Thời gian qua giá sầu riêng ở Tây Nguyên biến động liên tục. |
Giá sầu riêng có xu hướng giảm do Trung Quốc tiêu thụ chậm
Ngày 15/8, thông tin từ ông Phạm Văn Lượng - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (có trụ sở tại Đắk Lắk) cho biết, giá sầu riêng khu vực Tây Nguyên đang có dấu hiệu sụt rồi nhưng bà con nông dân vẫn chưa tin và đang kỳ vọng giá sầu còn tăng lên nữa.
Nguyên nhân giá sầu riêng được dự báo giảm là do xu hướng thị trường tự nhiên, do Tây Nguyên vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng nhiều, sầu riêng chín và cần được thu hoạch ồ ạt.
Nguyên nhân nữa, theo ông Lượng là do thị trường Trung Quốc đang dần tiêu thụ sầu riêng chậm hơn. Không phải thị trường Trung Quốc muốn ép giá sầu riêng của Việt Nam mà do tính chất thị trường. Trung Quốc hiện đang bị thiên tai hoành hành nên giảm mua. Ngoài ra, thời kỳ mùa nóng nên việc tiêu thụ sầu riêng của người dân Trung Quốc cũng giảm, thời tiết nóng nên người dân hạn chế ăn trái sầu riêng hơn.
Các doanh nghiệp thu mua sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk được tạo điều kiện thuận lợi. |
Giá sầu riêng hôm 15/8, tại khu vực Tây Nguyên, sầu riêng Ri6 đẹp lựa có giá 55.000-59.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 xô có giá 45.000-50.000 đồng/kg, giữ nguyên so với giá của hai ngày qua. Sầu Thái đẹp lựa có giá 87.000-90.000 đồng/kg; sầu riêng Thái mua xô có giá 78.000-83.000 đồng/kg. Sầu riêng Musangking đẹp lựa vẫn có giá ổn định từ 130.000-150.000 đồng/kg. Đây là mức giá không có biến động trong vài ngày trở lại đây.
Ông Lượng cho biết, các doanh nghiệp có một số đơn hàng đã ký với Trung Quốc thì vẫn xuất khẩu bình thường, nhưng số doanh nghiệp này không nhiều. Doanh nghiệp nào chưa có đơn hàng với Trung Quốc thì tiếp tục thăm dò giá để ký hợp đồng bán sầu riêng cho Trung Quốc. "Chắc chắn các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng ký mới với Trung Quốc khó có giá cao như trước đó, nên giá sầu riêng sẽ còn giảm nữa"-ông Lượng nói.
Người dân nên quan tâm tới hợp đồng thu mua bền vững
Thực tế, tình trạng mua bán sầu riêng qua thương lái ở Tây Nguyên hiện nay vẫn là phương thức phổ biến, tồn tại từ lâu đời. Thương lái, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu vườn sầu riêng của bà con đa phần là đã có đơn hàng xuất đi Trung Quốc. Họ sẽ thu mua theo đúng cam kết, không bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động giá hiện nay. Với doanh nghiệp ký đơn hàng mới, họ sẽ phải tiếp tục đàm phán với nông dân để có giá thu mua sầu riêng hợp lý, hài hòa lợi ích cả hai bên.
Ông Lượng tiết lộ, để hài hòa lợi ích cho cả nông dân và đơn vị thu mua sầu riêng xuất khẩu thì giá sầu riêng tại vườn ở mức 50.000-60.000 đồng/kg là phù hợp, doanh nghiệp ký được hợp đồng giá cao sẽ thu mua giá cao hơn. Hiện tại, giá sầu riêng tại vườn của nông dân tính bình quân vẫn đang ở mức 70.000-80.000 đồng/kg vì mới đang vào đầu vụ thu hoạch.
Nông dân bán sầu riêng cho doanh nghiệp cần thông qua hợp đồng kinh tế theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi. |
Ông Phạm Văn Trường, một đơn vị thu mua đến từ tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng muộn hơn các tỉnh, thành khác, do đó, đơn vị về tỉnh thu mua sầu riêng phục vụ xuất khẩu. Đơn vị được chính quyền địa phương, lực lượng chức năng hướng dẫn các quy định về phòng cháy, chữa cháy, khai báo tạm trú tạm vắng cho công nhân, cung cấp đường dây nóng, hỗ trợ cơ sở vật chất, qua đó giúp đơn vị yên tâm thu mua tại địa bàn.
Song song với công tác đảm bảo an ninh trật tự, nhiều địa phương đã thành lập các tổ hỗ trợ, phân công cán bộ Ủy ban Nhân dân cấp huyện trực tiếp phụ trách tại các địa bàn có diện tích trồng sầu riêng. Ngành nông nghiệp các huyện Krông Năng, Ea H’leo, Krông Búk… chỉ đạo các xã, thị trấn và đơn vị liên quan theo dõi giá cả, tình hình tiêu thụ sầu riêng của địa phương, báo cáo định kỳ hàng tuần, tham mưu các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu mua, tiêu thụ sầu riêng.
Bên cạnh đó, các huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh thu mua sầu riêng có cơ chế thu mua phù hợp với phân hạng quả sầu riêng, không ép cấp phân hạng, ép giá; liên kết thu mua sản phẩm sầu riêng cho người nông dân thông qua hợp đồng kinh tế theo đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân không được thu mua sầu riêng trộm cắp.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, cho biết tỉnh có trên 22.458 ha trồng sầu riêng. Năm 2022, sản lượng sầu riêng toàn tỉnh đạt gần 188.000 tấn. Năm nay, sản lượng sầu riêng toàn tỉnh đạt khoảng 220.000 tấn.
Sở đã đề nghị các địa phương, đơn vị chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát ban đêm tại các địa bàn trọng điểm, tập trung vào những rẫy sầu riêng xa nhà dân; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động thu mua, tiêu thụ sầu riêng, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, giả mạo mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.
Cây sầu riêng đem lại giá trị kinh tế cao và tác động tới thu nhập cũng như an sinh xã hội tại các địa phương khu vực Tây Nguyên. Giá sầu riêng vận hành theo cơ chế thị trường tuy nhiên không loại trừ khả năng bị làm giá, thổi giá. Do vậy để tiêu thụ sầu riêng bền vững, người dân và doanh nghiệp thu mua cần có sự liên kết chặt chẽ tránh bị động. Chính quyền cũng nỗ lực vào cuộc để đảm bảo thị trường lành mạnh tránh những bất lợi cho người dân./.