Thu nhập ổn định nhờ phát triển thành công mô hình trồng nấm Đổi đời nhờ trồng ổi Thúc đẩy liên kết hợp tác giữa TP HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên |
Bỏ ngang việc về lập trại nấm
Năm 2010, anh Nguyễn Minh Thuận tốt ngành Sư phạm Sinh học tại Trường Đại học Đà Lạt rồi anh tiếp tục học cao học, bảo vệ thành công đề tài về nấm hương.
Sau thời gian công tác tại một doanh nghiệp chuyên về nấm với vai trò phụ trách kỹ thuật, anh chuyển đến làm việc ở Viện Nghiên cứu sinh học Tây Nguyên. Khoảng thời gian này đã giúp anh Thuận tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ thực tế quy trình sản xuất các loại nấm. Đồng thời, còn giúp anh ấp ủ thực hiện ý tưởng mở một trang trại sản xuất nấm cho riêng mình.
Giữa năm 2020, anh Thuận quyết định nghỉ việc ở Viện Nghiên cứu sinh học Tây Nguyên, tới xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng lập trang trại nuôi trồng nấm.
Anh Nguyễn Minh Thuận trong trại nấm của mình. |
Loại nấm anh chọn để khởi nghiệp là nấm hầu thủ bởi đây là loại nấm mới lạ, ít người biết đến. “Nhận thấy khí của Đà Lạt và Lạc Dương phù hợp để phát triển trồng nấm, với sản phẩm nấm hầu thủ đầu tiên, tôi rất bất ngờ khi tai nấm đẹp, trắng muốt, mềm mại trông rất bắt mắt, hương vị độc đáo, có thể ăn sống nên tôi đã quyết định đầu tư, mở rộng nhà xưởng tại xã Đạ Nhim để sản xuất loại nấm giá trị này”- anh Thuận chia sẻ.
Nói về nguyên nhân chọn nấm hầu thủ để sản xuất, chàng thạc sĩ cho biết, đây là loại nấm được xem là dược liệu, thuốc. Tuy nhiên, trong nước không có mà phải dùng hàng nhập khẩu từ Đài Loan hoặc Trung Quốc về dạng khô. Đây cũng là cách để anh tìm hướng đi riêng cho mặt hàng nông sản này, tạo sức lan tỏa đến người tiêu dùng. Anh Minh Thuận cho biết thêm, ưu điểm của nấm hầu thủ là thuần tự nhiên không mất nhiều công chăm sóc như nhiều loại nấm khác trên thị trường.
Phôi nấm được sắp xếp gọn gàng trên các kệ sắt. |
Trong nhà xưởng rộng khoảng 700 m2 ở Đa Nhim, anh Thuận đã đầu tư trang thiết nuôi trồng, máy sấy khô nấm. Đồng thời, anh cũng xây dựng nhà xưởng rộng 300 m2 ở tỉnh Bình Thuận để tạo ra phôi nấm. Theo tìm hiểu của anh Thuận, hiện tại trồng nấm hầu thủ để làm hình ảnh du lịch thì có 1 số đơn vị ở Đà Lạt còn trồng hầu thủ để thương mại thì chưa có công ty nào làm.
Tại trang trại của anh Thuận, hằng ngày đều có công nhân quét dọn, rửa nền sạch sẽ ngăn chặn sự xâm nhập của côn trùng, đảm bảo vệ sinh và tăng cường phòng ngừa các loại dịch bệnh có thể gây ra cho nấm hầu thủ. Trên những kệ sắt cao khoảng 2 mét được lắp đặt chắc chắn, hàng chục nghìn bịch phôi nấm được xếp ngăn nắp, đang trong thời kỳ cho thu hoạch.
Theo anh Thuận, quy trình để làm phôi nấm, gia đình anh sử dụng mùn cưa từ gỗ cao su, cám mỳ và nước. Tuyệt đối không sử dụng các loại phụ gia khác, sau đó phối trộn nguyên liệu dinh dưỡng vào, đóng gói cấy giống,...
Sau 45 - 60 ngày thì chuyển phôi lên khu vực cho ra nấm và đảm bảo các yếu tố về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm. Phôi nấm sau khi cho vào nhà nấm khoảng 15 - 20 ngày thì bắt đầu lên nấm và mỗi phôi sẽ cho ra 4 - 5 lứa nấm, mỗi lứa kéo dài từ 15 - 20 ngày là thu hoạch. Một năm làm được 4 vụ nấm.
Hiệu quả kinh tế cao
Để đảm bảo nguồn cung hằng ngày ổn định cho các đầu mối tiêu thụ, anh Nguyễn Minh Thuận phải liên tục đặt phôi nấm lên kệ để nuôi dưỡng theo hình thức gối đầu.
“Loại nấm này không được tưới nước trực tiếp lên bịch phôi mà phải điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm từ hệ thống vòi phun nước bên trên mái nhà kính. Toàn bộ các bịch phôi nấm được làm từ gỗ cao su. Để đảm bảo sản phẩm làm ra là sạch, an toàn với người tiêu dùng, tôi không sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật”- anh Thuận nói.
Sản phẩm nấm hầu thủ trắng muốt, giàu dinh dưỡng. |
Hiện nay, giá bán nấm hầu thủ tươi của Nguyễn Minh Thuận từ 190.000- 250.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn cung cấp cho 1 đối tác lớn dạng nấm khô mỗi tháng từ 100- 200kg (tương đương 1-2 tấn nấm tươi) giá lên tới hơn 1 triệu đồng/kg, còn phôi nấm bán với số lượng lớn giá từ 12.000- 13.000 đồng/phôi, năng suất trung bình từ 0,5kg mỗi phôi.
Ngoài trang trại nấm của gia đình, anh Thuận đang liên kết với 4 hộ nông dân khác ở Đà Lạt, Lạc Dương để mở rộng diện tích, cung cấp nấm giống và bao tiêu sản phẩm cho bà con, tăng nguồn cung nấm hầu thủ cho thị trường đang ngày càng mở rộng.
Sau thu hoạch, loại nấm giá trị này được đóng gói, dán nhãn rồi đưa đi tiêu thụ. |
Bên cạnh nấm hầu thủ, trang trại của Nguyễn Minh Thuận cũng sản xuất và cung cấp cho thị trường nội địa nấm bào ngư xám, nấm hương. Trong năm 2023, nấm hầu thủ của anh Thuận đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Lạc Dương.
Thời gian qua, một số nhóm sinh viên của Trường Đại học Yersin Đà Lạt và một số hộ dân đến trang trại nấm của anh Thuận để tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ việc nuôi trồng nấm của nhà nông trẻ này.