô hình nuôi ong dú |
Tại Ninh Thuận, anh Nguyễn Hữu Trực cũng là một nông dân 9X khởi nghiệp với mô hình nuôi ong dú và thành công vang dội. Vốn là một nhân viên ngân hàng với mức lương ổn định, anh quyết định nghỉ việc nhiều người mơ ước để theo đuổi kế hoạch của riêng mình trên mảnh đất quê hương, đó là “Du lịch, bảo tồn và phát triển ong dú tự nhiên” theo hướng tự nuôi ong lấy mật tại nhà thuận tự nhiên.
Từng thất bại với ý tưởng nuôi ong mật, ít lâu sau, anh Nguyễn Hữu Trực, chủ cơ sở Ong dú Jichi (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) vô tình phát hiện một tổ ong lạ trong vườn nhà. Tổ ong chúa này tồn tại lâu, ong thợ không bỏ tổ, không đốt, mật ong được sản sinh như bình thường.
Cuối năm 2018, anh Trực bắt đầu thương mại hóa giống ong dú nói trên. Sau 3 năm tìm hiểu, anh cho ra bộ quy trình nuôi. Đây là cơ sở duy nhất trên cả nước có quy trình nuôi ong dú bài bản. Năm 2021, khoảng 400 tổ ong được tiêu thụ; năm 2022, con số bán ra tăng lên 800-900 tổ.
Theo anh Trực, giá bán hiện nay là 2 triệu đồng/tổ ong. Mật độ khoảng 1.000 con ong/tổ. Trọng lượng tổ hơn 2kg gồm: hộp tổ, trứng ong, thức ăn dự trữ. “Doanh thu từ bán tổ ong trong năm qua là 1,2-1,3 tỷ đồng. Khách hàng chủ yếu ở phía Nam do ong hợp khí hậu ấm. TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Ninh Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng... là các địa phương phát triển đàn ong mạnh”, anh nói.
Thú chơi ong dú phát triển nhanh do kỹ thuật chăm sóc đơn giản, tổ ong chỉ cần đặt dưới nắng có bóng râm, đây là điều kiện lý tưởng nhất. Ong tự đi tìm nguồn thức ăn trong tự nhiên. Mỗi năm, ong dú cho ra chừng 1 lít mật, giá bán thị trường khoảng 2 triệu đồng/lít.
Ong dú còn mang ý nghĩa phong thủy khi nuôi. Khác với ong mật, ong dú không bỏ tổ đi dù có động hoặc ồn ào. Mặt khác, ong cũng là loài chịu khó ra ngoài kiếm thức ăn về tổ. Đây được hiểu như việc chịu khó lao động, tích trữ tài sản, theo người nuôi ong.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Trực cho biết sẽ đầu tư mở rộng quy mô trang trại, xây dựng thương hiệu, quảng bá và liên kết với các nhà vườn, nông trại, vườn cây ăn quả để cung cấp hoặc cho thuê ong giống thụ phấn an toàn với phương châm “Tự nuôi ong lấy mật tại nhà thuận tự nhiên”, cũng như bảo tồn loài ong này.