Nông dân Nguyễn Đại Dương giới thiệu về đầm nuôi ương vạng giống. (Ảnh Mai Chiến). |
Bám biển để làm giàu từ ngao vạng
Ông Nguyễn Đại Dương (SN 1975 ở xóm Điện Biên Tây, xã Giao An, Giao Thuỷ, Nam Định) với ý chí, nguyện vọng được làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, cùng với sự cần cù, chịu khó, bản thân đã tìm tòi một số nghề phù hợp với hoàn cảnh gia đình và thực tiễn của địa phương.
Qua nhiều lần tìm hiểu, đồng thời tham gia các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do các cấp HND tổ chức, ông đã quyết định phát triển nuôi trồng thủy hải sản.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của xã ven biển, từ năm 2011, ông bắt đầu nuôi tôm, vạng với quy mô nhỏ. Thấy có hiệu quả kinh tế, ông đã huy động nguồn lực từ gia đình, vay vốn của anh em bạn bè mở rộng quy mô ao, đầm nuôi.
Nhiều năm qua, bên cạnh việc phát triển, cung ứng vạng giống, gia đình ông còn đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị hiện đại để nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao. Trong đó, đầm ương vạng giống chiếm trên 60% diện tích, còn lại là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao.
Sau hơn 10 năm gây dựng, hiện tại gia đình ông Nguyễn Đại Dương đang sở hữu 3 trang trại nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 25 ha, rộng nhất ở khu vực xã Giao An. Toàn bộ diện tích này nằm ngoài vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Anh Nguyễn Đại Dương đang rất thành công với mô hình nuôi ương vạng giống. (Ảnh Mai Chiến). |
Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch, cung ứng ra thị trường 15-20 tấn tôm và nhiều tấn ngao vạng, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng. Mô hình sản xuất của ông tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; bên cạnh đó còn thu hút nhiều lao động thời vụ.
Để có thành quả như ngày hôm nay, ông đã khắc phục khó khăn, chủ động nghiên cứu, tìm tòi, mạnh dạn thay đổi cách thức làm ăn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, tìm hiểu phương thức nuôi trồng thủy sản cho phù hợp với môi trường địa phương cũng như điều kiện của gia đình.
Nhờ đó đã tạo ra môi trường ao nuôi ổn định, giúp thủy sản nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế tối đa những tác động bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, lại có thể tăng mùa vụ nuôi trồng thủy sản trong năm...
Sản xuất an toàn tạo chữ tín từ sản phẩm sạch
Ông Dương cho biết, trong quá trình sản xuất tuyệt đối tuân thủ công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, đảm bảo sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, nhất là đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
"Trang trại mua vạng giống ở những cơ sở có uy tín về nuôi ương. Sau khi vạng được 1,5 - 2 tháng tuổi, trang trại xuất bán cho những người nuôi ngao ở bãi biển trong và ngoài tỉnh. Trung bình, mỗi năm, gia đình tôi cung ứng ra thị trường dao động từ 30 - 50 tấn vạng giống", ông Dương nói và cho biết thêm, về tôm thẻ chân trắng thương phẩm, trang trại xuất bán từ 20 - 30 tấn/năm.
Cận cảnh vạng giống đang được nuôi ương tại trang trại của gia đình ông Nguyễn Đại Dương. |
Không chỉ nỗ lực vượt khó làm giàu, ông còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do các cấp Hội phát động, như phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Hàng năm, ông đã hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản cho trên 20 lượt hộ trong và ngoài xã; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 15 lao động tại chỗ với mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng và thu hút nhiều lao động thời vụ tại địa phương.
Nhờ đó đã có trên 20 lượt các hộ trong và ngoài xã đến trao đổi học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi trồng thủy sản của ông. Không chỉ nỗ lực vượt khó làm giàu, ông Dương còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương và hoạt động của Hội với số tiền vài trăm triệu đồng… Với những đóng góp nổi bật trong sản xuất kinh doanh và hoạt động xã hội, ông Nguyễn Đại Dương vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là Nông dân xuất sắc năm 2023, lĩnh vực thủy sản./.