Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến sản xuất nông, lâm, thủy sản Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19 |
Mặt hàng lúa gạo
Theo số liệu của ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện nay Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang… đã thu hoạch dứt điểm lúa Hè Thu. Cần Thơ, Hậu Giang cũng đang thu hoạch sớm một phần diện tích lúa Thu Đông.
Việc các tỉnh ĐBSCL nới lỏng giãn cách xã hội cũng hỗ trợ giá gạo tăng so với tháng trước. Tính đến ngày 27/9/2021, giá gạo IR NL 504 dao động ở mức 8.000 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg so với cuối tháng 8/2021; gạo TP IR 504 ở mức 9.000 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; Cám vàng đạt 6.600 đồng/kg và tấm 1 IR 504 dao động 7.300 - 7.400 đồng/kg, tăng lần lượt là 700 đồng/kg và 500 đồng/kg.
Ngược lại, giá lúa tại An Giang giảm 100 – 200 đồng/kg so với cuối tháng trước. Lúa IR 50404 giảm xuống còn 4.700 đồng/kg; OM 5451 và lúa OM 6976 giảm xuống còn 5.000 - 5.200 đồng/kg; Lúa OM 18 cũng giảm xuống 5.500 - 5.600 đồng/kg.
Trên thị trường quốc tế, giá gạo trắng 5% tấm chào bán của Việt Nam tăng mạnh 35 USD/tấn so với một tháng trước, lên mức 415 – 420 USD/tấn, dù không có nhiều khách hàng quay trở lại đặt hàng do chi phí vận chuyển cao và giao hàng chậm. Việc nới lỏng các biện pháp giãn cách có thể khiến hoạt động giao dịch sẽ phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên giá gạo Thái Lan và Ấn Độ duy trì ở mức thấp sẽ kìm chế đà tăng của giá gạo Việt Nam.
Mặt hàng cà phê
Trong tháng 9/2021, giá cà phê tại nhiều vùng nguyên liệu trọng điểm Tây Nguyên tiếp tục ổn định ở mức 40.700 đồng/kg. Mức giá này cao hơn 18% so với đầu năm nay và tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, việc giãn cách xã hội khiến hoạt động chế biến và xuất khẩu cà phê của Việt Nam bị gián đoạn. Cùng với đó, sương giá và thời tiết khắc nghiệt tại Brazil càng khiến thị trường lo ngại việc nguồn cung cà phê cho thế giới thời gian tới sẽ giảm mạnh. Điều này đã đẩy giá cà phê lên mức cao nhất trong 4 năm.
Mặt hàng hạt tiêu
Giá hạt tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng thêm 3.000 đồng/kg trong tháng 9 lên mức 81.500 đồng/kg, cao nhất trong gần 4 năm. Đà tăng giá này được dự báo sẽ còn tiếp tục trong những tháng cuối năm do sản lượng hạt tiêu của Việt Nam cũng như một số nước sản xuất hạt tiêu lớn như Brazil, Indonesia bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên sản lượng năm 2021 giảm mạnh.
Mặt hàng thủy sản
Việc thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố phía Nam khiến các nhà máy chế biến ở ĐBSCL đều giảm công suất chế biến, giảm thu mua, từ đó khiến giá cá tra tại ĐBSCL giảm xuống còn 21.000-22.000 đồng/kg, thấp hơn chi phí giá thành.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, từ giữa tháng 7 đến nay, do áp dụng kiểm soát dịch bệnh ở các tỉnh ĐBSCL nên đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành thủy sản nói chung, trong đó ngành cá tra thiệt hại rất lớn. Cụ thể, số lượng nhà máy cá tra hoạt động “3 tại chỗ” công suất chỉ đạt 20-30%.
Tại thành phố Cần Thơ, hầu hết các nhà máy đều tạm ngừng hoạt động. Dự kiến bước vào tháng 10, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nhân lực do cách ly, nhiễm bệnh, thiếu hụt tài chính để vận hành... cũng là trở ngại lớn để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất trở lại.
Mặt hàng cao su
Trong tháng 9, giá thu mua mủ cao su của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai giảm 1.200 đồng/kg so với tháng trước, dao động ở mức 8.900 – 12.700 đồng/kg. Sau thời gian ngưng cạo mủ để phòng chống dịch, các hộ cao su tiểu điền ở Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh đã trở lại khai thác, khi các hạn chế đi lại đã dần được dỡ bỏ. Bên cạnh đó các công ty, nông trường quốc doanh cũng đã bắt đầu khai thác mủ trở lại khi đa số công nhân khai thác đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.