Những tháng đầu năm 2021, kinh tế thế giới đã có xu hướng phục hổi và phát triển trở lại, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp của nhiều quốc gia tăng sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19.
Báo cáo tại Hội nghị ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,84%; tốc độ tăng GDP ngành nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm tăng 3,82%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,69%; lâm nghiệp tăng 3,98%; thủy sản tăng 4,25%.
Mặc dù chịu tác động từ đại dịch Covid-19, nhưng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn tăng mạnh, đạt kết quả cao vượt kế hoạch đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đạt hơn 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 24 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2021 |
Đóng góp vào thành công đó, có những mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu tăng cao, gồm: cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm… Trong đó, cao su, chè, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu cao su tăng 41,3% khối lượng và tăng 80% giá trị so với cùng kỳ; xuất khẩu chè tăng 0,1% về lượng và tăng 4,5% về giá trị so với cùng kỳ; xuất khẩu hạt điều tăng 22,2% về khối lượng và tăng 11,1% về giá trị so với cùng kỳ; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 16,3% về khối lượng và tăng 30,5% về giá trị so với cùng kỳ. Riêng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm 6,7%, đạt 155 nghìn tấn, nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng 40,5%, đạt 499 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu, có 4 thị trường gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.
Hiện nay, Mỹ vươn lên là thị trường xuất khẩu lớn nhất nông lâm thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với kim ngạch xuất khẩu khoảng 6,7 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 27,9% tổng giá trị xuất khẩu, trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 60,6%).
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 4,75 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu.
“Xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 sang thị trường Mỹ tăng gần 60%, con số này dù rất tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Nguyễn Văn Việt lưu ý.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm của nước ta khoảng 21,09 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,14 tỷ USD, giảm 21,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Từ những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, ngành Nông nghiệp đã đặt mục tiêu cả năm 2021 phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,2%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2-3,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 khoảng 45 tỷ USD.
Gợi ý từ câu chuyện tiêu thụ vải thiều |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, câu chuyện của quả vải thiều Bắc Giang, Hải Dương là gợi ý định hướng tiêu thụ nông sản Việt Nam trong thời gian tới. Không phải tiêu thụ bao nhiêu tấn vải mà mô hình gì để mang lại giá trị trong tiêu thụ nông sản bền vững. Do đó, thời gian tới, Bộ NN&PTNT cùng các bộ sẽ tổng kết để có kịch bản thường trực ứng phó khi thị trường biến động; đồng thời, có tư duy mới kích hoạt cả hệ thống trong kết nối thông tin, dữ liệu giữa cung - cầu.
Từ thông tin đó, Bộ NN&PTNT sẽ tính toán lại lịch thời vụ để tránh trùng thời vụ của nước nhập khẩu. Nếu giải quyết được điều này thì ngành Nông nghiệp sẽ làm chủ lịch thời vụ, chủ động thông tin nguồn cung, khi đó, chắc chắn nông sản không bị ùn ứ dù trong bối cảnh có hay không có dịch Covid-19.
"Người tiêu dùng biết được rõ ràng xuất xứ nguồn gốc nông sản, trung tâm thương mại hiểu rõ vùng nguyên liệu trong từng thời điểm, không phải đợi tới thu hoạch mới tính tới phân phối thế nào mà cần được dự báo trước để mang lại hiệu quả cho nông dân", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.