Chưa khi nào giá sầu riêng ở Đắk Lắk lại biến động như hiện nay, thương lái chốt cả vườn non nhưng nhà vườn vẫn lo lắng. |
Thương lái chốt giá sầu riêng non cao kỷ lục và hệ lụy
Còn khoảng 1 tháng nữa, sầu riêng Đắk Lắk sẽ chính thức bước vào mùa thu hoạch chính vụ. Từ trước thời điểm thu hoạch khoảng 2-3 tháng, nhiều thương lái đổ xô đến tận các vườn sầu riêng tại các huyện Krông Pắk, Cư M'gar, Krông Búk, thị xã Buôn Hồ… để xin được mua sầu riêng non (được hiểu là chốt giá thời điểm sầu riêng còn non, chờ quả già sẽ cắt), với giá cao.
Tại các vườn, qua khảo sát cho thấy nông dân được chào mời chốt giá 60.000-100.000 đồng/kg - mức kỷ lục nên nhiều nhà vườn hào hứng chốt giá với thương lái.
Sở hữu hơn 1ha sầu riêng, anh Mai Văn Cường (huyện Cư M'gar) cho biết, vào tháng 6 vừa qua, nhiều thương lái đã đến vườn của gia đình anh xin chốt sầu riêng non với giá 60.000 đồng/kg; trong khi đợt cao giá nhất năm trước mới bán được 50.000 đồng/kg.
"Thấy tôi lưỡng lự, thương lái kê giá lên 63.000 đồng/kg, thấy mức giá "đỉnh", tôi chốt luôn. Đến vài tuần sau, thương lái chốt thu mua sầu riêng của vườn hàng xóm với giá 75.000 đồng/kg. Tôi cũng tiếc đứt ruột nhưng trót chốt rồi không thể làm khác", anh Cường nuối tiếc.
Việc thương lái đến vườn chốt sầu riêng non là bình thường, rủi ro từ việc chốt giá sớm, thu nhập thấp hơn những vườn bán muộn, nhiều hộ dân từng nếm trải. Có nhiều vườn khi chốt bán giá cao, giá "ảo", đến chính vụ giá xuống thấp, nhiều thương lái bỏ cọc, không cắt sầu riêng nữa, nông dân lâm cảnh "bơ vơ", phải chấp nhận bán đổ bán tháo với giá rất thấp.
Nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk buộc sầu riêng, đợi sầu riêng đủ ngày tuổi mới chốt giá, thu hoạch. |
Cả nhà vườn sầu riêng và doanh nghiệp đều rủi ro
Nói không với việc bán sầu riêng non, ông Châu Phúc (ngụ xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) ông từng lâm vào tình trạng "dở khóc dở cười" vì chốt bán sớm. Vào năm 2021, gia đình ông được thương lái xuống chốt giá bao toàn vườn sầu riêng khoảng 3ha mức 42.000 đồng/kg.
"Thời điểm này tôi rất vui khi chốt được giá khá cao, đến vụ thu hoạch trùng thời điểm dịch bệnh việc mua bán khó khăn. Thương lái đến vườn than thở xin giảm giá chứ không thể mua như giá đã chốt, tôi cũng không gây khó dễ nên đành bán với giá chỉ còn 24.000 đồng/kg. Rút kinh nghiệm sự cố này, tôi quyết định không chốt non nữa", ông Phúc quả quyết.
Là đơn vị chuyên thu mua sầu riêng, các loại nông sản và có mô hình liên kết sản xuất với nông dân từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Xuân Hương - Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (Đắk Lắk) - nhận định, sầu riêng hiện có nhiều mức giá khác nhau trên thị trường và không ổn định. Bà Hương cũng lo lắng việc nông dân có thể vì lợi trước mắt, chăm vào mức giá cao để chốt rồi phá vỡ mối liên kết sản xuất bền vững với doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp chúng tôi đã liên kết với 80 hộ của 5 tổ hợp tác tại nhiều địa phương với diện tích 300ha, sản lượng 5.000-6.000 tấn. Hiện có nhiều doanh nghiệp khác đặt vấn đề chốt giá với các tổ hợp tác mà công ty tôi liên kết nhưng chưa có hộ nào đồng ý bán ra ngoài. Các thành viên chú trọng việc thực hiện mô hình liên kết lâu dài, bền vững với doanh nghiệp", bà Hương cho hay.
Một số doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến sầu riêng xuất khẩu bức xúc, mức giá sầu riêng vượt xa dự tính của họ nên gần như không thể mua được. Bởi với các đơn hàng xuất khẩu, giới thương lái xuất sang Trung Quốc đều không mua khi giá trên 70.000 đồng/kg sầu riêng Thái loại A. Vì nếu cộng thêm chi phí DN bỏ ra cho thu hoạch, vận chuyển, làm hàng… bình quân vượt hơn 25.000 đồng/kg, tính ra giá sầu riêng vượt cao hơn các năm trước rất nhiều.
Đại diện một DN thu mua sầu riêng lớn tại Đắk Lắk khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn "đứng hình" vì không biết nên làm sao cho phải. Nếu mua với giá cao thì không có lãi nhưng không nhập hàng, DN vẫn gánh chịu chi phí vận hành, tiền lương cho công nhân. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đây là một áp lực không đơn giản". Đáng lo hơn, trong vòng 10 ngày tới, nếu giá sầu riêng giảm, các DN có thể thu mua thì lại quá tải năng lực sản xuất. Lượng hàng thu gom về nhiều, nhân công và kho bãi có hạn, chắc chắn DN không kịp đáp ứng tốt các đơn hàng. Thị trường như vậy có nguy cơ "vỡ trận" thực sự, nông dân có chấp nhận bán tháo sầu riêng cũng không kịp giải phóng các vườn trồng.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty XNK Vina T&T Group, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: Diễn biến thị trường xuất khẩu sầu riêng hiện nay vẫn tương đối thuận lợi, các đơn hàng từ Trung Quốc vẫn đều đặn.
Do vậy rất cần các doanh nghiệp và nông dân nhanh chóng hợp tác điều đình giá mua bán sầu riêng phù hợp, không để tình hình xấu xảy ra vì mùa vụ sầu riêng chín rộ sắp tới.
Đến lúc thu hoạch rộ lên nông dân mới bán ồ ạt, doanh nghiệp không mua kịp, giá giảm mạnh thì không chỉ có nông dân thua lỗ nặng nề, mà doanh nghiệp cũng vỡ các kế hoạch sản xuất, mất đơn hàng xuất khẩu, thiệt hại sẽ rất lớn, và đặc biệt uy tín thị trường sầu riêng của ta sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Nông dân vừa phấn khởi khi giá sầu riêng cao vừa lo lắng "giá ảo". |
Nông dân cần tỉnh táo trước 'bẫy giá' sầu riêng
Ông Vũ Đức Côn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk - cho biết trong tháng 7 vừa qua, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh tổ chức hội nghị với sự tham dự của doanh nghiệp, nông dân, cơ quan chức năng liên quan để nắm bắt tình hình thị trường sầu riêng, những thuận lợi, thách thức của ngành.
Theo ông Côn, thông qua các doanh nghiệp tham gia hiệp hội, hiện giá cả sầu riêng biến động liên tục, có thời điểm lên tới 100.000 đồng/kg. Thậm chí, có thời điểm thương lái mua ở mức giá "không thể chấp nhận", bên bán không có lãi nhưng vẫn chốt giá.
"Theo tôi việc chốt giá rất cao có thể do tình trạng "tranh mua, tranh bán" nhằm giữ được vườn, có được nguồn hàng nên thương lái chấp nhận mua lỗ trong một thời điểm nào đó", Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk nhận định.
Ông Vũ Đức Côn cũng cho rằng, nông dân cần tỉnh táo trước những "bẫy" giá, không nên nóng vội chốt sớm quá có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc đã từng diễn ra từ nhiều năm qua.
"Việc chốt giá nếu thấp quá, đến ngày cắt giá tăng cao, nông dân chịu thiệt. Còn đối với việc thương lái chốt giá cao, đến ngày cắt sẽ tìm cách cắt lỗ, có thể chỉ mua với số lượng ít, chọn lựa cắt những quả sầu riêng chất lượng nhất. Trong khi đó, hiện sầu riêng chưa có tiêu chuẩn trái như thế nào là hạng A,B,C… nên phần lớn nông dân vẫn thiệt thòi", ông Côn nói thêm.
Ngoài ra, do phía Hiệp hội Sầu riêng không thể can thiệp vào giá mua bán nên chỉ có thể khuyến cáo, đưa ra các cảnh báo trên website, báo đài… Bên cạnh đó, ông lưu ý, việc chỉ chăm chăm chốt giá có thể ảnh hưởng đến sự bền vững của ngành hàng sầu riêng.
Ông Vũ Đức Côn cho biết thêm, sầu riêng không phải là mặt hàng thuộc dạng lương thực nhà nước bình ổn quản lý giá nên tất cả đều phụ thuộc vào cơ chế thuận mua vừa bán, thậm chí các DN trên địa bàn tỉnh phải cạnh tranh với các DN ở địa phương khác đến tranh mua. Thị trường Trung Quốc hiện chiếm tới 95% giá trị xuất khẩu của sầu riêng VN. Bên cạnh đó, sầu riêng VN không chỉ tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc mà đã được mở rộng sang các thị trường khác như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc, Anh...
"Nhiều nông dân vì giá cao mà tranh thủ cắt sớm, cắt vội dẫn đến chất lượng sầu riêng không đảm bảo, ảnh hưởng đến uy tín ngành hàng. Không chỉ vậy, việc chọn bán cho thương lái trả giá cao hơn mà không quan tâm đến vấn đề hợp tác, liên kết lâu dài trong xuất khẩu chính ngạch sẽ gây ảnh hưởng về sau cho nông dân, nhất là thời điểm giá cả xuống thấp", ông Côn nhấn mạnh./.