Anh Vi Văn Đợi thành công với mô hình chăn nuôi bò sinh sản và vỗ béo của mình (Ảnh: Hạnh Linh). |
Ở vùng núi đất cằn, khắc nghiệt chỉ còn cách đi nuôi bò
Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2011, anh Đợi đi làm công nhân tại một công ty điện tử ở tỉnh Hải Dương, với thu nhập ổn định 12 triệu đồng/tháng. Dịch Covid-19 ập tới, anh Đợi nghỉ việc, về quê nung nấu ý định làm giàu tại khu phố Buốn, thị trấn Mường Lát (huyện Mường Lát, Thanh Hóa).
Địa hình vùng biên khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, bàn đi tính lại cũng chỉ có chăn nuôi là phù hợp, anh Đợi đề xuất ý tưởng nuôi bò sinh sản và vỗ béo của mình với gia đình.
Đầu năm 2021, anh Đợi dắt cặp bò sinh sản của gia đình vượt đồi núi, vào sâu trong rừng, lập lán, bắt đầu hành trình khởi nghiệp trước sự ngỡ ngàng của cả gia đình.
Sau khi lập lán, anh Đợi lên kế hoạch chi tiết trồng cây gì cho khu đồi hơn 5ha của gia đình để phục vụ chăn nuôi. 1.000 bụi chuối, nhiều vườn sắn, ngô và cỏ voi được anh Đợi trồng trên những phần đất của gia đình. Cùng với đó, anh vay mượn bạn bè, người thân, mua 50 con bò, trong đó có 10 con sinh sản, 40 con để vỗ béo.
Được chăm sóc, cho ăn đầy đủ, sau 6 tháng, lứa bò đầu tiên đã được xuất bán. Số tiền lời, anh Đợi quay vòng vốn để mua thêm bò, duy trì mô hình.
Nhiều khách hàng tìm đến tận nơi để mua bò của anh Đợi (Ảnh: Hạnh Linh). |
Bình quân mỗi năm, anh Đợi xuất bán 2 đợt bò vỗ béo, lứa nhiều là 20 con, mỗi con bò bán với giá 20-25 triệu đồng. Riêng bò sinh sản có được con nào, gia đình tiếp tục nuôi hoặc cung cấp giống cho bà con trong bản. Mỗi năm, đàn bò mang lại cho gia đình anh thu nhập nửa tỷ đồng.
Theo nam thanh niên, để duy trì mô hình, có thời điểm anh cũng vấp không ít khó khăn, lo lắng về dịch bệnh, đối phó với tình trạng bò mất giá. Đơn cử, cuối năm 2021, giá bò "tuột dốc không phanh", lứa đó anh lỗ nặng.
Thời gian gần đây, bò đang được giá, khách đến hỏi mua nhiều. Anh Đợi hiện có 20 con bò có thể xuất chuồng. Đây là lứa bò thứ 2 anh xuất bán trong năm. Anh Đợi nhẩm tính, bán hết lứa này có thể "bỏ túi" vài trăm triệu đồng. Dự tính, đến Tết trại sẽ xuất thêm lứa nữa.
Năng động tìm những cây trồng có năng suất đột phá
Không chỉ dừng ở việc chăn nuôi giỏi, anh Đợi còn lên mạng tìm tòi nhiều giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện vùng biên. Sau khi nghiên cứu, anh nhập giống trồng thử nghiệm loại ngô 10 lai Thái và sắn lá tre.
Theo anh Đợi, ngô 2 bắp là loại giống lạ, cho năng suất cao hơn hẳn so với giống ngô thuần trước kia. Còn sắn lá tre cho củ to, nhiều củ, lượng tinh bột cao.
"Thấy ngô của gia đình tôi có tận 2 bắp, to, dài, nhiều hạt; sắn lá tre cho củ to, nhiều bột, các hộ dân đến tận nhà xin giống về trồng", anh Đợi nói.
Anh Vi Văn Đợi (bìa phải) bên đồi sắn tre, loại sắn mà theo anh nhiều củ, to, nhiều tinh bột (Ảnh: Hạnh Linh). |
Giống ngô, sắn cho năng suất cao của anh Đợi đã được trồng nhiều ở vùng nương rẫy của bà con các xã lân cận như Tam Chung, Quang Chiểu.
Thành công với đàn bò, phủ xanh đồi trọc bằng những giống sắn, ngô cho năng suất cao, anh Đợi còn nhanh nhẹn trong việc nắm bắt thời cơ. Anh trở thành đầu mối cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm (măng, sắn, ngô, chuối) cho bà con.
Giống ngô 2 bắp của anh Hợi được nhiều người thích và hỏi xin giống về trồng. |
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Đợi còn tham gia hoạt động đoàn thể. Hiện anh là Bí thư Chi đoàn khu phố Buốn. Theo ông Hà Văn Nhiệm - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng khu phố Buốn, anh Đợi đã đầu tư 300 triệu đồng mở 2 con đường, tạo điều kiện thuận lợi để bà con vận chuyển nông sản từ đồi cao về.
Ông Lầu Văn Phía - Bí thư Huyện đoàn Mường Lát nhận xét, anh Vi Văn Đợi là Bí thư Chi đoàn năng động, nhiệt huyết và có tư duy làm kinh tế. Anh Đợi thành công với mô hình chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao. Mới đây, để mở rộng mô hình cùng bà con dân bản làm giàu, anh Đợi mạnh dạn thành lập Hợp tác xã phát triển dịch vụ nông lâm sản Mường Lát./.