Giá sầu riêng tại Miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên năm nay được mùa và giá cả tăng thêm 20 nghìn đồng/kg. |
Sầu riêng tăng sát ngưỡng 100 nghìn đồng/kg, nhà vườn chờ chưa chốt giá
Anh Phan Văn Tâm, một nhà vườn ở Đắk Lắk cho biết, giá sầu riêng được thương lái thu mua lên tới 85.000 - 90.000 đồng/kg hàng sô, muốn mua phải cọc trước từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng/ha. Bà Nguyễn Thị Thắng, cũng ở Đắk Lắk thông tin mới sáng nay (11.7) có thương lái đến trả giá 85.000 đồng nhưng vẫn chưa chốt vì giá đang xu hướng tăng.
Trong khi đó, trên một số hội nhóm, nhiều nhà vườn ở Lâm Đồng cho biết thương lái chốt giá từ 90.000 - 95.000 đồng/kg.
Một chủ doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn đề nghị không nêu tên thừa nhận, thị trường có nhiều thương lái báo giá 85.000 - 90.000 đồng/kg sầu riêng sô. Tuy nhiên giá này doanh nghiệp không dám mua vào và chỉ có thể chấp nhận giá 80.000 đồng/kg với điều kiện là lựa với tỷ lệ "bao đậu" 80%.
Đại diện Hội Làm vườn Việt Nam và Hiệp hội Rau quả Việt Nam đều xác nhận, thời gian gần đây giá sầu riêng tăng mạnh từ 15.000 - 20.000 đồng so với tháng trước; đạt mức cao nhất đến 90.000 - 95.000 đồng/kg.
Nhiều nhà vườn còn sầu riêng kỳ vọng giá tăng thêm nên chưa chốt giá. |
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phía nam Hội Làm vườn Việt Nam, giải thích: Hiện tại, vụ mùa ở miền Đông đang vào giai đoạn kết thúc còn vụ mùa ở Tây nguyên đang chớm bắt đầu. Giai đoạn này, nguồn cung khan hiếm cục bộ đẩy giá sầu riêng lên cao. Khu vực miền Đông diện tích chỉ khoảng 21.000 ha nên sản lượng khá hạn chế. Còn Tây nguyên là nơi có diện tích lớn nhất, lên đến trên 51.000 ha, trên tổng diện tích hơn 110.000 ha của cả nước. Khu vực miền Tây khoảng 31.000 ha, còn lại rải rác các nơi khác.
Bên cạnh đó, việc mùa vụ sầu riêng ở Việt Nam đang dịch chuyển lên Tây nguyên thì đối thủ lớn của chúng ta là sầu riêng Thái Lan cũng đang vào cuối vụ, sản lượng giảm. Đây cũng là yếu tố khiến giá sầu riêng Việt Nam tăng trở lại. "Dự báo giá sầu riêng Việt Nam từ nay đến cuối năm vẫn ở mức cao và sầu riêng Việt Nam trở lại vị thế - một mình một chợ như giai đoạn đầu năm nay", ông Mười thông tin.
Trung Quốc ưa chuộng sầu riêng Việt Nam, giá ngang hàng Thái
Theo số liệu từ đầu năm 2023 đến ngày 30/5, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã làm thủ tục thông quan cho 1.601 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn.
Hiện nay, tại các tỉnh phía nam, sầu riêng đang vào chính vụ thu hoạch và mặt hàng này chỉ thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế. Trong đó, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chiếm hơn 50% tổng số lượng xe.
Hiện nay, lực lượng chức năng của Trung Quốc quan tâm đặc biệt đến chất lượng sầu riêng của Việt Nam. Theo đó, tất cả lô hàng sầu riêng khi nhập khẩu vào Trung Quốc được kiểm tra chặt chẽ về chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ…
Do làm tốt khâu kiểm duyệt nên sầu riêng Việt Nam ngày càng được đánh giá cao tại Trung Quốc. Với lợi thế sầu riêng tươi, mới thu hoạch nên người tiêu dùng tại thị trường tỷ dân rất ưa chuộng. Có thời điểm giá sầu riêng Việt Nam ngang với giá của Thái Lan.
Sầu riêng Việt tiếp tục được ưa chuộng tại Trung Quốc. |
Theo ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan phía nam Hội Làm vườn Việt Nam, sầu riêng Việt Nam phát triển sau người Thái nên hiện tại có nhiều vấn đề về chất lượng, thu hoạch, bảo quản. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải học tập nước bạn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong những năm tiếp theo. Đặc biệt tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể đứng vững ở thị trường quan trọng này.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, bổ sung: Về tổng thể thì chất lượng và hương vị sầu riêng Thái Lan được đánh giá cao hơn. Lúc trước, giá bán của họ tại thị trường Trung Quốc cũng cao hơn sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giá bán sầu riêng Việt Nam đã được doanh nghiệp và tiểu thương Trung Quốc đưa lên ngang ngửa với Thái Lan.
Nguyên nhân thứ nhất, theo ông Nguyên, gần đây số lượng sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc giống Dona chiếm tỷ trọng lớn. Thứ hai là do có lợi thế về vị trí địa lý nên thời gian vận chuyển được rút ngắn, nhờ vậy sản phẩm của Việt Nam lúc nào cũng tươi mới hơn. Đây là yếu tố tạo nên sức cạnh tranh mạnh mẽ của sầu riêng Việt Nam. "Về lâu dài chúng ta phải tiếp tục cải thiện chất lượng, đặc biệt là giống sầu riêng", ông Nguyên khuyến cáo.
Sầu riêng Việt Nam có những lợi thế xuất khẩu khiến sầu riêng Thái Lan không thể sánh kịp. Tuy nhiên, người Thái Lan có những hướng đi riêng, họ trú trọng tới chất lượng và thương hiệu. Do vậy, để tăng sức cạnh tranh của sầu riêng Việt, thời gian tới các ngành chức năng và nhà vườn cần tuân thủ các quy trình từ sản xuất tới sơ chế bảo quản theo chuẩn xuất khẩu. Việt Nam cũng cần tăng cường phối hợp để mở rộng diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, việc khai thác tôi đa các kênh vận chuyển sầu riêng sang Trung Quốc cũng góp phần gia tăng kim ngạch ở thị trường này./.