Lá cây Việt Nam gây sốt trên thị trường xuất khẩu. |
Xuất khẩu lá cây tăng mạnh
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tháng 9/2022 đạt 250 triệu USD, tăng 8,1% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng năm nay, xuất khẩu nhóm hàng này thu về 2,45 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu 8 tháng năm 2022, chủng loại quả dẫn đầu về trị giá xuất khẩu đạt 1,36 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp sau là sản phẩm quả chế biến đạt 660,9 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu mặt hàng rau củ 8 tháng năm nay giảm 6,8%, đạt 173 triệu USD. Còn mặt hàng hoa tươi ghi nhận mức tăng trưởng 7,4% so với cùng kỳ, đem về gần 44,7 triệu USD.
Riêng xuất khẩu các loại lá sắn, lá tre, khoai lang, lá chuối,… thu về hơn 6 triệu USD chỉ trong vòng 8 tháng năm 2022, tăng 4,4 % so với cùng kỳ.
Trong đó, xuất khẩu lá khoai lang thu về 0,52 triệu USD; lá sắn 1,6 triệu USD; các loại lá tre, lá chuối, lá diễn lần lượt đạt 1,1 triệu USD, 0,84 triệu USD và 0,35 triệu USD; các loại lá khác xuất khẩu đạt 1,66 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu lá cây Việt Nam tháng 8/2022. |
Trong tháng 8 năm 2022, xuất khẩu lá sắn và khoai lang ghi nhận mức tăng trưởng đột biến, lần lượt là 101,3% và 115,4%. Các loại lá tre, chuối, lá khác đều tăng trưởng ở mức hai con số, chỉ có lá diễn ghi nhận mức giảm 25% so với cùng kỳ.
Con số đó khiến không ít người bất ngờ, bởi các loại lá này xuất hiện nhiều ở vùng quê nước ta. Người nông dân thường tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, hoặc ủ làm phân hữu cơ, đem đốt bỏ,...
Đón sóng cần sản xuất lá cây quy mô lớn
Tiềm năng xuất khẩu lá cây của Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên để tạo dựng được thương hiệu, giữ vững thị trường thì các yếu tố về sản lượng, chất lượng phải được coi trọng. Nhận thức được vấn đề này, nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc và mạnh tay đầu tư sản xuất một cách bài bản.
Điển hình là tại huyện Lương Tài (Bắc Ninh), Công ty cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm đã xây dựng trang trại trồng lá tía tô trên diện tích 11,3ha, với tổng vốn khoảng 150 tỷ đồng được triển khai từ giữa năm 2016. Trong đó, bên cạnh 8,2ha nhà kính còn có các công trình phụ trợ khác, như nhà xưởng, ao hồ, đường đi, cây xanh…
Trang trại trồng tía tô. |
Theo ông Nguyễn Xuân Bằng, Giám đốc dự án cho biết, để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, phải tuân thủ nghiêm ngặt trong những khâu chọn lọc của quá trình thu hoạch lá tía tô. Trước đó, quy trình khảo sát nguồn nước, làm đất, chọn giống, gieo giống... cũng được tiến hành một cách kỹ lưỡng và mất nhiều thời gian theo yêu cầu của chuyên gia Nhật.
Quy trình trồng tía tô xanh luôn phải được đảm bảo nghiêm ngặt với giống cây nhập khẩu hoàn toàn từ Nhật Bản, đất được xới tơi bằng tay, tưới nước bằng hệ thống phun sương, dùng đèn chiếu sáng để đảm bảo nhiệt độ và có hệ thống quạt thông gió bên trong nhà kính....
Theo tính toán, nếu áp dụng đúng theo quy trình này thì một hécta trồng tía tô sẽ cho thu hoạch khoảng 17-18 triệu lá, doanh thu tầm 2,5 tỷ đồng. Ông Bằng cho biết, hiện mỗi ngày trung bình trang trại cho thu hoạch khoảng 100.000 lá (khoảng 45kg) đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật.
Một công ty tại Bắc Ninh lại trồng cây tía tô và xuất khẩu sang Nhật Bản với giá 700 đồng/lá, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Với người Nhật, tía tô là loại rau gia vị thiết yếu, rất được coi trọng. Loại rau này được người Nhật dùng để giảm bớt mùi tanh của hải sản, là nguyên liệu quan trọng nhất của món dưa mận umeboshi (một món dưa muối rất phổ biến trong ẩm thực người Nhật) hoặc được dùng gói xung quanh sushi.
Ở Nhật, lá tía tô không phải được bán theo bó như ở Việt Nam mà được bán theo lá. Ngoài việc bán lá tươi trong siêu thị và chợ, người ta còn sấy khô, đóng gói lá tía tô để bán trong nước hoặc xuất đi nước ngoài. Các địa chỉ online của Nhật bán rau tía tô với giá từ 107.000-200.000 đồng/gói./.
Xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6,9 tỷ USD |
Xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm giảm 17% |
Xuất khẩu rau quả tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp |