Được biết, trong thời gian qua, Hội nông dân TP. Nam Định đã từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường cơ giới hóa, chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm như hoa lan, quất, đào, cúc…
Mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh tại xã Nam Vân (Thành phố Nam Định). |
Kết quả công tác nông nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển giữ vững vai trò chủ đạo của tỉnh, thông qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho người dân địa phương khiến công tác giải quyết việc làm, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội có chuyển biến tích cực thông qua Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Phong trào cũng được đổi mới, nâng cao chất lượng, người nông dân đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã ghi nhận những thành quả đáng khích lệ trong việc làm thay đổi tư duy, cách nghĩ cách làm của nông dân, từ đó tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh, tiền vốn, lao động, đất đai đầu tư cho sản xuất.
Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu chuyển đổi mùa vụ và trồng cây màu, trồng hoa, cây cảnh, tập trung tích cực sản xuất các vùng chuyên canh, ứng dụng các mô hình cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch đã góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên 1 đơn vị diện tích.
Hàng năm có trên 60% hộ đăng ký hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp và có trên 50% hộ đăng ký đạt hộ SXKD giỏi các cấp. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Đoàn Huy Bé, ông Trần Quang Hợp ở Nam Phong với mô hình trồng quất cảnh cho thu nhập hàng năm trên 3 tỷ đồng; hộ ông Lại Viết Thành ở Nam Vân với mô hình trồng lúa – nuôi cá cho thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng; hộ gia đình ông Đỗ Đức Toàn ở Lộc Hạ và hộ gia đình bà Đào Thị Hà ở Lộc Hòa đã dám nghĩ, dám làm mạnh dạn đầu tư cơ sở sản xuất Nấm Đông trùng Hạ Thảo cho thu nhập từ 500-700 triệu đồng…
Bên cạnh đó, Hội Nông dân TP. Nam Định đã vận động nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững qua hình thức vận động cán bộ, hội viên, nông dân phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Tích tụ ruộng đất, không bỏ ruộng hoang, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cung cấp các loại nông sản có chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Tập trung xây dựng mô hình điểm, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị về sản xuất hàng hóa cả về cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, dịch vụ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với quy mô đảm bảo đủ sức cạnh tranh trong thị trường. Xây dựng thương hiệu cho một số nông sản, sản phẩm có thế mạnh; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác đạt từ 100-105 triệu đồng.
Mô hình trồng hoa lan trong nhà lưới của HTX sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định). |
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được xác định là một trong những giải pháp then chốt để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Để thực hiện những mục tiêu đó, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực, phát huy tiềm năng và lợi thế của từng vùng, địa phương, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, để đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, có 2 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Công ty TNHH Cường Tân và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định. Đây là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nghiên cứu, chọn tạo ra sản phẩm khoa học và công nghệ là các giống lúa thuần chất lượng cao như: Nam Định 5, LP5, CT16, M1-NĐ…
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục định hướng khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh (công nghệ số) gắn với phát triển công nghiệp chế biến.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết với HTX và nông dân hình thành các chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học và công nghệ từ khâu sản xuất giống, canh tác đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP với chất lượng cao hơn, quy mô lớn hơn, gắn với hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương thiệu để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng.
Thời gian tới, Nam Định tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đã được khởi động. Cùng với việc thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng trụ cột kinh tế số, đó sẽ là những cơ hội để tăng cường phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.