Việt Nam xuất siêu 6,52 tỷ USD trong 9 tháng Xuất khẩu thuỷ sản chạm mốc 8,5 tỷ USD Xuất siêu nông, lâm, thủy sản 7 tháng năm 2022 tăng gần đôi cùng kỳ |
Xuất khẩu ấn tượng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2%; nhập khẩu ước khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước trên 4,2 tỷ USD, tăng 28,7% so với tháng 9/2021, nhưng giảm 8,8% so với tháng 8/2022; trong đó, nhóm nông sản chính trên 1,8 tỷ USD, lâm sản chính trên 1,3 tỷ USD, thủy sản 900 triệu USD và chăn nuôi 26,5 triệu USD…
Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2022 đạt khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. |
Tính chung 9 tháng, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD, tăng 38%; đầu vào sản xuất gần 1,9 tỷ USD, tăng 49,6%; riêng chăn nuôi 265,5 triệu USD, giảm 18,4%.
Đến nay, có toàn ngành nông nghiệp có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Đến nay, toàn ngành nông nghiệp có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ).
Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Cà phê gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn trên 1,0 tỷ USD (tăng 21,0%), cá tra trên 1,9 tỷ USD (tăng 83,3%), tôm gần 3,5 tỷ USD (tăng 24,8%), gỗ và sản phẩm gỗ trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%); mây, tre, cói thảm 654 triệu USD (tăng 3,4%), phân bón các loại 900 triệu USD (tăng 170,4%); thức ăn gia súc và nguyên liệu 861 triệu USD (tăng 9,7%).
Trong số các mặt hàng trên, một số sản phẩm có sự tăng trưởng trong xuất khẩu nhờ giá tăng cao như cà phê tăng gần 22%, hạt tiêu tăng trên 30%...
Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như: rau quả gần 2,5 tỷ USD (giảm 11,1%), hạt điều gần 2,3 tỷ USD (giảm 14%), sản phẩm chăn nuôi 265,5 triệu USD (giảm 18,4%)...
Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng: các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 43,7% thị phần; châu Mỹ chiếm 28,3%; châu Âu chiếm 11,6%; châu Đại Dương chiếm 1,7% và châu Phi chiếm 1,7%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8% thị phần. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo chiều 3/10/2022. |
Phát biểu tại cuộc họp báo định kỳ tháng 9/2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
"Trong những hoàn cảnh khó khăn, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt. Nhờ vậy, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước"- ông Phùng Đức Tiến nói.
Trước những kết quả này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng, ngành nông nghiệp sẽ hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Chính phủ giao như tốc độ tăng trưởng GDP từ 2,8 - 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 75%; số dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 92,5%.
Áp dụng nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Bộ NN&PTNT cho biết, trước những khó khăn về thị trường, Bộ đã phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tiếp và trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Australia, New Zealand, Trung Đông.
Gần nhất đã có 2 Nghị định thư về xuất khẩu chanh dây và sầu riêng đã được ký giữa Việt Nam - Trung Quốc; đã có 25 mã số cơ sở đóng gói và 51 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt và trong tháng 9 đã xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.
51 vùng trồng sầu riêng của Việt Nam đã được Trung Quốc phê duyệt |
Đến nay, đã có 4.597 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu được cấp tại 54 tỉnh, thành phố; 1.419 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu cho các loại quả tươi như: thanh long, xoài, vú sữa, chuối, bưởi, chanh không hạt, nhãn, vải, ớt, thạch đen... được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Cùng với đó, các đơn vị của Bộ đã tiếp nhận và xử lý 777 thông báo về quy định kiểm dịch động thực vật (SPS) của các nước thành viên thuộc tổ chức Thương mại thế giới (WTO); xử lý 58 cảnh báo của EU; hướng dẫn và hỗ trợ 80 doanh nghiệp đăng ký theo Lệnh 248 và Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa thị trường đối với các sản phẩm gồm: nhãn xuất khẩu đi Nhật Bản; chanh leo, dừa xuất khẩu đi Mỹ , bưởi xuất khẩu sang Hàn Quốc, chanh leo sang Australia, cây có múi xuất khẩu đi New Zealand; chuẩn hóa lại các quy định liên quan đến các loại quả tươi truyền thống (chuối, thanh long, xoài, dưa hấu) xuất khẩu sang Trung Quốc.
Các đơn vị chức năng tiếp tục trao đổi, hoàn thiện và thống nhất với Tổng Cục hải quan Trung Quốc các Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với chuối, thanh long, xoài, dưa hấu xuất khẩu; thúc đẩy việc đàm phán xây dựng Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với ớt, khoai lang.
Để triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp.