Sầu riêng là một trong những nông sản bị Hải quan Trung Quốc thông báo vi phạm kiểm dịch thực vật. |
Khẩn trương chấn chỉnh việc kiểm dịch thực vật nông sản xuất khẩu
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung vừa ký công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu và tại các cửa khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam.
Việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Để bảo đảm việc tuân thủ quy định và tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc, cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật, để tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc biết và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc kiểm dịch thực vật với nông sản xuất khẩu. |
Đối với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân, áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Đồng thời sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc và tái phạm nhiều lần trong quá trình kiểm tra kiểm dịch thực vật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố có cửa khẩu xuất khẩu chỉ đạo cho các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với cơ quan kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, thực hiện kiểm tra chặt chẽ hàng hóa theo quy định của Trung Quốc và các nước nhập khẩu.
"Việc không kiểm tra hoặc không đảm bảo tuân thủ quy trình có thể dẫn đến bỏ sót các trường hợp không đáp ứng yêu cầu mà vẫn được xuất khẩu. Điều này có thể dẫn đến việc bị phía Trung Quốc và nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, thậm chí tạm ngừng nhập khẩu một hoặc toàn bộ các mặt hàng nông sản từ Việt Nam" - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Sầu riêng tăng tốc xuất khẩu nhưng cần chú trọng chất lượng
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích sầu riêng tăng rất nhanh trong 5 năm trở lại đây. Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, cả nước phát triển được hơn 110.000ha sầu riêng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2017 (37.000ha). Trung bình mỗi năm diện tích sầu riêng tăng 24,5% trong giai đoạn này.
Trong số đó, có hơn 54.000ha sầu riêng đang cho thu hoạch với năng suất bình quân khoảng 16,5 tấn/ha, sản lượng gần 850.000 tấn. Cây sầu riêng chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên (chiếm hơn 47%), Đồng bằng sông Cửu Long (gần 30%), Đông Nam Bộ (gần 19%)…
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng kỷ lục, đạt khoảng 850 triệu USD, gấp đôi cả năm 2022. Dự kiến trong năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của cả nước đạt từ 1,2 - 1,5 tỉ USD.
Dù xuất khẩu tăng vọt, nhưng sầu riêng Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn. |
Tuy nhiên, ngành sầu riêng của Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn như sầu riêng trồng trên một số loại đất chưa phù hợp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất tập trung, thiếu tính liên kết sản xuất, đầu ra chưa thật sự ổn định.
Nông dân thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác cây sầu riêng khi chuyển đổi từ đất trồng lúa; yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, điều kiện đảm bảo vệ sinh thực phẩm của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao trong khi áp dụng giải pháp kỹ thuật còn hạn chế.
Theo ông Lê Thanh Tùng - phó cục trưởng Cục Trồng trọt - nhận định thách thức lớn nhất của ngành sầu riêng Việt Nam không phải về sản lượng, chất lượng hoặc có cạnh tranh được với các nước không mà là xây dựng được chuỗi ngành hàng thực sự bền vững.
Thời gian qua, trái sầu riêng Việt Nam đã dần khẳng định vị thế tại thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu tăng vọt. Tuy vậy xuất khẩu sầu riêng cũng đã lộ rõ những hạn chế. Nhiều lô sầu riêng của Việt Nam đã bị đối tác trả về vì không đáp ứng yêu cầu và gần đây nhất, đã có những lo sầu riêng vi phạm về công tác kiểm dịch thực vật. Nếu tình trạng này tái diễn, việt kiểm soát xuất khẩu sẽ ngặt nghèo hơn, thậm chí đối tác tạm dừng xuất khẩu để xem xét sẽ khiến việc xuất khẩu sầu riêng sẽ bị "hãm phanh" trong giai đoạn tới./.