![]() |
Mô hình trồng sầu riêng của anh Lê Sỹ Hòa (thôn 8, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). |
Số lượng mã số vùng trồng được cấp tăng nhanh vẫn lộ bất cập
Thông tin từ Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho biết, mã số vùng trồng được cấp đối với sầu riêng "tăng nhanh" từ khi Việt Nam ký Nghị định thư với Trung Quốc. Hiện, đã có 422 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp.
Tháng 7/2022, Nghị định thư về thương mại sầu riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký đã "mở đường" cho loại quả này có giá trị tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, việc có thêm nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt là tin vui đối với các nhà vườn, doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng.
Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc trong những tháng còn lại của năm nay, khi nhu cầu tiêu thụ từ thị trường này rất lớn.
![]() |
Nông dân huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) chăm sóc sầu riêng. |
Theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 của Bộ NNPTNT, diện tích sầu riêng cả nước là 65.000 - 75.000ha, sản lượng 830.000 - 950.000 tấn. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng sầu riêng trên cả nước trên 112.000ha (tăng hơn 27.000ha so năm 2021), sản lượng trên 863.000 tấn.
Mặc dù diện tích sầu riêng được cấp mã số vùng trồng đã tăng lên, nhưng theo đại diện Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đắk Lắk cho biết, sầu riêng đang là cây trồng chính của tỉnh. Hiện tính liên kết, tổ chức cấp và quản lý vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với HTX chưa chặt chẽ.
"Ngay cả những cơ sở, tổ chức được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng chưa có ý thức bảo vệ mã được cấp. Người được cấp phải có hiểu biết, nắm bắt tất cả những vấn đề liên quan đến Nghị định thư...", đại diện tỉnh Đắk Lắk cho hay.
Những bất cập khi diện tích sầu riêng tăng nóng
Một vấn đề nữa, đó là hiện nay, cây sầu riêng đang mang lại giá trị cao, tuy nhiên nhiều người dân tự ý mở rộng diện tích. Nếu quản lý không tốt thì diện tích sầu riêng sẽ gia tăng, làm phá vỡ quy hoạch; công tác thu hoạch sầu riêng của một số cơ sở cũng chưa đạt chuẩn.
Chị Phạm Thị Huệ, nông dân trồng sầu riêng ở thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) cho rằng, nếu phát triển “nóng” cây sầu riêng như hiện nay, nguy cơ cung sẽ vượt cầu. Khi đó, những nhà vườn không nằm trong chuỗi liên kết, không tham gia hợp tác xã sẽ gặp khó khăn về đầu ra. Đó là bài toán cần có sự vào cuộc của Nhà nước để khuyến cáo, thông tin chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đặc điểm địa phương.
Tính đến tháng 4/2023, diện tích sầu riêng tại Lâm Đồng đạt gần 18 nghìn ha, tăng hơn 3.500 ha so với cùng kỳ năm 2021. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu, tình trạng phát triển “nóng” về diện tích sầu riêng có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới.
Quan điểm của ngành nông nghiệp tỉnh là không khuyến khích phát triển thêm diện tích trồng sầu riêng, mà cần tập trung nâng cao chất lượng trái sầu riêng thương phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia vào vùng trồng để được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cũng như phục vụ thị trường trong nước.
Còn theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích sầu riêng của tỉnh khoảng 22.500ha, sản lượng đạt 188.000 tấn (vượt quy hoạch gần 7.500 ha). Toàn tỉnh đã được cấp 49 mã vùng trồng với diện tích gần 2.000ha và 17 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.
![]() |
Hiện cây sầu riêng cho hiệu quả cao nhưng nhà vườn vẫn lo lắng về tình trạng ồ ạt tăng diện tích. |
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk nhận định: "Đã có một số nơi tại địa phương, người dân nhận thức chưa đầy đủ và chuyển đổi cây trồng từ cà phê, tiêu... sang sầu riêng để cải thiện thu nhập. Hiện tượng này dễ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Trong đó, hệ lụy dễ thấy nhất là nguồn cung vượt cầu, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu... ảnh hưởng lớn đến uy tín đối với mặt hàng nông sản này của tỉnh".
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, Sở cũng đã khuyến cáo các địa phương nhắc nhở người dân không ồ ạt trồng sầu riêng. Nếu có chuyển đổi cây trồng, bà con phải đảm bảo những yêu cầu điều kiện mà cơ quan chức năng đã đặt ra. Ví dụ, vùng trồng phải xác định được gieo sầu riêng là phù hợp, khí hậu thuận lợi, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng giống và chứng nhận liên kết hợp tác để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển thì phải đảm bảo giống, khuyến khích sử dụng các loại giống và quy trình có thể rải vụ, hoặc là trái vụ làm gia tăng hiệu quả. Đặc biệt phải có sự hợp tác, liên kết để tạo ra các vùng trồng tập trung, đồng nhất về chất lượng, tuân thủ các quy định về mã vùng trồng, rồi truy xuất được nguồn gốc và hướng đến xây dựng thương hiệu đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay diện tích trồng sầu riêng trên cả nước là 112,2 nghìn ha (tăng hơn 27,3 nghìn ha so năm 2021), sản lượng 863,3 nghìn tấn. Điều đáng quan ngại là tại một số nơi người dân đã chặt bỏ cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng không theo cảnh báo của cơ quan chuyên môn. Việc tăng trưởng “nóng” diện tích sầu riêng ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất cũng như nguy cơ cung vượt cầu./.