Diện tích trồng sầu riêng tăng trưởng cao nhất trong các loại cây trồng chủ lực. |
Số liệu trên vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN & PTNT) công bố. Theo đó, dù canh tác sau, Tây Nguyên nhanh chóng vươn lên dẫn đầu với diện tích sầu riêng gần 70.000 ha, tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.
Theo Bộ NN & PTNT, diện tích sầu riêng tăng liên tục từ 2010 đến nay. Bình quân mỗi năm, diện tích trồng sầu riêng tăng 24,5% – mức tăng trưởng rất cao. Đặc biệt, Tây Nguyên là khu vực có diện tích sầu riêng tăng nhanh nhất.
Tại diễn đàn về thực trạng và giải pháp cho ngành sầu riêng mới đây, ông Vũ Đức Côn – Phó giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh đã có hơn 28.600 ha sầu riêng. Trong số này có gần 3.000 ha trồng mới, gần 16.000 ha đang giai đoạn kiến thiết và gần 10.000 ha kinh doanh. Theo ông Côn, vài năm tới, diện tích sầu riêng của tỉnh sẽ lên đến 30.000 ha, đây là điều đáng lo ngại đối với ngành sầu riêng ở tỉnh này vì mức độ mở rộng quá nhanh.
Không chỉ Đắk Lắk, mới đây, Sở NN & PTNT tỉnh Lâm Đồng đã phát đi cảnh báo trước tình trạng diện tích cây sầu riêng tại tỉnh này liên tục tăng nhanh. Đến nay, diện tích sầu riêng toàn tỉnh đạt khoảng 19.700 ha, tăng hơn 6.000 ha so với năm 2021, trong đó có hơn 10.800 ha đã cho sản phẩm. Dự kiến sản lượng niên vụ sầu riêng năm nay của Lâm Đồng đạt khoảng 115.000 tấn. Đến 2027, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có khoảng 19.000 ha sầu riêng đến kỳ cho thu hoạch, tương ứng sản lượng khoảng 225.000 tấn, tức gấp đôi so với mức hiện nay.
Trước đó, tại miền Tây, hàng nghìn ha lúa, mít được nông dân chuyển sang trồng sầu riêng khiến Bộ NN & PTNT lo ngại nguy cơ dư cung trong thời gian tới.
Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa, dội chợ và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới - tiêu sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.
Theo đó, người dân đã nhiều năm trồng lúa, khi chuyển sang cây sầu riêng sẽ không có đủ kinh nghiệm, mua giống không đảm bảo, vùng đất không thích hợp cho loại cây này thì hiệu quả sẽ không như kỳ vọng. Đặc biệt, đối với sầu riêng trồng xen sẽ không được Trung Quốc xem xét cấp mã số vùng trồng, người thiệt đơn, thiệt kép là bà con nông dân.
Viễn cảnh cung vượt cầu không phải là vô căn cứ. Bởi nhìn nhận thực tế, giá sầu riêng thời gian qua tăng vọt là do lượng sầu riêng xuất khẩu còn nhỏ giọt. Bởi hiện tại, trong tổng 80.000 ha sầu riêng, chỉ có 5% diện tích được cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc.
Tại một hội thảo về cây sầu riêng ở Tiền Giang mới đây, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam cảnh báo, việc ồ ạt chuyển sang cây sầu riêng nguy cơ làm vỡ quy hoạch vùng trồng lúa. Mặt khác, người dân đã nhiều năm trồng lúa, khi chuyển sang cây sầu riêng sẽ không có đủ kinh nghiệm, mua giống không đảm bảo, vùng đất không thích hợp cho loại cây này thì hiệu quả sẽ không như kỳ vọng.
Lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. |
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cũng cần lường trước những khó khăn, thách thức trong ngành hàng này.
Theo Bộ trưởng, trước đây, đã có nhiều ngành hàng tiềm năng ban đầu rất háo hức phát triển nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ đến thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức.
Bộ trưởng cho rằng muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển thì phải cấu trúc ngành hàng bền vững, trong đó phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Việc tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả, phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin; nếu chỉ liên kết từ khâu tiêu thụ thì sẽ rơi vào mối quan hệ "thuận mua, vừa bán."
Bộ trưởng nhấn mạnh đã đến lúc phải kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia, từ đó chuyển từ quan hệ "thuận mua, vừa bán" sang quan hệ hợp tác.
Năm ngoái, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc với 420 triệu USD. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm nay, khi được xuất khẩu chính ngạch, hàng Việt đã vươn lên vị trí thứ 2 (sau Thái Lan) với kim ngạch 1,5 tỷ USD, tăng 3,6 lần so với cả năm 2022.
Nhiều nông dân Khánh Hoà trở thành tỷ phú nhờ trồng sầu riêng |
Thu nhập khủng từ nghề cầm dao đi “gõ” sầu riêng |
Những hệ luỵ từ việc tranh mua, tranh bán sầu riêng |