Có thời điểm thương lái đặt cọc thu mua giá từ 95.000-100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với giá sầu riêng đầu vụ năm 2022. |
Hủy hợp đồng sầu riêng và nỗi lo của doanh nghiệp
Tình trạng người dân tự ý phá bỏ hợp đồng mua bán sầu riêng đang diễn ra khá phổ biến tại Đắk Lắk gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua. Nguyên nhân là do một số đầu nậu "thổi giá" lên cao. Nhiều thời điểm, giá lên cao gần gấp đôi so với giá bà con đã ký cam kết thu mua trước đó. Một số ít hộ đã tự phá bỏ hợp đồng thu mua ký kết với đối tác trước đây để bán cho đầu nậu. Nếu tình trạng này tiếp diễn thêm vài tuần khi sầu riêng chín rộ, rất có khả năng đầu nậu sẽ quay lại ép giá khiến nông dân chịu tổn thất nặng nề.
Dù chỉ hơn 10 ngày tới là bước vào chính vụ sầu riêng, nhưng khoảng 1/3 đơn hàng doanh nghiệp này đã ký cam kết thu mua trước đây bị người dân ngang nhiên phá bỏ hợp đồng.
"Hiện tại có một số hợp tác xã chúng tôi liên kết nhiều năm qua, nhưng đến bây giờ họ hủy hợp đồng đơn phương vì không đáp ứng được giá cả hiện tại người ta đưa ra. Nếu không có nguồn hàng thì chúng tôi phải đền hợp đồng cho đối tác nước ngoài rất là lớn", ông Vũ Ngọc Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại, Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, Đắk Lắk, cho biết.
Tình trạng người dân tự ý phá bỏ hợp đồng mua bán sầu riêng đang diễn ra khá phổ biến tại Đắk Lắk. Nguyên nhân là do một số đầu nậu "thổi giá" lên cao. Nhiều thời điểm, giá lên cao gần gấp đôi so với giá bà con đã ký cam kết thu mua trước đó.
"Lúc trước tôi có chốt giá là 60.000 - 70.000 đồng/kg, nhưng bây giờ người dân nói phải trên 10 hoặc 15 giá thì người ta mới cho cắt vườn. Nếu không lên giá thì người dân đồng ý hủy hợp đồng và đền hợp đồng cho tôi", chị Trịnh Hoàng Oanh, Giám đốc Công ty Thu mua nông sản Tân Vạn Phát, Đắk Lắk, cho hay.
Thời gian thu hoạch sầu riêng rất ngắn, nếu không cắt đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. (Ảnh: TTXVN) |
"Bà con nên cảnh giác với một số đối tượng đến chốt giá, đẩy giá lên, sau đó bỏ cọc. Khi đã ký hợp đồng với các công ty, chúng ta sẽ cùng công ty thực hiện đúng hợp đồng đó, để tạo sự uy tín đối với ngành sầu riêng trên địa bàn huyện", ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắk, Đắk Lắk, nhận định.
Thời gian thu hoạch sầu riêng rất ngắn, nếu không cắt đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Do dó, vì lợi ích nhỏ trước mắt mà tự ý phá bỏ hợp đồng thu mua đã ký cam kết, bà con có thể sẽ bị các đầu nậu quay trở lại "ép giá" khi sầu riêng chín rộ.
Tại huyện Cư M’gar, để chuẩn bị cho vụ sầu riêng năm 2023, Ủy ban Nhân dân huyện đã tổ chức hội nghị kết nối với 10 doanh nghiệp về thu mua, xuất khẩu sầu riêng và thực tiễn doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân trồng sầu riêng, đây là tiền đề xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất sầu riêng. Tuy nhiên, đầu vụ sầu riêng năm 2023, nhiều thương lái ở nơi khác đến huyện, thông qua môi giới, đến tận vườn, chốt giá cao hơn. Nhiều hộ dân trồng lẻ đã trả lại tiền cọc cho doanh nghiệp, chốt giá với thương lái, song có nhiều hộ dân tỉnh táo, giữ chữ tín trong sản xuất.
Trước tình hình thu mua sầu riêng trên địa bàn ngay từ đầu vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành công văn đề nghị Ủy ban Nhân dân cấp huyện rà soát, tổng hợp, bám sát tình hình sản xuất, giá cả, thị trường tiêu thụ sầu riêng của địa phương. Ủy ban Nhân dân cấp huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân thu mua sầu riêng phải cam kết thực hiện đúng nội dung tiêu chuẩn ngành, nghiêm cấm không được thu mua sầu riêng trộm cắp, không đảm bảo theo quy định.
Giá sầu riêng tăng nóng vừa mừng vừa lo
Tỉnh Đắk Lắk có hơn 22.458ha sầu riêng, chiếm 26,4% diện tích sầu riêng của cả nước và là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ hai sau tỉnh Tiền Giang. Sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân Đắk Lắk. Một số địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn như Krông Năng, Krông Pắc, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ...
Ghi nhận tại thị xã Buôn Hồ, giá sầu riêng đang được các thương lái, doanh nghiệp đặt cọc, thu mua tại vườn dao động từ 70.000-90.000 đồng/kg, có thời điểm thương lái đặt cọc thu mua giá từ 95.000-100.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với giá sầu riêng đầu vụ năm 2022. Với giá như hiện nay, người trồng sầu riêng Đắk Lắk phấn khởi vì trừ chi phí sản xuất (khoảng 20.000-25.000 đồng/kg) mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, song giá lên quá cao cũng khiến nông dân lo lắng.
Gia đình chị Võ Thị Minh Hường, phường An Bình, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk trồng 5 sào (5.000m2) sầu riêng với gần 80 cây đang cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 1,5 tạ/cây. Mặc dù còn khoảng 45 ngày nữa, vườn sầu riêng của gia đình chị mới thu hoạch song đã có thương lái vào tận vườn liên hệ thu mua với giá 85.000 đồng/kg.
Chị Hường cho biết, những ngày qua, thương lái đến liên hệ để thu mua khá nhiều, ở địa phương cũng có thêm nhiều cơ sở thu mua sầu riêng. Giá sầu riêng tăng, gia đình chị Hường rất mừng nhưng vẫn mong giá bình ổn, hợp lý để người dân thỏa thuận mua bán được.
Ông Nguyễn Thạc Cảnh (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) đợi sầu riêng đủ ngày tuổi mới chốt giá, thu hoạch. (Ảnh: TTXVN) |
Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Buôn Hồ Bùi Thành Huỳnh cho biết, hợp tác xã hiện có 27 thành viên chính thức và liên kết với hơn 80 hộ dân, tổng diện tích canh tác gần 200ha sầu riêng. Tình trạng thương lái, doanh nghiệp vào tận vườn để liên hệ, chào mời nhiều đáng kể so với các năm trước. Hợp tác xã đang liên kết với 3 doanh nghiệp về kỹ thuật, tiêu thụ sầu riêng. Tuy nhiên, với giá sầu riêng cao như hiện nay, một số hộ dân đã nhận cọc tiền, bán cho thương lái.
Theo nhiều nông dân, giá sầu riêng dao động khoảng 80.000 đồng/kg là hợp lý, vì sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giảm chi phí vận chuyển và hạn chế chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, sầu riêng các tỉnh đã sắp hết vụ thu hoạch, chỉ còn sầu riêng Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch nên các thương lái, doanh nghiệp săn đón thu mua để có đủ nguồn hàng phục vụ xuất khẩu.
Mặc dù thời tiết năm nay có những thời điểm mưa nhiều gây rụng hoa, trái sầu riêng non hoặc nấm bệnh nhiều song vụ mùa sầu riêng năm 2023 tại tỉnh Đắk Lắk được dự đoán có sản lượng tăng hơn năm trước. Nguyên nhân là diện tích sầu riêng cho thu hoạch lần đầu của tỉnh tăng khoảng 3.000 ha. Mặt khác, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, giá tăng, nhiều nông dân tâm huyết đầu tư vườn cây, đạt năng suất cao.
Giá sầu riêng tăng, nhiều thương lái đến tận vườn để chào mời đặt cọc cảnh báo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như tình trạng bẻ cọc với doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trước đó để bán cho thương lái ảnh hưởng đến tính liên kết chuỗi trong sản xuất; tình trạng tranh mua-tranh bán có khả năng dẫn đến các khiếu kiện dân sự; thu hoạch sầu riêng khi giá cao, chưa đủ ngày tuổi. Trên thực tế, những năm trước đã có trường hợp thương lái đặt cọc song chỉ mua sầu riêng loại 1 với giá đã cam kết, còn lại sầu riêng nhỏ, quá to hoặc xấu sẽ bị ép giá, neo vườn cây, ảnh hưởng tới năng suất của vụ sau. Chưa kể, nhiều hợp đồng không rõ ràng sẽ khiến nông dân “dở khóc dở cười.”/.