Những bài thuốc hay từ quả táo mèo Đặc điểm và công dụng y học của cây trâu cổ Cây đơn lá đỏ - Vị thuốc quý trong Đông y |
Là Phó Bí thư Đoàn xã Tân Thành, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, anh Lương Văn Tuyên (SN 1990, dân tộc Tày) là Giám đốc Hợp Tác xã (HTX) Thảo mộc Việt. Trước đây, anh Tuyên là thành viên Tổ Cam sành VietGap nhưng gần đây, nhận thấy cây dược liệu địa phương nhiều và chưa khai thác tiềm năng, anh đã bắt tay cùng các thành viên trong HTX Thảo mộc Việt tạo vùng trồng cây dược liệu giúp nhiều xã viên và người dân thoát nghèo.
Nói về mô hình mà bản thân cho rằng đang đi đúng, anh Tuyên nhớ lại: Năm 2019, HTX Thảo mộc Việt được thành lập với 10 xã viên. Lúc đầu, anh xác định cây cam sành sẽ là cây chủ lực nhưng sau 1 thời gian, cam sành bị vàng lá và có hiện tượng bị chết. Trước thực trạng này, HTX đã họp, thống nhất mở rộng sản xuất thêm những sản phẩm mới dựa trên diện tích cam đã già cỗi. Từ đó, quyết định đầu tư trồng, chế biến sâu các loại trà thảo dược, vốn được cho là thế mạnh của địa phương.
Ban đầu khi bắt tay vào xây dựng và phát triển mô hình mới, anh Tuyên cũng khá mơ hồ. Thời gian này, những cây dược liệu của địa phương như đinh lăng, cà gai leo, giảo cổ lam, xạ đen, cỏ ngọt… được bà con trồng và bán ra thị trường rất rẻ, dẫn tới thu nhập chưa ổn định.
Để có bước phát triển lâu dài, anh Tuyên cùng các thành viên nghiên cứu các sản phẩm làm sao tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, cũng như tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương. Sau một thời gian, hiện nay, HTX Thảo mộc Việt đang quản lý vùng nguyên liệu lên tới gần 5ha và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho xã viên và người dân. HTX cũng giải quyết việc làm cho 5 lao động và hàng chục xã viên có thu nhập ổn định, nhiều gia đình đã có đủ ăn, vươn lên thoát nghèo.
Anh Lương Văn Tuyên nhận bằng khen của tỉnh Tuyên Quang về thành tích vượt khó làm giàu. |
Theo anh Tuyên, hiện nay, HTX Thảo mộc Việt đã cho ra mắt nhiều sản phẩm trà túi lọc gồm: Trà giải độc mát gan, tâm an trà, thanh xuân trà, bát tiên chi mộc trà, trà cam thảo mộc... Tuy cuối năm 2022 vừa qua mới đưa sản phẩm ra thị trường nhưng hiện tại đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực.
Anh Tuyên cho biết, mỗi sản phẩm như một bài thuốc, do vậy, giá bán luôn cao hơn so với sản phẩm khác trên thị trường. Ví dụ, sản phẩm trà tía tô của một số doanh nghiệp có 2 thành phần, nhưng sản phẩm của HTX có 8 thành phần. Hay cà gai leo của doanh nghiệp khác có 2 thành phần, trong khi sản phẩm của HTX có tới 4 thành phần, giá bán cũng cao hơn nhưng vẫn bán chạy. Thời gian tới, HTX sẽ đa dạng sản phẩm như: trà hòa tan, trà hoa quả hòa tan, cùng với đó tiếp tục mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành khác.
Nhận thấy tiềm năng từ cây dược liệu từ những năm 2012, ông Lý Thà Tủng, thôn Nặm Đăm, xã Nặm Đăm, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã bắt đầu trồng dược liệu thay thế cho cây ngô, cây lúa. Ban đầu chỉ là những cây mang tính chất thử nghiệm như đương quy, atiso và đã cho hiệu quả thấy rõ.
"Người Dao mình trước đây chỉ biết trồng lúa, ngô thôi nhưng từ ngày làm dược liệu này, thu nhập gấp 2 đến 3 lần. Gần chục năm nay, trồng cây dược liệu này thì kinh tế gia đình khá hơn rồi, có tiền mua sắm đồ đạc trong nhà” - ông Tủng chia sẻ.
Sau vài vụ đầu tiên cho thu nhập tốt, từ 360m2 lúc đầu, đến nay gần như toàn bộ diện tích đất trồng cây của gia đình ông Tủng đã được chuyển sang trồng dược liệu. Thu nhập trung bình mỗi năm đạt hơn 100 triệu đồng.
Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao. Ảnh - Tuấn Dũng. |
Tại tỉnh Kon Tum là nơi có nhiều dược liệu quý nhưng trước đây chưa được trồng và khai thác để sản xuất thuốc, trong khi nhu cầu sử dụng dược liệu lại rất lớn. Nhờ định hướng phát triển của tỉnh Kon Tum, giờ đây người dân ở tỉnh đã trồng hàng nghìn ha cây thuốc quý, giúp họ không những thoát nghèo mà còn bảo vệ rừng khỏi nạn chặt phá rừng.
Xã Tê Xăng thuộc huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) là một trong bạt ngàn những cánh rừng với tán lá xanh của sâm Ngọc Linh.
Anh A Đôi (sinh năm 1996) sinh ra trong một gia đình trồng sâm cho biết, trước đây, bà con trong xã chỉ lên rừng săn bắt, trồng ngô, làm nương rẫy, cuộc sống rất khó khăn. Sau khi nhận ra giá trị của loài sâm quý mọc tự nhiên trong rừng sâu, họ bắt đầu nhân giống trồng thử và phát triển lên hàng trăm ha như ngày nay, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo.
Theo anh Đôi, gia đình anh bắt đầu trồng sâm từ năm 2006 với sự hỗ trợ vay vốn của tỉnh nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách cho thanh niên lập nghiệp.
Mới đầu chỉ vài chục gốc, sau phát triển ra 3-4 vườn sâm với khoảng 30.000 gốc. Sâm Ngọc Linh được trồng trên núi Ngọc Linh ở độ cao 1.200-1.500m, nơi có khí hậu lạnh, thổ nhưỡng phì nhiêu cho loài dược liệu quý phát triển. Để thu được củ, phải mất từ 7-8 năm.
Tuy nhiên, giá trị kinh tế từ sâm Ngọc Linh rất cao. Gia đình anh Đôi thuê 20 công nhân đều là người trong xã Tê Xăng để trồng sâm. Hiện gia đình đang sở hữu khoảng 300 cây sâm Ngọc Linh 5 năm tuổi. Khi đạt 7 năm tuổi, những cây sâm này sẽ có giá khoảng 100 triệu đồng/kg.
Giá của những củ sâm này cũng sẽ phụ thuộc vào năm tuổi và trọng lượng mỗi củ. Giá cao nhất có thể lên đến 300 triệu đồng/kg. Nhờ sâm Ngọc Linh, gia đình anh đã có đời sống và mức thu nhập tốt hơn.
Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam đã ghi nhận trên 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh lẫn giá trị về mặt kinh tế. Cây thuốc được phát triển có thể giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.
Gừng - Gia vị quen thuộc, dược liệu tốt cho sức khỏe |
Cây vọng cách - Rau gia vị, vị thuốc quý |
Ích mẫu - Vị thuốc quý cho phụ nữ |