Ông Văn Tấn Đạt, nông dân trồng sầu riêng ở xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) |
Huyện Khánh Sơn nằm ở phía tây nam của tỉnh Khánh Hòa, có độ cao khoảng 1.000 mét so với mực nước biển và cách TP Nha Trang khoảng 90 km.
Huyện có vị trí địa lý, phía đông giáp thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, phía tây và phía nam giáp huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, phía bắc giáp huyện Khánh Vĩnh và huyện Diên Khánh.
Nhiều năm trước, đời sống người dân trong huyện Khánh Sơn hết sức khó khăn vì phụ thuộc vào nương rẫy với các loại cây trồng chống đói, giá trị thấp.
Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua Khánh Sơn đã tập trung phát triển nhiều loại cây ăn quả chất lượng cao, nhằm phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống người. Trong đó, cây sầu riêng được xem là cây chủ lực và đang được nông dân đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ để từng bước hình thành chuỗi liên kết nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Ông Mai Văn Khang - xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn cho biết, gia đình ông có khoảng 10 ha sầu riêng và được cấp mã vùng trồng để suất khẩu sang Trung Quốc nên việc sử dụng phân thuốc rất nghiêm ngặt.
Theo ông Khang, việc trồng sầu riêng theo hướng nông nghiệp sạch để xuất khẩu đang được các hộ nông dân ở Khánh Sơn áp dụng nhằm hướng đến liên kết vùng trồng, suất khẩu giúp nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Huy - Kỹ thuật trưởng Sakura Farm đang trồng 5 ha sầu riêng organic tại Khánh Sơn, nhằm hướng đến nông nghiệp sạch trang trại hoàn toàn không sử dụng hóa chất nhằm để bảo tồn hệ vi sinh vật dưới đất, các loại côn trùng, thiên địch của rầy hại. Bên cạnh đó, bảo vệ người nông dân tránh tác hại khi phun thuốc hóa học.
“Để chuyển qua organic, nhà vườn cần thời gian dài hơn, đầu tư nhiều hơn so với hóa học. Tuy nhiên, khi cây đã phát triển tốt thì chi phí sẽ giảm nhưng hiệu quả cao hơn, phát triển bền vững hơn. Khi sầu riêng ra trái thì năng suất lớn và chất lượng cao. Đơn cử là vườn sầu riêng mà Sakura Farm hỗ trợ kỹ thuật ở xã Sơn Bình năng suất đạt đến 20 tấn/ha” - ông Huy cho biết.
Theo ông Huy, Sakura Farm đang có đơn hàng để xuất sang Mỹ nên bắt buộc là phải đạt Tiêu chuẩn hữu cơ USDA – Chương trình hữu cơ quốc gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
“Chúng tôi hiện đã đưa mẫu để kiểm tra, đánh giá. Nếu đạt chuẩn USDA, sầu riêng Khánh Sơn sẽ làm tăng giá trị sản phẩm lên rất nhiều. Các đối tác Mỹ sẽ đưa giá cố định chứ không phải lên xuống theo thị trường. Đặc biệt sầu riêng trồng theo phương pháp organic sẽ tăng chỉ số chống oxy hóa, giữ được vị nguyên bản của sầu riêng thơm, ngọt, béo khi không có các hóa chất”- ông Huy khẳng định.
Từ một hộ khó khăn của huyện Khánh Sơn, đến nay gia đình ông Văn Tấn Đạt (xã Sơn Lâm) đã xây nhà lầu, có của ăn, của để. "Gia đình có 3 ha sầu riêng trồng được 6 năm. Năm nay mỗi ha cho thu hoạch khoảng 10 tấn, với giá bán trung bình 85.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về 2-3 tỷ đồng", ông Đạt nói và cho biết khi quyết định trồng cây sầu riêng bản thân ông cũng không nghĩ có ngày thu được tiền tỷ như hiện nay.
Nông dân Khánh Hoà giàu lên nhờ trồng sầu riêng |
Ông Bo Bo Vĩnh Thành (người đồng bào Raglai, ở xã Sơn Trung) đã trở thành tỷ phú nông dân ở Khánh Sơn nhờ sở hữu 4ha sầu riêng. Mô hình nông nghiệp của ông Thành trở thành điểm đến của nhiều nông dân khác tại địa phương học hỏi để thoát nghèo. "Trồng sầu riêng cực nhất là khâu chăm sóc vì chi phí cao, cây dễ sâu bệnh, nhưng nếu áp dụng tốt khoa học kỹ thuật và trồng có định hướng thì kết quả thu được lâu dài, bền vững", ông Thành chia sẻ.
Với mô hình trồng sầu riêng hữu cơ bằng phương pháp sinh học, gia đình anh Cao Thanh Hải (SN 1989), nông dân xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã mang lại doanh thu tốt đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Anh Hải cho biết thêm, nếu như năm trước với diện tích khoảng 3ha gia đình thu hoạch chỉ khoảng 10 tấn thì riêng năm nay gia đình đã cho thu hoạch gần 20 tấn. Đặc biệt, năm nay vườn cây của gia đình xử lý cho ra trái khoảng 70%, sau khi chăm sóc gia đình bán cho thương lái với giá dao động từ 71.000 - 78.000 đồng/kg, mang lại doanh thu 1,3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi khoảng 900 triệu đồng.
Theo anh Hải, năm nay hầu hết bà con ở trên địa bàn huyện Khánh Sơn đều có chung niềm vui, bởi sầu riêng được giá, mọi năm giá chỉ 45.000 - 50.000 đồng/kg, với giá bán cao như năm nay đa số bà con đều có lãi.
Hiện huyện Khánh Sơn có hơn 2.500 ha với khoảng 1.200 ha sầu riêng cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 15.000 tấn, mang lại cả nghìn tỷ đồng cho người dân.
Đặc biệt, nhiều hộ dân đã chuyển sang mô hình canh tác hữu cơ. Hiện Khánh Sớn có khoảng 450 ha sầu riêng VietGap và đã có 4 mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép. Ngoài ra còn 22 mã vùng trồng sầu riêng đã đăng ký. Trong đó, 6 mã vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Hòa kiểm tra trực tuyến.
Được biết, để duy trì các mã số vùng trồng, thời gian qua phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch sầu riêng theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ người dân sản xuất sầu riêng theo hướng VietGAP, cũng như vận động các hộ đẩy mạnh liên kết sản xuất, đồng bộ quy trình sản xuất. Từ đó, dần đáp ứng các tiêu chí cấp mã số vùng trồng như diện tích, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm…