Nữ giám đốc Nguyễn Thị Cẩm Hằng với sản phẩm than gáo dừa |
Dấn thân và trả giá
Từ bỏ vị trí Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng thương mại ở Quận I, TP.HCM sau 16 năm gắn bó, chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng trở về quê nhà ở xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú gom nhặt, thu mua từng gáo dừa để đốt, nén thành than mang bán trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp của chị Nguyễn Thị Cẩm Hằng cũng đầy những gian nan. Đến với lĩnh vực sản xuất than gáo dừa từ năm 2015 với nguồn vốn từ một đối tác nước ngoài góp vào để lập nhà máy sản xuất đầu tiên tại Bình Dương. Nhưng đến cuối năm 2019, Cẩm Hằng ra đi tay trắng khi một số thỏa thuận bằng miệng không được thực hiện như cam kết ban đầu.
Không nản lòng bởi những khó khăn giúp chị đúc kết ra nhiều bài học. khi quyết định mở nhà xưởng thứ hai. Hơn 2 năm làm việc cùng đối tác, cô xem như thời gian học nghề. Dù mối quan hệ hợp tác đổ gãy, nhưng cô đã có cơ hội học hỏi để tiếp tục thực hiện ước mơ mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng, đặc biệt là người dân ở quê hương mình.
Sản phẩm than gáo dừa xuất khẩu. |
Khi hợp tác đổ vỡ, Cẩm Hằng phải bán nhà, cộng với phần hỗ trợ từ họ hàng, bạn bè, cô xây dựng nhà máy trong khuôn viên 11.000m2 ngay tại quê hương Bình Phước. Hiện xưởng chỉ có một dây chuyền, công suất khoảng 10 - 12 tấn/ngày. Chạy hết công suất, vẫn cần đến 5 ngày mới đủ 1 container hàng để xuất khẩu, trong khi đó, nhu cầu của thị trường rất lớn.
Mong muốn tạo việc làm trên quê hương
Hai tháng sau khi chính thức đi vào hoạt động, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cao Nguyên Bình Phước đã xuất khẩu container than gáo dừa đầu tiên vào tháng 4/2020. Đến nay, sản phẩm than gáo dừa mang thương hiệu Tcha Tchello và Highland của Công ty không chỉ xuất sang thị trường các nước Trung Đông mà còn mở rộng đến Australia, Bỉ, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Công suất sản xuất của nhà máy hiện tại đã tăng đến 200 tấn thành phẩm mỗi tháng, tương đương 800 tấn gáo dừa, một phụ phẩm bỏ đi trong sản xuất nông nghiệp. Nữ giám đốc Nguyễn Thị Cẩm Hằng cảm nhận một cách rõ ràng rằng, ngành nghề kinh doanh của chị không cao sang, Công ty của chị không phải nghìn tỷ, công việc hàng ngày chỉ thầm lặng, giản đơn là gom góp những miếng gáo dừa để nghiền đốt thành than rồi bán ra nước ngoài.
Tại thị trường nội địa, than gáo dừa mang thương hiệu Tcha Tchello và Highland Cool của Công ty cũng được tiêu thụ tại chuỗi nhà hàng nướng Barbecue Garden, khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ (Bình Phước)... Cẩm Hằng cho biết, nhu cầu tiêu thụ than tại thị trường nội địa khá lớn, nhưng than gáo dừa lại chưa được ưa chuộng, dù loại than này có nhiệt lượng cao hơn than củi, cháy hoàn toàn và an toàn.
Nguyên liệu sản xuất than gáo dừa được Công ty Cao Nguyên Bình Phước mua từ than do người dân miền Tây đốt ra từ gáo dừa, sau đó xay mịn và trộn với nước để tạo khuôn, tùy từng loại.
Hoạt động sản xuất than gáo dừa. |
Khi được hỏi tại sao không đặt nhà máy gần vùng nguyên liệu, Cẩm Hằng chia sẻ rằng, nếu nhà máy gần vùng nguyên liệu, thì tiết kiệm được chi phí và thời gian vận chuyển, nhưng không được lợi về công nhân, bao bì và công việc tìm kiếm khách hàng, vì tôi xác định sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Một lý do quan trọng nữa là, Nhà máy đặt tại Bình Phước có thể tạo ra nhiều việc làm cho người dân quê hương.
Hiện nay, ngoài những khách hàng ở Trung Đông, các đối tác của Công ty Cao Nguyên Bình Phước tại Đức, Australia, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng số lượng từng đơn hàng. Những thành công ban đầu đã giúp nữ giám đốc Nguyễn Thị Cẩm Hằng tự tin với sự lựa chọn khởi nghiệp với than gáo dừa. Vừa tôn vinh những giá trị nông sản Việt vừa đem lại việc làm cho người dân tại địa phương./.
Chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại nhiều tỉnh thành |
Doanh nhân nông nghiệp Lương Văn Phương: Người nâng tầm thương hiệu Bưởi đỏ Đông Cao |
Nếp hương Bảo Lạc tỏa hương OCOP Cao Bằng |