5 món đặc sản miền Tây ngon quên lối về Đặc sản miền Tây giòn xôm xốp, ngọt thanh "đổ bộ" Hà Nội Cá heo miền Tây - đặc sản mùa nước nổi giá tiền triệu mỗi kg |
Miền Tây, tên gọi thân thương của Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ là vựa lúa mà còn là vựa trái cây của cả nước. Nhiều loại trái cây nổi tiếng có giá trị kinh tế cao ra đời từ vùng đất này như bưởi năm roi, sầu riêng Ri6, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn, dừa sáp Trà Vinh... Tuy nhiên, chỉ có những loại trái cây dân dã từ bao đời sau đây mới khiến người miền Tây nhớ nhung nhất, dù có đi xa đến tận nơi đâu.
Trái ô môi
Cây ô môi thân gỗ, có trái dài màu đen và cứng, chia thành từng ô nhỏ. Mỗi ô chứa một hạt, xung quanh hạt có lớp cơm mềm, khi quả khô thì lớp cơm khô theo, thành màu đen.
Bông ô môi gắn với tuổi học trò, nở rộ vào thời điểm cuối tháng 4 và kéo dài trong vòng một tháng. Những bông hoa màu hồng nở thắm một góc trời, bên bờ kênh, gợi nhớ tình yêu tuổi học trò. Bông ô môi kết thành chùm dài, xếp lưa thưa và rũ xuống. Vào mùa bông nở, lá thưa, nên có thể nhận thấy cây từ xa một màu đồng nhất.
Người miền Tây dùng cơm và hạt trái ô môi như một vị thuốc, chữa được các chứng nhức mỏi, giúp ăn ngon miệng... Ngày trước, trái ô môi thường được bán ở cổng trường nên học trò quê ai cũng biết. Cơm ô môi ăn có vị hăng, ngọt nhẹ không lẫn vào đâu được; còn hạt có thể nấu chè.
Trái cà na
Cà na, hay còn gọi là quả trám, giá rẻ nhưng lại là một dược liệu quý, được cánh đàn ông truyền tai nhau về tác dụng giải rượu hay giải ngộ độc, giảm ho...
Mùa nước nổi cũng là lúc trái cà na trĩu quả trên cành. Cây mọc ở bờ mương, bờ kênh, bờ sông, bà con chạy ghe rồi kéo cành cây hái những trái già màu xanh đậm xuống, đem về đập dập sơ qua rồi chấm muối ớt. Vị cay mặn của muối hòa quyện với chua chát của trái cà na, ăn một lần thì ghiền.
Mùa thu hoạch cà na tầm tháng 8, 9 hàng năm. Trái cà na được chế biến thành nhiều món ăn chơi, được người miền Tây ưa chuộng như cà na muối đường, ngâm chua ngọt, sên đường, xóc muối, ngâm rượu...
Trái thốt nốt
Cây thốt nốt thân thẳng, nhìn xa giống cây cọ ở vùng trung du Bắc bộ hoặc giống cây dừa. Cây thốt nốt có hoa quanh năm và người dân lấy nước từ nhụy hoa để làm thành đường thốt nốt. Cách chế biến đường thốt nốt vẫn theo cách thủ công, khi người dân mỗi sáng trèo cây lấy nước từ nhụy hoa và đem về chế biến. Nước thốt nốt uống mát, giải nhiệt vào mùa hè.
Vùng bảy núi An Giang hay Kiên Giang là khu vực trồng nhiều cây thốt nốt nhất. Những hàng thốt nốt ven ruộng, một bên là núi, ở Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) từng đi vào nhiếp ảnh đẹp như một bức họa đồng quê.
Hạt thốt nốt ăn mềm dẻo, có vị bùi, nhìn lướt qua giống hạt đác nhưng to hơn, có màu trắng đục. Khi cắn hạt thốt nốt sẽ thấy phần rỗng bên trong, chứa nước.
Trái bần
Cây bần có lẽ là loài gần gũi nhất với người dân Nam bộ. Rễ phụ của cây bần thường mọc ngược lên khỏi mặt bùn, đặc trưng dễ nhận thấy nhất khi du khách về miền Tây. Hoa bần màu trắng pha hồng còn trái ăn được, với vị chua của phần thịt, chát của hạt
Cây bần thường được đem ra so sánh sang hèn, nhưng vai trò của cây bần trong đời sống người miền Tây vô cùng quan trọng khi chúng mọc ven sông giữ đất, chống sạt lở. Trái bần, bông bần cũng gợi cảm giác cô đơn, lạc lõng vì mùa nước nổi, chúng lẻ loi giữa mênh mông nước
Trái me nước
Cây me nước - một loại cây mọc nhiều ở vùng nông thôn miền Tây, thân cao to, lá kim và mọc tự nhiên không cần ươm mầm hay chăm bón.
Trái me nước khiến mọi đứa trẻ hay người lớn đều thèm thuồng. Khi ăn có vị bùi bùi và hương thơm làm lũ trẻ cứ muốn ăn mãi không thôi. Hương vị mộc mạc mà đã đi vào kí ức một thời vô tư của bao người.
Cây me nước là loại cây không có giá trị về kinh tế, nhưng khi bất gặp hình ảnh trái me nước đung đưa đủ làm bao nhiêu ký ức về tuổi thơ lại ùa về thân thương đến bình dị.
Trái trâm
Với những người con vùng Bảy Núi, quả trâm là cả một tuổi thơ theo chân chúng bạn vào mỗi chiều tà, hái cho đầy nón lá rồi tụ lại chia nhau thành quả. Những trái trâm chín đen bóng, to tròn, mọng nước, ăn có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát rất đặc trưng chính là thức quà vặt tuổi thơ không gì sánh được.
Trái trâm còn có tên gọi khác là trâm mốc, trâm vối hay vối rừng vốn là loại cây mọc dại, lâu dần được bà con tận dụng trồng ở bờ ruộng để lấy bóng mát lúc nghỉ trưa. Khi cây trồng được 4 đến 5 năm sẽ cho trái và chín rộ từ khoảng cuối tháng 3 – 6 âm lịch tùy năm.
Trái trâm mọc tự nhiên ở bờ ruộng hay triền núi. Dù chẳng được ai chăm sóc hay chăm bón nhưng loại cây dại này phát triển rất tốt ở vùng Bảy Núi.
Cứ hết mùa thu hoạch lúa, bà con nơi đây lại chuyển sang một nghề mới, đó là hái trái trâm đem bán. Vị ngọt xen lẫn vị chua và chát đặc trưng khiến loại trái nhỏ có màu tim tím này mang hương vị khác biệt. Nhờ trái trâm, mỗi ngày bà con ở đây lại bỏ túi vài trăm ngàn đồng.