Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng 3 con số 8 tháng, Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng Nhiều nông dân Khánh Hoà trở thành tỷ phú nhờ trồng sầu riêng |
Cầm dao đi “gõ” sầu riêng kiếm tiền triệu mỗi ngày |
Nghề tự học
Sau gần 10 năm lăn lộn với nghề cắt sầu riêng ở khắp các địa phương, anh Huỳnh Minh Kha (quê huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã trở thành một tay "cắt sầu" lão luyện. Anh Kha kể thời gian đầu làm nghề, do chưa có kinh nghiệm nên nhiều lần anh cắt nhầm trái sầu riêng non hoặc chất lượng cơm không đạt, phải đền tiền cho chủ.
"Không có trường lớp đào tạo nên thợ cắt sầu riêng phải tự học hỏi, rút kinh nghiệm dần. Rất nhiều lần tôi đã phải cắt trái mang về rồi quan sát, gõ thử, đánh giá... mới tích lũy được kinh nghiệm như ngày hôm nay" - anh Kha tâm sự.
Anh Kha cho biết khi được chủ giao xuống vườn để "thăm khám", thợ cắt sầu riêng phải quan sát tổng thể để đánh giá sản lượng, chất lượng, sau đó mới quan sát đến từng trái sầu riêng. Theo kinh nghiệm của anh, nếu trái có màu da sẫm lại, chân gai lên các đường chỉ, khi gõ vào phát ra tiếng "bụp bụp" thì chứng tỏ đã già. Bên cạnh đó, trái sầu riêng khi đã già thì cắt xuống sẽ thấy phần tim cuống lên màu vàng, tròn đều.
Từ khoảng tháng 11 đến tháng 3 năm sau, anh Kha thường đi cắt sầu riêng tại các tỉnh khu vực ĐBSCL. Đến tháng 4, anh thu hoạch sầu riêng ở tỉnh Đồng Nai rồi ra Bình Thuận. Tháng 8 vừa qua, anh đầu quân làm công nhân cắt sầu riêng cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu HTN Fruits (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) với thù lao 1.500 đồng/kg. Đối với những vườn cây thấp, trung bình mỗi ngày anh có thể cắt được 6-7 tấn, tương đương thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ngày.
Giống như anh Kha, anh Trần Văn Trường ở Gia Nghĩa (Đắk Nông), làm nghề gõ sầu được hơn 10 năm nên chỉ cần một cây dao nhỏ, gõ gõ vào quả sầu riêng là anh có thể phân biệt được đâu là quả già, non và đủ độ tuổi để hái.
Theo anh Trường, thông thường chỉ cần ngửi mùi thấy thơm, gai cứng, vỏ ngoài ngả màu là biết trái đã chín, nhưng đối với thợ gõ sầu riêng thì phải phân biệt được non, già khi quả còn xanh và đang ở trên cây.
Trước khi trở thành thợ gõ chuyên nghiệp với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/ngày, anh Trường phải trải qua quá trình học hỏi kinh nghiệm từ nhiều người đi trước và phải trả giá cho những lần gõ, hái nhầm hàng non, chưa đủ tuổi.
Dù đã theo nghề lâu năm, nhưng anh Trường luôn cẩn thận mỗi khi nhận vào vườn gõ, hái sầu riêng. Không chỉ gõ trái mà anh còn cẩn thận “nếm cơm” để xem độ ngọt cũng như chất lượng cơm sầu riêng. Bởi với những người làm nghề này, chỉ cần gõ, hái nhầm trái non sẽ mất uy tín với thương lái, thậm chí thương lái sẽ lỗ nặng nếu làm hàng bóc múi.
Theo anh Trường, khi sầu riêng chín, vỏ thường teo lại và phần cơm tách hẳn phần vỏ nên gõ sẽ nghe tiếng bộp bộp, cầm trên tay nó cũng nhẹ hơn. Khi gõ nghe tiếng boong boong nghĩa là trái sầu riêng chưa chín. Trái sầu riêng đủ tuổi, khi hái xuống để tự nhiên vẫn chín, hàng chưa đủ tuổi phải dùng thuốc chuyên dụng để ủ.
Khó tìm người làm
Nghề nào cũng có cái khó của nó nhưng nghề gõ, hái sầu riêng còn khó hơn nhiều |
Vào nghề gõ, hái sầu riêng hơn 5 năm, anh Trần Văn Duy (Đắk Nông) cho rằng tuy tiền công cao hơn các nghề khác nhưng cũng rất gian nan. Ban ngày, gõ, hái sầu riêng ở các vườn và đêm mang hàng về vựa để chốt công. Có lúc 2-3 h sáng vẫn chưa xong việc. Nghề này tuy lương cao nhưng đổi lại phải có sức khỏe để leo cây. Cùng với sức khỏe, để bám trụ với nghề đòi hỏi sự chịu khó và tinh ý thì mới có thể gắn bó và thành thạo.
Anh Duy cho biết: “Nghề nào cũng có cái khó của nó nhưng nghề gõ, hái sầu riêng còn khó hơn nhiều. Bởi quả sầu riêng trên cây mình không thể biết được bên trong nó như thế nào. Nếu hái hàng yếu tuổi không chỉ ảnh hưởng uy tín của mình mà còn thiệt hại kinh tế cho cả đôi bên. Vì vậy, làm nghề gõ sầu riêng phải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm của các anh em xung quanh”.
Theo nhà vườn, thu hoạch sầu riêng không giống như những cây ăn trái khác vì đây là loại trái nhiều gai, việc hái, thu gom cũng khó hơn vì vậy cần nhiều nhân công lao động.
Vào những ngày thu hoạch, mỗi vườn đều có gần chục người để gõ, hái, hứng, thu gom, vận chuyển. Tùy vào công việc sẽ có mức giá phù hợp.
Thông thường, người trèo cây để gõ và hái trái được trả công cao nhất, khoảng 1 - 1,3 triệu đồng/ngày. Các công việc còn lại thường được trả công từ 300.000 - 700.000 đồng/ngày, bên cạnh đó còn được chủ vườn hỗ trợ ăn, uống. Mặc dù công việc có phần khó khăn, vất vả nhưng ai nấy cũng đều hi vọng chủ vườn trúng mùa trúng giá thì họ cũng có thu nhập.
Anh Đặng Huy ngụ huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) có thâm niên hơn 10 năm làm công việc cắt sầu riêng cho doanh nghiệp. Hiện nay, anh được 3 doanh nghiệp thuê phụ trách đội ngũ cắt sầu riêng với nhiệm vụ chủ yếu là đánh giá sản lượng, chất lượng vườn sầu riêng và điều hành, phân công nhiệm vụ cho các thợ cắt. "Những tháng cao điểm, tổng cộng thu nhập của tôi từ 3 doanh nghiệp là 180 triệu đồng/tháng. Ít ngày nữa, tôi xuống Tiền Giang cắt sầu riêng, sau đó sẽ đi các tỉnh khác. Mỗi năm, tôi đi cắt sầu riêng khoảng 10 tháng" - anh Huy cho biết.
Để tránh tình trạng cắt ẩu hoặc để "lọc" thợ có trình độ yếu, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra quy định cho phép sai số tỉ lệ 5%. Vượt quá số này, thợ cắt sầu riêng sẽ phải đền tiền.
Thợ cắt sầu riêng có kinh nghiệm được ví như "bác sĩ nội soi". Họ không những biết được trái sầu riêng già hay non mà còn phải biết chất lượng trái có bảo đảm hay không và căn được ngày chín sau khi cắt xuống. Thậm chí, thợ cắt sầu riêng còn biết được trong mỗi trái có những múi nào cơm ngon, múi nào cơm sượng, chỗ nào lép... mà không cần bổ trái ra.
Nghề cắt sầu riêng tuy được trả công cao nhưng cũng vô cùng khó nhọc và đối diện với nguy hiểm. Phải trèo lên những cây già, có thể cao đến hơn 10 m, không ít người bị ngã, thậm chí bị thương nặng. Bởi vậy, người làm nghề này còn cần sự khéo léo, nhanh nhạy và sức khỏe tốt để bám trụ với nghề. Họ phải đặt an toàn lên trên hết bởi mùa thu hoạch sầu riêng cũng chính là mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên.