Dừa Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan tăng hơn 300% giá trị Bến Tre: Xác lập kỷ lục thế giới 222 món ăn từ dừa Nữ Giám đốc khát khao nâng tầm nông sản Việt từ than gáo dừa |
Nguyễn Hữu Hạnh người tạo ra kỳ tích từ tơ dứa. |
Đắng đót với cây dứa
Vốn là một thuyền trưởng ngày đêm lênh đênh trên biển, anh Nguyễn Hữu Hạnh trở về quê hương Diễn Châu khởi nghiệp từ nông nghiệp. Mảnh đất Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An) là nơi Hạnh chọn lập thân, lập nghiệp. Dứa là cây trồng truyền thống, chủ lực của người dân nơi đây, song những trái dứa ngọt thơm ấy nếu chỉ bán thô thì giá trị kinh tế thấp. Do đó, anh Hạnh trăn trở nghĩ cách để nâng cao giá trị cây dứa.
Thấy xã mình là vùng đất đồi có diện tích rộng lớn, thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng dứa tại địa phương, anh quyết định thành lập HTX Nông sản Hạnh Phúc để khởi nghiệp từ cây dứa. Tuy nhiên, không như các loại dứa thông thường, anh trồng dứa với tiêu chí: không dùng thuốc diệt cỏ, không chất kích thích tăng trưởng, không chín ép, không hóa chất.
Từ ý tưởng đó, thương hiệu DUHAPU (viết tắt của Dứa Hạnh Phúc) ra đời. Dứa được trồng theo hướng hữu cơ, ngon, sạch, an toàn. Từ những trái dứa tươi, anh Hạnh đã cho ra đời thêm các dòng sản phẩm chế biến sâu như: Dứa sấy dẻo, tinh bột dứa, nước dứa cô đặc… để phân phối vào các cửa hàng, siêu thị và các tiệm tạp hoá. Nhờ đó, thương hiệu Dứa Hạnh Phúc được nhiều người biết đến, giá trị kinh tế từ dứa được nâng cao.
Những sản phẩm từ dứa đáp ứng tiêu chí xanh - sạch. |
Để không dùng phân bón hóa học thông thường, anh Hạnh mày mò tự làm phân vi sinh bằng cách ủ phân cá, củ chuối, ốc. Trong phân cá nhiều vitamin, vi sinh có lợi cho cây, củ chuối chứa loại kali dễ tổng hợp. “Phương pháp tập trung chăm sóc đất mẹ cho trái ngọt xen lẫn vị chua tự nhiên, không ngọt sắc, lá dứa dày và xanh, không bị cháy”, anh nói.
Bên cạnh trồng dứa, anh cùng bà con nông dân trong HTX đã trồng nhiều sản phẩm xen canh như đậu, lạc, mè… cũng với tiêu chí “xanh - sạch”. Sau nhiều ngày tháng nỗ lực, mang sản phẩm đi nhiều nơi để giới thiệu, vào tận các cửa hàng, chuỗi cung ứng lành sạch nhất, sản phẩm dứa Hạnh Phúc của anh đã lan tỏa đi khắp cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Đột phá từ sợi tơ dứa
Điều anh Hạnh trăn trở nhất là những cánh đồng dứa bạt ngàn ở Quỳnh Lưu nói riêng và các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình… nói chung sau mỗi mùa thu hoạch lá dứa ngổn ngang trên đồng, người dân phải dùng thuốc cỏ để xử lý lá dứa, chờ khô rồi đốt, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm đất trồng chai cứng, vừa ảnh hưởng sức khoẻ của nông dân. Nhận thấy, lá dứa sau quá trình phân huỷ thì còn lại những sợi dứa bền bỉ, dẻo dai, anh Hạnh nghĩ, sao không tìm cách tách sợi lá dứa để phục vụ ngành dệt?
Sợ tơ dứa xuất khẩu mở hướng phát triển mới cho HTX. |
Ý tưởng đó thôi thúc anh Hạnh mày mò nghiên cứu. Ban đầu, anh Hạnh chọn những lá dứa già, dùng bàn chải đánh bay phần thịt dứa và thu được những sợi lá dứa trắng, thơm, phơi khô thì thấy bền, dẻo dai. Nhưng cách làm thủ công này khiến các sợi dứa bị đứt, ngắn, do đó khi đưa đến các làng nghề dệt để dệt thử thì phải nối sợi rất mất thời gian.
Anh Hạnh nghĩ đến việc dùng máy móc để tách sợi từ lá dứa để cho những sợi dứa dài, đồng đều và năng suất cao. Sau khi có máy tách sợi, mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Lớp thịt trong lá dứa, anh ủ với chế phẩm làm phân hữu cơ bón cho dứa, phần sợi thô thu được anh Hạnh ngâm với nước vo gạo, dấm, phơi khô để cho ra những sợi tơ trắng tinh, bền dẻo.
Tơ sợi của lá dứa có thể làm nguyên liệu để sản xuất ra nhiều mặt hàng: Vải thời trang, túi xách, võng đan, đồ thủ công mỹ nghệ… “Mỗi ngày, một máy tách có thể xử lý được 3 tấn lá dứa, bằng sức lao động của 20 người. Và cứ mỗi 100kg lá dứa, thì làm ra 5kg sợi tơ thô, được bán với giá 800.000 đồng/kg. Mỗi ha dứa, nông dân có thêm 60 – 70 triệu đồng tiền từ lá dứa mà trước đây, bà con phải tốn công, tốn của để xử lý”, anh Hạnh cho biết.
Quá trình tìm kiếm đầu ra cho tơ sợi dứa, anh Hạnh may mắn kết nối được với 2 đối tác thành lập ra Công ty ECOSOI nghiên cứu, phát triển và kinh doanh sợi lá dứa, quảng bá sản phẩm đến với các nước trên thế giới.
Tháng 9/2021, trong cuộc triển lãm Gwand Sustainable Festival (triển lãm các sản phẩm về phát triển bền vững trong các lĩnh vực cuộc sống) diễn ra tại Lucern (Thụy Sĩ), sợi lá dứa thô và túi xách làm từ lá dứa được giới thiệu tại triển lãm. Sản phẩm được khách hàng Thụy Sỹ và nhiều nước quan tâm. Bởi đằng sau đó là thông điệp về thân thiện môi trường, tạo sinh kế từ nguồn tài nguyên bản địa và cho người dân địa phương.
Quan khách đến tìm hiểu về sản phẩm từ tơ dứa. |
Sợi tơ dứa tiếp cận được thị trường châu Âu và đã có những đơn đặt hàng đầu tiên. Đây chính là “bước đệm” để anh Hạnh hiện thực hoá ý tưởng lập đề án thuê đất, xây dựng nhà máy chế biến sợi lá dứa, thu mua nguyên liệu là lá dứa cho người dân trong vùng, các tỉnh phụ cận, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Hiện HTX nông sản và công ty của anh với diện tích 44ha, liên kết, hỗ trợ thêm với bà con hơn 130ha, đã cho tổng doanh thu năm 2020 đạt hơn 1,8 tỉ đồng, lợi nhuận gần 400 triệu đồng/năm. Mô hình khởi nghiệp của anh đã tạo việc làm cho hơn 50 thanh niên, phụ nữ yếu thế và bà con dân tộc thiểu số ở địa phương.
Dứa là cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương, giờ đây nhờ sản xuất ra tơ dứa xuất khẩu đã góp phần nâng cao giá trị cho loại cây trồng này. Các sản phẩm từ sợi tơ dứa được thị trường quốc tế đón nhận là tín hiệu vui cho nông sản Việt Nam./.
Những loại lá cây đem lại doanh thu tỷ đô |
Kiếm tiền tỷ nhờ đi nhặt lá tre |
Xây nhà lầu, sắm ô tô nhờ rau má VietGAP |
Lá cây xuất khẩu cần đạt những tiêu chuẩn nào? |