Giá sầu riêng Ri6 tại Tây Nguyên tăng lên mức 80.000 đồng/kg |
Sầu riêng giá cao nhà vườn không bán, doanh nghiệp rơi vào thế bí
Xuất khẩu sôi động, giá sầu riêng tại các vùng trồng tăng vọt. Báo cáo tình hình sản xuất và diễn biến giá cả một số mặt hàng nông sản của Bộ NN-PTNT cho thấy, trong tháng 7, giá sầu riêng Ri6 tăng 7.400 đồng/kg, lên mức 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân, một số vùng trồng ở khu vực phía Nam bước vào cuối vụ, nguồn cung khan hiếm.
Tại khu vực Tây Nguyên, sầu riêng bước vào vụ thu hoạch giá cũng tăng cao. Theo bà Thanh Thảo, nhà vườn trồng và thu mua sầu riêng xuất khẩu ở Đắk Lắk, thừa nhận, giá sầu riêng thời điểm này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, sầu riêng Thái giá thu mua tại vườn ở mức 70.000-85.000 đồng/kg, sầu Ri6 giá dao động trong khoảng 50.000-64.000 đồng/kg. Vườn trồng của bà có 600 cây cho thu hoạch đợt này, sản lượng ước khoảng 80 tấn.
“Vụ sầu này tôi chốt được đơn hàng xuất khẩu 200 container sầu riêng cho đối tác Trung Quốc”, bà tiết lộ. Bà đã đặt cọc chốt mua khoảng 1.000 tấn sầu của các nhà vườn ở khu vực Đắk Lắk.
Tuy nhiên, bà không chốt giá cứng với phía đối tác Trung Quốc mà áp dụng giá theo thị trường. Bởi vậy, dịp này giá sầu riêng thu mua tại vườn tăng cao cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động gom mua xuất khẩu.
Giá sầu riêng thay đổi liên tục khiến nhà vườn chưa muốn bán doanh nghiệp cũng khó mua. |
Từ ngày 3/8, nhiều vựa thu mua sầu riêng đưa ra thông tin chốt giá ở mức 110.000 đồng/kg đối với loại 1 và khoảng 80.000 đồng/kg với loại 2. Còn những vườn bán xô, bán mão cũng vào khoảng 85.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các chủ vườn vẫn đang nỗ lực dò giá, không chịu bán với giá thấp. Phần lớn nhà vườn đều chưa thống nhất giảm giá bán. Tại Đắk Lắk, chỉ có một vài khu vực sầu riêng rụng, sầu riêng dạt được rao bán 40.000 đồng/kg.
Đại diện một DN thu mua sầu riêng lớn tại Đắk Lắk khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn "đứng hình" vì không biết nên làm sao cho phải. Nếu mua với giá cao thì không có lãi nhưng không nhập hàng, DN vẫn gánh chịu chi phí vận hành, tiền lương cho công nhân. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đây là một áp lực không đơn giản".
Đáng lo hơn, trong vòng 10 ngày tới, nếu giá sầu riêng giảm, các DN có thể thu mua thì lại quá tải năng lực sản xuất. Lượng hàng thu gom về nhiều, nhân công và kho bãi có hạn, chắc chắn DN không kịp đáp ứng tốt các đơn hàng. Thị trường như vậy có nguy cơ "vỡ trận" thực sự, nông dân có chấp nhận bán tháo sầu riêng cũng không kịp giải phóng các vườn trồng.
Giá sầu riêng tăng quá mức doanh nghiệp bỏ cuộc nguy cơ vỡ trận xuất khẩu
Theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu cho hay, giá sầu riêng chốt mua tại vườn ở mức trên 80.000 đồng/kg thì "doanh nghiệp thật sự không dám mua”.
Theo bà Vy, giá doanh nghiệp chốt trước đây với người dân từ 60.000-65.000 đồng/kg. Ở mức giá này, người dân trồng sầu riêng đã có lãi cao.
Nhưng hiện nay có hiện tượng “thổi giá” sầu riêng, nông dân thấy giá cao liền huỷ cọc, không tuân thủ nguyên tắc liên kết trước đó khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc mua sầu riêng trả đơn hàng xuất khẩu.
Một số doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến sầu riêng xuất khẩu bức xúc, mức giá sầu riêng vượt xa dự tính của họ nên gần như không thể mua được. Bởi với các đơn hàng xuất khẩu, giới thương lái xuất sang Trung Quốc đều không mua khi giá trên 70.000 đồng/kg sầu riêng Thái loại A. Vì nếu cộng thêm chi phí DN bỏ ra cho thu hoạch, vận chuyển, làm hàng… bình quân vượt hơn 25.000 đồng/kg, tính ra giá sầu riêng vượt cao hơn các năm trước rất nhiều.
Nếu nông dân và doanh nghiệp không đạt được thoả thuận về giá sầu riêng, cả hai phía sẽ cùng chịu thiệt hại. |
Ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk - cho biết, những tuần qua, nhiều doanh nghiệp của Đắk Lắk đã thương thảo đơn hàng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc với các đối tác.
Phía đầu mối tại Trung Quốc chỉ chấp nhận ký kết hợp đồng mua sầu riêng với giá không vượt quá 90.000-100.000 đồng/kg tuỳ loại. Đối chiếu mức giá ký kết này với giá bán sầu riêng tại vườn của nông dân, rõ ràng việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu là khó khả thi, ông Côn nhấn mạnh.
Theo ông, mâu thuẫn giá bán nông sản không phải là câu chuyện mới và nguy cơ tái diễn với trái sầu riêng. Tình trạng này cần được cảnh tỉnh nghiêm túc từ các cấp quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân.
Nếu nông dân và doanh nghiệp không đạt được thoả thuận về giá, cả hai phía sẽ cùng chịu thiệt hại. Bởi, nông dân không bán được sầu riêng dẫn đến hàng chín rộ dễ “sập giá”; còn doanh nghiệp không mua được sầu trả đơn xuất khẩu sẽ phải đền bù hợp đồng cho đối tác, ảnh hưởng đến uy tín. Bởi vậy, cần có sự gắn kết giữa vùng trồng và doanh nghiệp xuất khẩu. Cả người nông dân và doanh nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc liên kết tạo ra nguồn hàng ổn định phục vụ xuất khẩu, sao cho hài hoà lợi ích các bên./.