![]() |
8 tháng, Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng |
Tại Hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết hiện cả nước có gần 7.000 mã số vùng trồng, gần 1.500 cơ sở đóng gói được cấp để phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên 8 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã 6 lần gửi thông báo vi phạm về mã số vùng trồng với 439 trường hợp vi phạm.
Trong khi đó, 89% sản lượng trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 10 loại trái cây chủ lực của Việt Nam cũng đều có mặt ở quốc gia này. Mỗi năm cả nước xuất khẩu từ 1,9 - 2 triệu tấn thanh long sang thị trường Trung Quốc. Với mặt hàng sầu riêng, quốc gia tỷ dân này cũng là thị trường số 1 của Việt Nam.
Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá việc quản lý mã số vùng trồng cây ăn trái hiện còn nhiều hạn chế, nhất là việc liên kết không chặt chẽ, tình trạng bẻ kèo, mua tranh thường xuyên xảy ra. Thời gian tới, nếu các địa phương không có biện pháp khắc phục, không chỉ một loại mà hàng loạt trái cây sẽ có nguy cơ mất thị trường.
“Nếu Trung Quốc áp dụng các biện pháp tăng cường như ngừng nhập khẩu, cấm nhập khẩu, nước ta sẽ mất thời gian ít nhất từ 3 - 5 năm để đàm phán lại. Việc xuất khẩu trái cây vì vậy sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy nếu không làm tốt khâu quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong thời gian tới”, Thứ trưởng Hoàng Trung nói.
Do vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương lưu ý hơn khi cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, bám sát nội dung của Nghị định thư, đáp ứng các quy định của nhà nhập khẩu .
Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật cho biết tính đến hết tháng 7, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm (phân bố tại 54/63 tỉnh, thành phố) sang 11 thị trường.
Vùng ĐBSCL có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất cả nước với 3.975 mã, chiếm 57% tổng số mã vùng trồng đang hoạt động. Riêng Đồng Tháp có 2.469 mã số vùng trồng được cấp, lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên từ năm 2021 đến tháng 7/2023, Cục Bảo vệ Thực vật đã nhận 4 đợt thông báo từ phía Trung Quốc về các lô hàng xuất khẩu không tuân thủ kiểm dịch thực vật. Cả nước có 750 trường hợp vi phạm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, trong đó, 3 tỉnh đứng đầu lần lượt là Tiền Giang 267 trường hợp, Tây Ninh 204 trường hợp, Đồng Nai 186 trường hợp…
![]() |
Mít là mặt hàng vi phạm nhiều nhất về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói |
Đắk Lắk hiện là tỉnh có số lượng mã số vùng trồng bị Trung Quốc cảnh báo nhiều nhất. Cục Bảo vệ thực vật đã gửi văn bản đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng về việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất sang Trung Quốc.
Theo đó, việc không kiểm soát hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật ngay từ vùng trồng và cơ sở đóng gói đã khiên cho các lô hàng không đáp ứng được quy định của Trung Quốc, làm mất uy tín hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, gây ra nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo cơ quan chuyên môn địa phương thực hiện ngay việc thông báo và hướng dẫn các chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói vi phạm điều tra nguyên nhân vi phạm, triển khai biện pháp khắc phục.
Cùng với đó, lập báo cáo gửi về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 20/9 để Cục Bảo vệ thực vật thông tin cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo các quy định của Nghị định thư nói riêng và Trung Quốc nói chung.
Với trường hợp nhận thông báo vi phạm lần đầu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị địa phương tạm dừng sử dụng mã số, thông báo cho các chủ mã số thực hiện các biện pháp khắc phục, không xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tạm dừng. Chỉ khôi phục mã số khi các vùng trồng, cơ sở đóng gói áp dụng biện pháp khắc phục bảo đảm yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Với trường hợp mã số đã nhận thông báo vi phạm nhiều lần, đề nghị địa phương thông báo tạm dừng và thực hiện thủ tục thu hồi mã số vi phạm. Đồng thời, thông báo kịp thời để bảo đảm các chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói này không thực hiện các hoạt động xuất khẩu.
Cục cũng yêu cầu Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng không làm thủ tục kiểm dịch thực vật với những mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã bị tạm dừng hoặc thu hồi.