Năm nay rau má được giá, người dân Quảng Thọ phấn khởi bước vào vụ thu hoạch. |
Rau má - “điểm sáng” trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Quảng Thọ là xã thuần nông, người dân chủ yếu tham gia trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản. Nếu như một số làng như Phước Yên, La Vân Hạ… có lợi thế về trồng trọt, thì làng La Vân Thượng lại thiên về nuôi trồng thuỷ sản.
Đối với trồng trọt, từ trước đến nay, người dân Quảng Thọ chủ yếu gắn bó với cây lúa và một số loại hoa màu khác. Từ hơn 20 năm nay, rau má đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, cũng là “điểm sáng” trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, chuyên canh, quy trình VietGAP của địa phương.
Là xã thuộc vùng trũng thấp bên bờ phá Tam Giang, người Quảng Thọ bao đời chịu cảnh cứ vào mùa mưa lũ nước lại ngập trắng đồng, người dân phải tập trung lo chống lũ, chống bão. Sản xuất nông nghiệp thời gian này hầu như đình trệ. Cũng như nhiều địa phương khác của huyện, cánh đồng hơn 100ha ở xã Quảng Thọ trước đây thường bị bỏ hoang trong mùa mưa lũ.
Sau đợt lũ lụt kinh hoàng năm 1999, cả một vùng rộng lớn bị bao phủ bởi lớp bùn đất nhão nhoét. Hầu như không có loại hoa màu nào sống sót nổi. Thiếu thốn thực phẩm xanh, người dân đi lên núi Phong Mỹ, tình cờ tìm thấy cây rau má và đưa về trồng thử, ai ngờ rau phát triển rất tốt, mùi vị thơm ngon.
Do đây là loại cây khá dễ trồng dù luân canh hay chuyên canh trên đất ruộng nên diện tích rau má Quảng Thọ cứ thế phát triển nhanh chóng. Việc trồng rau giờ đây không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong gia đình mà dần được người dân mở rộng canh tác theo hướng sản xuất hàng hoá.
Thu hoạch rau má VietGAP Quảng Thọ |
Theo người dân nơi đây cho biết, bình quân cây rau má cho thu hoạch khoảng 10 lứa/năm, sau đó phải xuống giống trồng lại vụ mới. So với các loại hoa màu khác, lợi thế của cây rau má là loại cây tái sinh nên cho thu hoạch quanh năm. Do đó, thu nhập cũng thường xuyên và ổn định hơn so với canh tác các loại hoa màu khác. Mùa mưa lũ năm nay, rau má được giá, giá bán sỉ cho thương lái là 10.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với mùa hè nên bà con đỡ vất vả.
Đến nay, toàn xã Quảng Thọ đã có hơn 500 hộ trồng rau má với diện tích khoảng 140ha. Nhiều hộ xây nhà lầu, mua ô tô nhờ trồng rau má. Với người dân Quảng Thọ, việc có thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/năm từ cây rau má không còn là chuyện hiếm hoi nữa.
Liên kết yên tâm đầu ra
Từ một loại rau có giá trị thấp, khi chuyển sang sản xuất theo quy trình an toàn, rau má Quảng Thọ trở thành nguồn nguyên liệu cho một thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc biệt ở Quảng Điền là trà rau má túi lọc và bột rau má matcha. Các sản phẩm này được bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử của Liên minh HTX tỉnh thông qua hệ thống Shopee và Lazada.
Người tiêu dùng có thể mua trực tuyến thông qua hai hệ thống trên, hoặc mua trực tiếp tại Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Quảng Thọ 2 và các điểm cung ứng sản phẩm trà rau má, bột maccha rau má ở các tỉnh, thành trong cả nước.
Để tiêu thụ sản phẩm cho người dân và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, HTXNN Quảng Thọ 2 đã xây dựng nhà máy thu mua và chế biến các sản phẩm rau má với hệ thống máy móc và quy trình công nghệ hiện đại, nhằm sản xuất các sản phẩm rau má có chức năng hỗ trợ sức khỏe cho người tiêu dùng.
HTX còn tiến hành đăng ký thương hiệu, mẫu mã bao bì “Trà rau má Quảng Thọ” với sản phẩm trà rau má túi lọc và trà rau má sấy khô, sản phẩm “Bột matcha rau má” cung ứng ra thị trường trong cả nước. Bình quân 1ha rau má của người dân có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm, góp phần giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu từ rau má. Sản phẩm “Trà rau má Quảng Thọ” được UBND tỉnh công nhận là 1 trong 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 4 sao. Bộ sản phẩm bột matcha rau má của HTX được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Định hướng sắp đến, HTX tiếp tục nghiên cứu, sản xuất các loại nước uống rau má đóng chai…
Sơ chế rau má trước khi đưa đi tiêu thụ tại HTX Quảng Thọ 2. |
Ông Nguyễn Lương Trí - Giám đốc HTXNN Quảng Thọ 2 cho biết, sở dĩ sản phẩm trà rau má, bột rau má matcha, sấy khô của HTX tiêu thụ khá ổn định trong thời gian qua là nhờ sự duy trì, đa dạng và kết nối khách hàng. Sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng, không chỉ được được khách hàng, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ưa chuộng mà cả thị trường nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các sản phẩm của HTX được công bố nhãn hiệu tập thể và được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp phép sản xuất.
Các hộ dân tham gia mô hình VietGAP đều tuân thủ đúng quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch. Hằng năm, HTX tổ chức thu mua và tiêu thụ từ 180 đến 200 tấn rau má tươi và chế biến từ 20-25 tấn sản phẩm rau má sấy khô, trà rau má túi lọc, bột matcha.
Từ cây dại, rau má Quảng Thọ đã trở thành cây làm giàu cho người dân vùng rốn lũ. Bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng còn giúp thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, liên kết để đáp ứng nhu cầu thị trường./.