Vùng đất Tây Nam Bộ được xem như là một thủ phủ nông nghiệp của Việt Nam ta, nơi cung cấp các loại nông sản vào hàng nhất nhì trên cả nước. Đến với nơi đây, bạn không chỉ được trải nghiệm những chuyến du lịch cảnh sông nước hữu tình, miền quê thanh bình trong lành mà còn được thưởng thức những loại cây trái sai trĩu quả, ngon ngọt tình cảm của những người nông dân gửi gắm.
Bên cạnh những loại trái cây quen thuộc dễ tìm, vùng đất phù sa phía Nam Tổ quốc này có có những loại trái cây mà nghe tên nhiều người sẽ ồ à vì chưa từng được biết trước đó. Những loại quả này đã là tuổi thơ của biết bao người con vùng sông nước.
Trái bình bát
Trái Bình Bát |
Trái bình bát không chỉ là một loại quả ăn ngon mà còn có tác dụng chữa bệnh. Khi trái chín chuyển màu vàng và có mùi thơm rất dễ chịu. Cũng giống mãng cầu, phần cùi của quả bình bát ăn được, có vị chua. Bình bát chín dầm đường là món giải khát ngon.
Trái mây thái
Trái Mây Thái |
Quả mây Thái có lớp vỏ xù xì có gai nhỏ, khá cứng, trái hình bầu dục, nhọn 2 đầu. Bên trong một đến hai múi mây màu trắng ngà hoặc vàng nhạt, ăn vào có vị ngọt ngọt, thơm thơm, hăng hăng xen một chút chua nhẹ. Ăn lần đầu có thể say nhẹ, nhưng ăn hoài sẽ thấy nghiện.
Trái Ô môi
Trái Ô Môi |
Ô môi có lớp vỏ cứng cáp màu đen và thô cùng với kích thước dài ngoằn từ 50-60cm. Khi ăn dùng dao rạch phần mép để tách ra. Từng múi cơm ô môi xếp thành từng lớp đều nhau và ướm bên ngoài là lớp mật đen sánh sệt. Ô môi có vị ngòn ngọt, chút hăng cay và nồng nồng rất lạ, ăn với muối ớt càng ngon. Ngoài ra còn có thể dùng để nấu chè.
Trái cà na
Trái Cà Na |
Khi về An Giang mùa nước nổi thì đừng quên thưởng thức trái cà na bạn nhé. Trái cà na có hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay người lớn, trái non có màu xanh, đến lúc chín ngả sang màu vàng nhạt. Cà na có vị chua thanh hấp dẫn, có thể ăn tươi nguyên trái chấm với muối ớt hay nước mắm đường.
Trái quách
Trái Quách |
Quả quách hình tròn, to cỡ quả bóng đá nhựa loại nhỏ, da nhám, màu xám trắng. Tuy bề ngoài hơi xấu xí nhưng bên trong ngon khỏi bàn, có hương vị đặc trưng càng ăn càng nghiện. Người miền Tây thường chế biến món trái quách dầm đường đá, giải nhiệt trong những ngày nắng nóng.
Trái bần
Trái Bần |
Cây bần thường mọc hoặc được trồng ở rừng ngập mặn, nơi có nhiều bùn và bãi bồi. Người miền Tây dùng bần chế biến thành rất nhiều những món ăn dân dã. Trái bần chua có thể ăn sống và chấm kèm với các loại mắm được chế biến từ thủy sản.Trái bần chín dùng để nấu canh chua, kho cá.
Trái thốt nốt
Trái Thốt Nốt |
Cây thốt nốt có thân to thẳng đứng, bẹ có gai ngắn hai bên, mọc ra từ thân, lá xòe tròn như lá cọ. Thốt nốt cho những chùm quả lớn hình hơi tròn màu nâu hoặc màu hạt dẻ.
Quả thốt nốt khi bổ ra là những múi nhỏ, trắng phau, nhiều nhựa, có mùi thơm rất lạ và cũng là một món ăn chơi, giải khát rất bổ được nhiều người ưa thích. Lá thốt nốt được dùng để lợp nhà, làm chất đốt, cây già làm cột nhà, làm bàn ghế… Riêng trái thốt nốt để lại dư vị khó quên trong lòng du khách với những món ăn dân dã như cơm (cùi) thốt nốt, nước thốt nốt tươi (hoặc lên men), đường tán, chè thốt nốt, bánh gói thốt nốt, bánh bò thốt nốt…
Trái trâm
Trái Trâm |
Trái trâm khi còn xanh có vị chua và chát. Khi chín có vị ngọt, hơi chua chua và chát, màu tím ngắt, to bằng đầu ngón tay út có hình bầu dục.
Mùa quả trâm kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, trên thế giới, quả trâm xuất hiện ở Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Sri Lanka và Indonesia.
Ở nước ta, quả trâm là một loại cây rừng có từ rất lâu ở vùng Bảy Núi (An Giang), trong đó tập trung nhiều ở 2 xã Núi Tô và Cô Tô của huyện Tri Tôn.
Hè về bên những rặng trâm chín mọng là kỷ niệm gắn liền với thời cắp sách đến trường. Những quả trâm chín mọng bóng bẩy chua chua ngọt ngọt mang theo chút chat chat đã trở thành hương vị khó quên.
Trái dừa nước
Trái Dừa nước |
Trái dừa nước mọc rất nhiều ở vùng đất cửa sông ven biển, các rạch miền sông nước Cửu Long hay khu vực có hệ sinh thái bán ngập mặn. Dừa nước được coi là một loại trái đặc sản miền tây có rất nhiều tác dụng được người dân ưa thích. Dừa nước mọc thành một chùm, bao gồm nhiều quả nhỏ gộp lại giống như bông hoa hoặc quả cầu có nhiều gai, có màu nâu sẫm, vỏ khá cứng, thường phải dùng dao để chẻ.
Thịt bên trong khi quả chín có màu trắng hơi đục, mềm dẻo, lượng nước có vẻ ít hơn thịt cùi dừa thông thường, có vị ngọt, nhưng không gắt mà rất thanh. Ngoài sử dụng pha nước uống với đường và đá, dừa nước có thể chế biến thành nhiều món ăn như nấu chè, làm mứt... Dừa nước ngọt thanh, có tính hàn, có thể giúp thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu sưng, tiêu độc…
Quả dừa nước cho quả quanh năm, nhưng nhiều vào tháng 8 đến tháng 10 và hiện được bày bán rất nhiều, kể cả trên thành phố Hồ Chí Minh nên các bạn có thể dễ dàng mua và ăn thử nhé.
Vốn nổi tiếng là vựa trái cây thơm ngon của cả nước, tuy nhiên, bên cạnh những loại trái cây phổ biến được biết đến nhiều như: Dừa xiêm, vú sữa, sầu riêng, chôm chôm....thì nơi chốn sông nước miền Tây vẫn giữ lại cho mình những nét rất riêng, rất bình dị với nhiều loại trái cây dân dã, điển hình như những loại trái kể trên, rất đậm tình, khiến người ở luôn gìn giữ và người đi vẫn nhớ hoài. Nếu có cơ hội đến với miền Tây bạn hãy thưởng thức thử thứ quả dân dã này nhé!