Rau sam là rau gì?
Nếu ai đã từng bất ngờ bởi quả tầm bóp được coi là loại quả hoang dại ở Việt Nam nhưng khi sang Nhật Bản được bán với giá 700.000 đồng/kg, thì chắc chắn khi biết rằng một loại rau dại nữa mà người Việt đang "lãng quên" được người dân ở rất nhiều nước săn lùng, thì nhiều người sẽ còn ngạc nhiên hơn.
Tên gọi của thứ rau dại ấy chính là cây sam, loại rau dân dã đồng quê được mệnh danh là "nông dân" vì rất dễ sống, mọc đầy ở trong vườn, ven đường, bờ ruộng và cả những nơi khô cằn nhất. Đây là một loại cây mọng nước, thân bò sát mặt đất với màu hơi hồng đỏ, trơn nhẵn với các lá mọc đối thành cụm tại các đốt hay đầu ngọn, hoa sam màu vàng hoặc đỏ rất đẹp.
Hoa có 5 cánh, màu vàng và đường kính hoa tới 0.6cm. Hoa nở sớm hay muộn tùy thuộc vào tình trạng mưa nhiều hay ít, nhưng thường ra hoa vào khoảng cuối mùa xuân đến giữa mùa thu. Các hạt nằm trong quả nhỏ có hình đậu và nở ra khi chúng phát triển. Thân, lá và nụ hoa của cây rau sam đều có thể dùng được
Rau sam có vị đặc trưng, thanh và hơi chua. Dù được gọi là rau, nhưng ở Việt Nam, người ta thường chỉ coi cây sam như là cây dại và chỉ dùng như một loại rau ăn lá rất hạn chế, thậm chí ở nhiều nơi còn dùng làm thức ăn cho bò.
Thế nhưng, ở nhiều nước châu Âu, rau sam được dùng trong các món ăn khá phổ biến, người Hà Lan dùng rau sam làm dưa chua, người Pháp cũng rất thích rau sam và chế biến thành nhiều món ăn đặc biệt, hoặc ở Mỹ, có món rau sam trộn dầu giấm...
Người Trung Hoa xưa gọi rau sam là "rau trường thọ". Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Úc, trong rau sam có chứa nhiều axít béo omega-3 hơn các loại rau ăn lá khác. Loại rau này là một trong số rất ít các loại cây có chứa EPA omega-3 chuỗi dài, có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng cường sức miễn dịch của cơ thể.
Đây cũng là loại rau chứa nhiều loại vitamin (chủ yếu là vitamin A, C và một số vitamin B cùng các carotenoit), cũng như các chất khoáng dinh dưỡng như magiê, canxi, kali và sắt.
Chính vì những thành phần bổ dưỡng trên mà rau sam được coi là một loại thảo dược quý chữa nhiều bệnh như chữa mụn nhọt lở loét, đau răng, chữa trị mẩn ngứa ngoài da, viêm nhiễm đường tiết niệu, các chứng lỵ, giun sán đường ruột, đầy bụng, trướng bụng...
Ở Việt Nam, ở những khu đô thị lớn như ở Hà Nội, việc tìm được rau sam cũng không dễ dàng, bởi thế rau sam được bán ở đây cũng không hề rẻ. Một mớ rau sam từ 5-6 lạng được bán ở chợ với giá từ 20.000 đồng.
Cách chế biến rau sam đơn giản, hấp dẫn
Có nhiều cách để chế biến rau sam, dưới đây là một vài cách chế biến đơn giản nhưng vô cùng hấp dẫn:
Rau sam luộc
Rau sam đem về bạn dùng tay ngắt lấy phần ngọn rồi rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước lạnh, để cho ráo.
Sau đó, bắc một nồi nước sôi lên bếp, cho rau sam đã sơ chế vào luộc trong khoảng 5 - 10 phút rồi vớt ra.
Rau sam luộc có thể chấm cùng với nước mắm, vị đắng của rau hòa quyện với vị mặn của nước mắm ăn sẽ hao cơm cực kỳ!
Rau sam xào
Bắc một nồi nước sôi lên bếp rồi cho rau sam đã rửa sạch vào luộc sơ trong khoảng 2 - 3 phút để khử bớt vị đắng. Sau đó vớt ra.
Tiếp đến, bạn phi một ít tỏi băm trên chảo nóng cho thơm, rồi cho rau sam đã luộc sơ vào xào ở lửa nhỏ trong 3 - 5 phút. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi cho ra dĩa.
Rau sam xào tỏi vừa thơm lại vừa đậm đà, hương vị không thua gì so với rau muống xào tỏi.
Rau sam nấu canh
Nấu một nồi nước sôi lên bếp. Sau đó cho hành tây cắt mỏng và rau sam đã qua sơ chế vào nấu trong khoảng 5 - 10 phút, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Rau sam nấu canh có hương vị thanh mát, đậm đà, giải nhiệt vào những ngày hè nóng bức rất tốt!
Tác dụng của rau sam
Chứa nhiều axit béo omega-3
Axit béo omega-3 là chất béo quan trọng mà cơ thể không thể tự sản xuất được. Do đó, bạn cần cung cấp axit béo omega-3 thông qua những thực phẩm trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Trong rau sam có hàm lượng chất béo tổng hợp thấp, phần lớn chất béo của loại rau này ở dạng axit béo omega-3. Rau sam có chứa 2 loại axit béo omega-3 là ALA và EPA. ALA được tìm thấy trong nhiều loại thực vật hơn, còn EPA được tìm thấy hầu hết trong các sản phẩm từ động vật (ví dụ như các loại cá béo) và tảo.
So với các loại rau xanh khác, rau sam chứa hàm lượng ALA cao hơn gấp nhiều lần. Loại rau này chứa hàm lượng ALA cao gấp 5-7 lần so với rau chân vịt. Đặc biệt hơn, rau sam cũng chứa một lượng nhỏ EPA. Chất béo omega-3 này hoạt động tích cực hơn trong cơ thể so với ALA và thường không được tìm thấy trong các loại thực vật mọc trên cạn.
Giàu chất chống oxy hóa
Rau sam chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật có lợi, bao gồm:
- Vitamin C: Còn được gọi là axit ascorbic, vitamin C là một chất chống oxy hóa cần thiết cho việc duy trì làn da, cơ và xương.
- Vitamin E: Rau sam có chứa hàm lượng cao một dạng vitamin E được gọi là alpha-tocopherol. Loại rau này có thể bảo vệ màng tế bào khỏi bị hư hại.
- Vitamin A: Rau sam chứa khá nhiều beta-carotene, một chất chống oxy hóa mà cơ thể chuyển thành vitamin A. Vitamin A đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mắt.
- Glutathione: Chất chống oxy hóa quan trọng này có thể bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại.
- Melatonin: Rau sam cũng chứa melatonin, một loại hormone tốt cho hệ thần kinh, giúp cải thiện trí nhớ và giấc ngủ.
Chứa nhiều khoáng chất quan trọng
Rau sam là một nguồn cung cấp kali tốt, giúp điều chỉnh huyết áp. Việc tiêu thụ kali có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ và cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Rau sam cũng chứa nhiều magie. Đây là một chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng tham gia vào hơn 300 phản ứng enzyme trong cơ thể, có tác dụng chống lại bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường tuýp 2.
Rau sam cũng chứa canxi, một khoáng chất vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của xương. Ngoài ra, một lượng nhỏ phốt pho và sắt cũng được tìm thấy trong rau sam.
Các nhà khoa học đã chứng minh, những cây rau sam già hơn, trưởng thành hơn thường chứa hàm lượng các khoáng chất cao hơn so với những cây non.
Những tác dụng khác của rau sam
- Tốt cho da, cơ và xương
- Bảo vệ màng tế bào và tế bào
- Tốt cho mắt
- Cải thiện giấc ngủ
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
- Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
- Hỗ trợ điều trị bệnh gút
- Chữa tiểu rát, tiểu ra máu
- Hỗ trợ điều trị bệnh xơ vữa động mạch
Một số lưu ý khi sử dụng rau sam
Rau sam tuy có nhiều lợi ích cho sức khoẻ nhưng nếu không sử dụng đúng cách cũng sẽ gây ra một số ảnh hưởng không tốt.
Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng rau sam:
Rau sam có tính hàn nên phụ nữ mang thai nên hoặc cho con bú nên tránh sử dụng vì có nguy cơ dẫn đến sảy thai hoặc gây ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi.
Không đun nấu rau sam quá kỹ khi chế biến sẽ khiến rau bị mất đi các chất dinh dưỡng.
Những người bị tiêu chảy nặng, cấp tính không nên dùng rau sam hoặc nếu có thì nên kết hợp thêm các loại thuốc có vị cay, ấm
Trong rau sam có chứa 2 thành phần nitrate và oxalate nên những người có tiền sử bệnh sỏi thận nên tránh sử dụng vì có thể khiến bệnh nặng hơn.
Bài viết vừa chia sẻ những bạn những thông tin cần thiết và công dụng chữa bệnh của rau sam. Hy vọng qua bài viết bạn đã thêm cho mình những thông tin hữu ích để có thể chăm sóc sức khỏe gia đình một cách tốt nhất.