Cơn sốt xuất khẩu cùng với những làn sóng tăng giá sầu riêng liên tục đã lộ diện những bất cập. |
HTX bị thu hồi giấy phép, người trồng sầu riêng sốt ruột cần hỗ trợ
Trong khi các đơn vị và cá nhân ở đang hồ hỏi bước vào vụ thu hoạch thì một hợp tác xã tại Đắk Lắk vừa bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký trước vụ sầu riêng 2023. Sự việc này đang khiến cho Hợp tác xã cùng nhiều người dân vô cùng lo lắng.
Ngày 5.8, ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) cho biết, mới đây, trên địa bàn huyện vừa có một Hợp tác xã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký mã vùng trồng sầu riêng. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề mã vùng trồng, bảo đảm quyền lợi cho bà con trước vụ thu hoạch.
Trước đó, vào cuối tháng 6.2023, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Krông Pắk đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã đối với Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắk.
Lý do là vào tháng 2.2023, Công an tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắk. Ông Tuấn vị xử phạt về hành vi “làm giả hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan tổ chức”.
Người dân lo lắng cho vụ mùa sầu riêng 2023 khi một hợp tác xã bị thu hồi giấy chứng nhận. |
Ông Đỗ Xuân Hoàng, Giám đốc hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắk cho biết, hiện hợp tác xã của ông có 2.600 hộ tham gia với diện tích 1.260ha sầu riêng.
"Chúng tôi lo sẽ không bán sầu riêng theo đường chính ngạch được mà phải đi theo đường tiểu ngạch. Như vậy, việc tiêu thụ sầu riêng vừa tốn thời gian, vừa sợ giá bấp bênh. Bao nhiêu công sức bỏ ra để xây dựng mã vùng trồng nhưng gần đến vụ thu hoạch lại xảy ra chuyện ngoài ý muốn” - Ông Hoàng lo lắng cho biết.
Theo ông Hoàng, hiện hợp tác xã của ông xây dựng được 26 mã vùng trồng, sản lượng sầu riêng vụ 2023 ước đạt khoảng 30.000 tấn .
Ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết địa phương sẽ tiếp tục họp để giải quyết, tìm hướng xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho bà con.
“Việc thu hồi giấy chứng nhận hợp tác xã có ảnh hưởng lớn đến bà con. Đặc biệt, giá trị của các vườn sầu riêng rất lớn, có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng. Do đó, chúng tôi phải tìm hướng giải quyết hợp lý. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ xử lý xong, đảm bảo quyền lợi của bà con trước mùa vụ sầu riêng 2023” - Ông Diệu chia sẻ.
Liên quan sự việc này, ở góc độ cơ sở, ông Nguyễn Phụng Minh, Chủ tịch UBND xã Ea Yông cho biết, hiện chính quyền xã đang phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động bà con tập trung, chăm lo cho vườn cây, quả sầu riêng đạt quy chuẩn để xuất khẩu.
Cò sầu riêng lộng hành cả nông dân và doanh nghiệp đều bất an
Càng đến gần mùa thu hoạch nhiều vườn sầu riêng ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk lại thấp thỏm lo âu sợ bảo kê chèn ép, kẻ gian quấy phá vườn. Ông Nguyễn Văn Bảy - đại diện Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ sầu riêng Durian Krông Pắk (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) - cho hay, mỗi năm, Hợp tác xã xuất ra thị trường khoảng 20 đến 25 tấn sầu riêng. Năm nay, sau Lễ hội sầu riêng, đơn vị hi vọng giá cả mặt hàng này sẽ cao hơn năm trước. Những vụ sầu riêng trước, địa bàn đã vẫn xuất hiện tình trạng bảo kê, cò sầu riêng, thu lợi bất chính. Sau khi trả tiền, bọn chúng mới để việc mua bán, vận chuyển loại nông sản này thông suốt.
Phải một tháng nữa sầu riêng mới vào vụ thu hoạch nên chưa có bảo kê nhưng có tình trạng cạnh tranh mua bán. Hiện, điều nông dân đang lo nhất đó là giá cả leo thang, nơi cao nơi thấp.
Ông Trương Ngọc Lợi, chủ vườn sầu riêng tại H.Cư M'gar (Đắk Lắk) chia sẻ: "Nhiều người cho rằng giá thành sản xuất sầu riêng chỉ vào khoảng 10.000 đồng/kg, cho nên bán với giá 80.000 đồng/kg là siêu lợi nhuận, nhưng họ không tính kỹ rằng để làm được trái sầu riêng phải mất bao nhiêu năm? Bỏ ra bao nhiêu công sức? Chưa kể là trái bệnh, cây chết. Vì vậy hiện nay các chủ vườn thấy giá lên chần chừ chưa bán".
Đây là tâm lý chung của nhiều chủ vườn khi không muốn bán sầu riêng với giá thấp. Tuy nhiên, giữ vườn sầu riêng trong lúc này không hề dễ dàng khi thời tiết mưa lớn liên tục. Anh Nguyễn Thông, chủ vườn sầu riêng tại thị trấn Long Giao, H.Cẩm Mỹ, Đồng Nai, kể: "Sầu riêng đang được giá nên người trồng hết sức vất vả để giữ vườn, nhất là những vườn sắp thu hoạch, nếu không sẽ bị kẻ trộm lấy đi hết tâm sức, tài sản. Cách đây mấy ngày em và ba đang đi thăm vườn thì thấy 'sầu tặc' và chiếc xe chở theo sọt đang dựng sẵn. Cũng may mới vào lén lút cắt được vài quả thì em bắt gặp nên nó kịp nhảy qua vườn khác rồi chạy ra chối vì không bắt được tận tay bên vườn nhà mình".
Đối phó với "sầu tặc" hiện nay, nhiều chủ vườn đã trang bị thêm camera, nuôi thêm chó giữ vườn nhưng chưa thể an tâm khi kẻ trộm rất manh động và táo tợn.
Càng sát tới ngày thu hoạch, nhận thấy nhu cầu thu mua tăng cao, nhiều vựa thu mua sầu riêng đưa ra thông tin chốt giá ở mức 110.000 đồng/kg đối với loại 1 và khoảng 80.000 đồng/kg với loại 2. Còn những vườn bán xô, bán mão cũng vào khoảng 85.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các chủ vườn vẫn đang nỗ lực dò giá, không chịu bán với giá thấp. Phần lớn nhà vườn đều chưa thống nhất giảm giá bán. Tại Đắk Lắk, chỉ có một vài khu vực sầu riêng rụng, sầu riêng dạt được rao bán 40.000 đồng/kg.
Mức giá sầu riêng vượt xa dự tính của doanh nghiệp nên gần như không thể mua được. |
Một số doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến sầu riêng xuất khẩu bức xúc, mức giá sầu riêng vượt xa dự tính của họ nên gần như không thể mua được. Bởi với các đơn hàng xuất khẩu, giới thương lái xuất sang Trung Quốc đều không mua khi giá trên 70.000 đồng/kg sầu riêng Thái loại A. Vì nếu cộng thêm chi phí DN bỏ ra cho thu hoạch, vận chuyển, làm hàng… bình quân vượt hơn 25.000 đồng/kg, tính ra giá sầu riêng vượt cao hơn các năm trước rất nhiều.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty XNK Vina T&T Group, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: "Diễn biến thị trường xuất khẩu sầu riêng hiện nay vẫn tương đối thuận lợi, các đơn hàng từ Trung Quốc vẫn đều đặn. Tuy nhiên, hiện tượng giằng co mua bán giữa thương lái hay DN với chủ vườn là do hiện nay đã hết vụ mùa sầu riêng từ các vùng khác, ngay cả Thái Lan cũng đã hết thu hoạch. Thời điểm hiện tại chỉ có vùng Tây nguyên là đang cho quả, chính vì vậy chủ vườn "làm giá" cũng là chuyện đương nhiên. Bên cạnh đó, thời tiết mưa cũng thường xuyên ảnh hưởng đến việc thu hoạch".
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng, cũng như nhiều loại trái cây nông sản khác, khi đầu vụ thì giá cao, giữa vụ thu hoạch rộ thì giá xuống thấp và cuối vụ giá lại tăng lên. Vì vậy, bất đồng hiện nay giữa người mua và người bán có thể sẽ không kéo dài. Cần có một sự bắt tay hợp tác dài hạn hơn, một khi các DN đã ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch thì cần phải có vùng nguyên liệu ổn định, chứ không thể "tay không bắt giặc", ký trước thu mua sau thì rất rủi ro, nguy cơ bể hợp đồng và mất uy tín.
Theo ông Vũ Đức Côn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, quan ngại: "Thời gian đi qua đang rất nhanh, mùa vụ sầu riêng chín rộ đã tới. Nếu giữa các DN và nông dân không khẩn trương hợp tác điều đình lại giá mua bán, tình hình sẽ xấu đi. Đến lúc "vỡ trận", không chỉ có nông dân thua lỗ nặng nề, mà DN cũng vỡ các kế hoạch sản xuất, mất đơn hàng xuất khẩu, thiệt hại sẽ rất lớn, và đặc biệt uy tín thị trường sầu riêng Đắk Lắk sẽ bị tổn hại nghiêm trọng"./.