Dù bước vào giai đoạn thu hoạch rộ nhưng giá sầu riêng vẫn duy trì ở mức cao, xuất khẩu thuận lợi. |
Cơn sốt sầu riền Việt tại Trung Quốc
Sau một thời gian bị giảm giá do nguồn cung tăng khi bước vào mùa thụ hoạch rộ, hiện giá nhiều loại sầu riêng tại vùng ÐBSCL đã tăng trở lại ít nhất khoảng 5.000-10.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 3 tuần.
Giá sầu riêng Ri 6 được nông dân bán xô cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức 55.000-57.000 đồng/kg, Ri 6 tuyển lựa loại 1 (đạt chuẩn xuất khẩu) từ 63.000-67.000 đồng/kg.
Giá trái sầu riêng Mỏn thon (giống Thái Lan) được nhiều nông dân bán xô ở mức trên dưới 75.000 đồng/kg, còn hàng tuyển lựa loại 1 có giá 80.000-85.000 đồng/kg.
Giá sầu riêng tăng do đầu ra xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đang có nhiều thuận lợi, trong khi nguồn cung tại nhiều địa phương giảm so với trước do nhiều vườn sầu riêng đã thu hoạch dứt điểm. Trong khi nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc tăng cao.
Giá sầu riêng hiện đã tăng lên mức 80.000-85.000 đồng/kg. |
Hiện nay, quả sầu riêng tươi chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 83% tổng trị giá xuất khẩu trái cây. Theo số liệu từ đầu năm 2023 đến ngày 30/5, lực lượng chức năng tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã làm thủ tục thông quan cho 1.601 lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tương đương gần 60.000 tấn.
Trong đó, chỉ riêng tháng 5/2023, sản lượng sầu riêng xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã đạt hơn 17.500 tấn.
Hiện nay, tại các tỉnh phía nam, sầu riêng đang vào chính vụ thu hoạch và mặt hàng này chỉ thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế. Trong đó, Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chiếm hơn 50% tổng số lượng xe.
Theo ước tính, sản lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu qua Cửa khẩu Hữu Nghị trong tháng 6/2023 có thể đạt hơn 20.000 tấn.
Đẩy nhanh tiến độ cấp mã số sầu riêng nắm bắt lợi thế xuất khẩu
Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang tăng cường xét duyệt hồ sơ, hướng dẫn nhà vườn, các hợp tác xã và doanh nghiệp để được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho trái cây.Đặc biệt là ưu tiên cho diện tích cây sầu riêng để tạo điều kiện cho mặt hàng nông sản chủ lực này xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc.
Sầu riêng là một trong 11 loại cây ăn trái đặc sản của tỉnh Tiền Giang với diện tích lớn nhất, gần 20.000 ha. Trong số này, có gần 12.500 ha vườn cây đang cho trái, sản lượng thu hoạch đạt 355.000 tấn/năm, thị trường tiêu thụ của trái sầu riêng chủ yếu là qua Trung Quốc. Từ tháng 7/2022, trái sầu riêng của Việt Nam được xuất chính ngạch qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc là điều kiện tốt, mở ra hướng đi rất triển vọng cho loại trái cây này.
Tuy nhiên, vấn đề là trái sầu riêng xuất khẩu sang thị trường này phải có chất lượng cao và được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã tích cực phối hợp các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp trồng và kinh doanh trái sầu riêng thực hiện đạt các điều kiện để cấp mã số. Vì trước đây trái sầu riêng ở địa phương mới được cấp 02 Mã số vùng trồng với diện tích 93 ha.
Tỉnh Tiền Giang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng sầu riêng. |
Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang đã và đang tiếp nhận xử lý thêm 204 hồ sơ đăng ký mã số vùng trổng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích vườn gần 8.900 ha; trong đó có 66 mã số được phía Trung Quốc chấp thuận với diện tích khoảng 2.400 ha. Đồng thời, tiếp nhận xử lý thêm 83 hồ sơ đăng ký cơ sở đóng gói xuất khẩu trái cây.
Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, phấn đấu đến năm 2025 cấp mã số cho 100% vườn cây sầu riêng.
“Năm nay đối với trái sầu riêng mình đã cấp mã số và hồ sơ gần hoàn chỉnh gần 9.000 ha, còn khoảng hơn 5.000 ha nữa. Phía Trung Quốc đã đồng ý khoảng 2.400ha, còn hồ sơ gửi cho Cục Bảo vệ thược vật và sẽ gửi quan Trung Quốc. Mình cũng đang nhân hồ sơ cấp khoảng 8.000ha, nếu không cấp hết cũng đạt 70%, phấn đấu đến năm 2025 phải cấp xong” - ông Võ Văn Men nói.
Những thông tin tích cực từ giá sầu riêng và những chuyển biến tích cực từ thị trường xuất khẩu cho thấy vị thế của sầu riêng Việt Nam. Không thể phủ nhận chất lượng và sự cạnh tranh về giá thành đã giúp tri sầu riêng Việt tạo sức hút tại thị trường Trung Quốc. Dù có những tiêu chuẩn khắt khe, đây cũng là cơ sở để các ngành chức năng và nhà vườn tuân thủ các quy định để rộng đường cho những vụ sầu riêng tiếp theo./.