Những loại lá cây đem lại doanh thu tỷ đô Lá cây xuất khẩu cần đạt những tiêu chuẩn nào? Lá cây xuất khẩu triệu đô được chăm sóc thế nào? |
![]() |
Lá tía tô được phân loại theo 3 kích cỡ chuẩn Nhật Bản |
Bản tin Thị trường nông lâm thủy sản tháng 11/2022 của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, trong 10 tháng năm 2022, xuất khẩu các loại lá của Việt Nam đạt 7,398 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu lá sắn đạt 1,773 triệu USD; xuất khẩu lá tre đạt 1,679 triệu USD; xuất khẩu lá chuối đạt 956.000 USD; lá khoai lang cũng mang lại giá trị xuất khẩu 560.000 USD.
Nếu dạo qua các sàn thương mại điện tử như Amazon hay eBay sẽ thấy các loại lá được rao bán với giá rất đắt. Đơn cử, sàn Amazon rao bán: “Lá chuối không chỉ đẹp mà còn có mùi hương và hương vị tinh tế...” với giá 17,95 USD/kg (tương đương hơn 410.000 đồng), kể phí vận chuyển tính ra hơn 600.000 đồng/kg.
Lá chuối xuất xứ từ Thái Lan bán trên eBay giá 25,39 USD/kg (tương đương 580.000 đồng/kg) chưa tính phí vận chuyển, lá chuối từ Trung Quốc - bán với giá 20 USD (tương đương hơn 450.000 đồng/kg), chưa tính phí vận chuyển, lá chanh có lúc có giá bán 100gram 28 USD.
Được biết, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu chính của các loại lá từ Việt Nam. Tuy nhiên, để đặt chân được vào thị trường nước ngoài sản phẩm lá chuối, lá dong cần trải qua một loạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và những quy định khắt khe từ đối tác.
Để có thể nhập khẩu lá chuối, lá dong vào thị trường nước ngoài, các nhà xuất khẩu phải có đầy đủ các thông tin liên quan đến sản phẩm như tên khoa học, nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm.
![]() |
Lá tre tươi được thương lái thu mua về rửa sạch, nẹp thành nẹp dài cho đỡ cong, vênh, sau đó bán cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu |
Lá dong, lá chuối dùng để xuất khẩu phải là những chiếc lá có bề ngang rộng 30cm, lá liền mảnh không rách. Lá chuối, lá dong khá giòn nên phải biết cách chọn lá đúng tuổi, hái về phơi nắng vừa đủ độ héo để lá mềm mà không mất đi màu xanh.
Sau khi xử lý sát trùng kỹ, lá dong, lá chuối được đóng gói. Các kiện hàng đều phải được đóng bao bì sao cho dễ dàng làm giấy giám định.
Các kiện hàng được sắp xếp sát nhau thành một khối chắc chắn, có lỗ thông gió trên thành kiện hàng để đảm bảo độ thông gió cho sản phẩm bên trong. Bên cạnh đó, người bán cũng cần cung cấp thông tin về các loại sâu bệnh gắn với lá dong, lá chuối.
Còn đối với tiêu chuẩn xuất khẩu lá tía tô, chuyên gia Nhật Bản đang làm việc tại trang trại trồng tía tô cho biết, lá xuất khẩu được là lá từ thứ 7 trở lên của cây, nhưng phải đảm bảo kích cỡ 6-8cm. Còn những chiếc lá già, quá lứa trước đó đều bị hái bỏ đi. Sau khi thu hoạch, vài ngày sau, lá non phát triển thêm đạt kích cỡ như yêu cầu để xuất khẩu thì mới được hái tiếp. Lá tía tô đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải không rách nát. Người công nhân khi hái cũng không được để móng tay dài nhằm tránh rách lá.
Chỉ trong vòng 2 tiếng sau khi hái, lá tía tô được đưa vào phòng lạnh để phân loại. Công nhân làm việc trong phòng lạnh phải tuân thủ quy trình làm việc nghiêm ngặt từ việc mặc đồng phục, đi dép vô trùng cho đến rửa tay bằng nước sát trùng, giữ vệ sinh...
Lá tía tô được phân loại theo 3 kích cỡ bằng cách chọn lọc thủ công, cột 10 lá thành một và xếp vào thùng. Mỗi thùng có 11.000 lá nặng khoảng 45kg, trước khi đưa vào nhà lạnh để bảo quản sẽ được công nhân ở khâu tiếp theo rà soát từng lá thêm một lần nữa để đảm bảo lá đều, không rách.
Sau 5 tiếng được đặt trong nhà lạnh ở nhiệt độ 10 độ C, lá trở nên cứng, giữ được độ tươi và chuyển đến Nhật qua đường hàng không. Thông thường, các lá tía tô mất khoảng thời gian từ khi rời cây đến các bàn ăn của người Nhật là khoảng hơn 24 giờ đồng hồ.
Những lá tía tô đang được xuất khẩu đi Nhật Bản với giá 500-700 đồng mỗi lá. Loại lá này bắt đầu cho thu hoạch sau một tháng gieo trồng trong nhà kính với nhiệt độ luôn duy trì từ 33 đến 35 độ C. Tuy nhiên, trên một cây tía tô, không phải chiếc lá nào cũng đủ điều kiện xuất khẩu.
![]() |
Các sản phẩm lá chuối, lá tre của Việt Nam đã được xuất khẩu đi nhiều nước, mang về hàng triệu USD mỗi năm |
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 340 triệu USD, tăng 9,8% so với tháng 10/2022 và tăng 30,5% so với tháng 11/2021. Trong 11 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 10/2022, trị giá xuất khẩu các chủng loại hàng rau quả đều tăng trưởng tốt, trừ mặt hàng lá. Trong đó, trị giá xuất khẩu chủng loại quả có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 187,7 triệu USD, tăng 38,4% so với tháng 10/2021; tiếp theo là chủng loại sản phẩm chế biến đạt 97,5 triệu USD, tăng 10,2%; hàng rau củ đạt 22,9 triệu USD, tăng 37,4%...
Trong 10 tháng năm 2022, dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là chủng loại quả đạt 1,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021. Triển vọng xuất khẩu chủng loại quả là rất lớn, bởi thị trường tiêu thụ chính chủng loại này của Việt Nam là Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường có hơn 1,4 tỷ dân với mức thu nhập ngày càng được nâng cao.
Hàng năm, Trung Quốc nhập khẩu hơn 15 tỷ USD mặt hàng rau quả. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, với việc mở cửa cho hàng loạt trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu chủng loại quả vào năm 2023.
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, những loại lá cây xuất khẩu đã đem lại doanh thu hàng triệu đô la góp phần ổn định nền kinh tế đất nước. Nếu tuân thủ các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, những loại lá cây quen thuộc trước đây thường bỏ đi thì giờ đây có cơ hội giúp nhà nông làm giàu.
![]() |
![]() |
![]() |