Xuất khẩu sầu riêng tăng vọt, nhà vườn phấn khởi nhưng doanh nghiệp thu mua lại lo lắng. |
Xuất khẩu sầu riêng tăng gấp 18 lần cùng kỳ
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trong tháng 7, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 200 triệu USD, nâng kim ngạch mặt hàng này đến hết tháng 7 đạt xấp xỉ 1 tỷ USD, tăng khoảng 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kỷ lục này là tin vui với ngành rau quả.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Vinafruit cho biết, mới năm ngoái, sầu riêng vẫn nằm ngoài 5 nhóm mặt hàng rau quả xuất khẩu chủ lực. Thế nhưng chỉ sau đúng một năm khi có nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mặt hàng này đã vươn lên một cách ngoạn mục, trở thành sản phẩm rau quả chủ lực quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam.
Với diễn biến hiện nay, ông Nguyên dự báo, xuất khẩu sầu riêng trong năm có thể cán mốc 1,3-1,5 tỷ USD, trở thành yếu tố chính giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam có cơ hội đạt 5 tỷ USD trong năm nay, về đích sớm 2 năm so với mục tiêu ban đầu.
Xuất khẩu sầu riêng bùng nổ là tín hiệu tích cực trong bối cảnh các ngành hàng xuất khẩu suy giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục gửi cảnh báo một số lô hàng của Việt Nam vi phạm về vấn đề kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng, thậm chí xuất hiện tình trạng sầu riêng bị sượng, không đảm bảo chất lượng...
Xuất khẩu sầu riêng khởi sắc nhưng lộ ra những hạn chế khi chạy theo sản lượng. |
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho rằng, sầu riêng Việt Nam vừa “chân ướt, chân ráo” vào thị trường Trung Quốc và muộn hơn nhiều so với Thái Lan, Malaysia nên không thể chạy đua về số lượng để phát triển sản phẩm này. Đặc biệt, theo ông Tùng, trước sự bứt tốc của sầu riêng Việt, mới đây, Thái Lan thông báo tự nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc. Theo đó, quả sầu riêng phải có chất khô tối thiểu đạt 35%, cao hơn so với trước đây là 32%, có ít nước hơn, múi chắc và ngon hơn.
“Việc tự nâng tiêu chuẩn sản phẩm cho thấy ý thức của người Thái trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thế nào. Dù xuất khẩu sầu riêng Việt tăng mạnh, nhưng trị giá xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam hiện mới chỉ bằng 1/3 trị giá sầu riêng Thái Lan thu được tại thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, sầu riêng Việt Nam vẫn lép vế hơn so với sầu riêng Thái, Malaysia về thương hiệu nên giá bán thường thấp hơn 20%”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, nếu muốn thắng và không bị tụt lùi trên thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam phải có thương hiệu. Các DN phải xây dựng uy tín từng lô hàng từ chất lượng sản phẩm, quy trình trồng, đóng gói, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đến chiến lược bán hàng, truyền thông mới có thể cạnh tranh lâu dài tại thị trường Trung Quốc.
Giá sầu riêng tăng ngoài dự tính, doanh nghiệp "đứng hình"
Đến ngày 3.8, giá sầu riêng vẫn không có tín hiệu giảm xuống, một số thương lái đưa thông tin chốt giá sầu riêng ở mức 110.000 đồng/kg đối với loại 1 và khoảng 80.000 đồng/kg loại 2. Còn những vườn bán xô, bán mão cũng vào khoảng 85.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các chủ vườn cũng đang nỗ lực dò giá, không chịu bán với giá thấp. Phần lớn nhà vườn đều chưa thống nhất giảm giá bán. Tại Đắk Lắk, chỉ có một vài khu vực sầu riêng rụng, sầu riêng dạt được rao bán 40.000 đồng/kg.
Theo nhận xét của một số doanh nghiệp thu mua, chế biến sầu riêng xuất khẩu, mức giá này vượt xa dự tính nên gần như không thể mua được. Các đơn hàng xuất khẩu, giới thương lái xuất sang Trung Quốc đều không mua khi giá tăng trên 70.000 đồng/kg sầu Thái loại A. Bởi lẽ, nếu cộng thêm chi phí doanh nghiệp bỏ ra cho thu hoạch, vận chuyển, làm hàng… bình quân vượt hơn 25.000 đồng/kg, tính ra giá sầu riêng vượt cao hơn các năm trước rất nhiều.
Đại diện một doanh nghiệp thu mua sầu riêng lớn tại Đắk Lắk khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn 'đứng hình' vì không thể biết nên làm sao. Nếu mua với giá cao, doanh nghiệp chấp nhận đơn giá sẽ không có lãi. Nhưng nếu không nhập hàng, doanh nghiệp vẫn gánh chịu chi phí vận hành, tiền lương cho công nhân… không hề ít. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đây là áp lực không đơn giản".
Sầu riêng Việt cần chú trọng chất lượng và kiểm soát nguồn cung để phát triển bền vững. |
Đáng lo hơn, trong vòng 10 ngày tới, nếu giá sầu riêng giảm, các doanh nghiệp có thể thu mua thì lại quá tải năng lực sản xuất. Lượng hàng thu gom về nhiều, nhân công và kho bãi có hạn, chắc chắn đơn vị không kịp đáp ứng tốt các đơn hàng. Thị trường như vậy có nguy cơ "vỡ trận" thực sự, nông dân có chấp nhận bán tháo sầu riêng cũng không kịp giải phóng các vườn trồng.
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk quan ngại: "Thời gian đang trôi qua rất nhanh, mùa vụ sầu riêng chín rộ đã tới. Nếu giữa các doanh nghiệp và nông dân không khẩn trương hợp tác điều đình lại giá mua bán, tình hình sẽ xấu đi. Đến lúc 'vỡ trận', không chỉ có nông dân thua lỗ nặng nề, mà doanh nghiệp cũng vỡ các kế hoạch sản xuất, mất đơn hàng xuất khẩu, thiệt hại sẽ rất lớn, và đặc biệt uy tín thị trường sầu riêng Đắk Lắk sẽ bị tổn hại nghiêm trọng".
Hiện tại, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nào cũng đang rất sốt ruột vì bạn hàng từ chối tiếp nhận hàng trễ và không chịu giá cao. Nếu nông dân, các chủ vườn không thấy rõ vấn đề, tình hình sẽ rất nan giải.
Những bất cập của trái sầu riêng Việt
Bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết, doanh nghiệp của bà là một trong những đơn vị đầu tiên được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Nhìn thành quả xuất khẩu thì khá hài lòng nhưng bà cũng nhận thấy hoạt động xuất khẩu đã bộc lộ bất cập.
“Không ít DN đổ xô sang trồng sầu riêng với sự đầu tư hời hợt. Thậm chí, có DN không đủ điều kiện nên đặt vấn đề thuê, mượn mã số vùng trồng hoặc gửi sầu riêng trên các chuyến xe của công ty để xuất sang Trung Quốc. Một số hộ dân thấy giá sầu riêng có thời điểm tăng cao nên bất chấp bán non”, bà Vy nói.
Theo bà Vy, các DN rất cần một cơ quan quản lý trách nhiệm như cách mà Thái Lan đang làm. Ở nước này, mỗi trái sầu riêng là hình ảnh của quốc gia, được Hoàng gia Thái Lan bảo hộ. Hay như ở Malaysia, các DN luôn tư duy theo hướng phải tạo nên sự khác biệt, riêng có để thế giới phải tìm đến sản phẩm của họ.
“Các DN không đổ xô đi trồng sầu riêng và cạnh tranh khốc liệt như ở Việt Nam. Sầu riêng Musang King đang ở vị trí nhất bảng về chất lượng nhưng nước này luôn liên tục đầu tư nghiên cứu và phát triển nguồn giống mới, tạo ra giá trị bền vững cho thương hiệu quốc gia”, bà nói.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN&PTNT cho rằng, tiềm năng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam hiện còn rất lớn. Ngành sầu riêng được quy hoạch trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD quan trọng. Tuy nhiên, sầu riêng Việt Nam hiện được ví như “chàng trai tí hon” mới vào sân chơi đã đấu với một người khổng lồ. Do đó, để phát triển bền vững, Bộ NN&PTNT sẽ siết quản lý chất lượng, mã số vùng trồng và mã số cơ sở. Thời gian tới, nếu bộ và cơ quan chuyên ngành nông nghiệp phát hiện trường hợp cá nhân, tổ chức nào vi phạm, hoặc có tần suất vi phạm nhiều lần sẽ bị thu hồi mã số. Bộ sẽ tập trung đầu tư vào quy hoạch xây dựng các vùng trồng chất lượng cao./.