Rau má còn có tên gọi khác là tích tuyết thảo, liên tiền thảo (pennywort), tên khoa học là Centella asiatica (L.) thuộc họ Hoa tán Umbelliferae. Đây là loài rau dại ăn được thường mọc ở những nơi ẩm ướt như thung lũng, bờ mương thuộc những vùng nhiệt đới như Việt Nam, Lào, Cambuchia, Indonesia, Malasia, Madagascar.
Rau má chứa các chất như beta caroten, sterols, saponins, alkaloids, flavonols, saccharids, calcium, iron, magnesium, manganese, phosphorus, potassium, zinc, các loại vitamins B1, B2, B3, C và K…
Thành phần dinh dưỡng trong 100 gam dịch chiết rau má có: 88.20 g nước, 3.20 g chất đạm protein, 1.80 g chất carbohydrate (mono, disaccharide), 4.5 g cellulose, 3.70 mg vitamin C, 0.15 mg vitamin B1, 2.29 mg Calcium, 2.00 mg Phospho, 3.10 mg Sắt, 1.30 mg β carotene (tiền vitamin A…
Vị thuốc quý từ rau má
Theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, vào Can, Tỳ Vị có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Đông y thường dùng rau má làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy.
Từ những năm 1940, y học hiện đại bắt đầu nghiên cứu những tác dụng của rau má: Rau má có những hoạt chất thuộc nhóm saponins (còn được gọi là tripernoids) bao gồm asiaticoside, madecassoside, madecassic acid và asiatic acid…
Đối với da
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy dịch chiết rau má có khả năng kích hoạt quá trình phân chia tế bào và kích thích sự tổng hợp collagen của mô liên kết, thúc đẩy sự hình thành tế bào da, giúp nhanh liền vết thương và mau lên da non. Nhờ tác dụng lên tuần hoàn da, nên rau má cũng được ứng dụng làm kem bôi mặt để làm bớt những vết nhăn giúp mặt trẻ trung, giảm lão hóa.
Hiên nay, chất chiết trích từ rau má đã được sử dụng rất đa dạng dưới hình thức thuốc tiêm, thuốc bột, thuốc mở để điều trị tất cả các chứng bệnh về da như vết bỏng, vết thương do chấn thương, do giải phẩu, cấy ghép da, những vết lở loét lâu lành, vết loét do ung thư, bệnh phong, vẩy nến…
Hoạt chất asiaticoside trong rau má cũng đã được ứng dụng trong điều trị bệnh phong và bệnh lao, do asiaticoside có thể làm tan lớp màng sáp bọc những vi khuẩn này, giúp hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt chúng.
Đối với hệ tim mạch
Hoạt chất Bracoside A kích thích sự bài tiết nitric oxide (NO) của mô để làm dãn nở vi động mạch cùng mao quản, nên lượng máu di chuyển qua mô được nhiều hơn nên có khả năng chấm dứt được các cơn đau tim, đồng thời các chất độc dễ được đào thải giúp tế bào sống được thoải mái trong một môi trường lành mạnh.
Đối với tuần hoàn huyết, những hoạt chất của rau má có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn ở các tĩnh mạch, mao mạch, bảo vệ lớp áo trong của thành mạch và làm gia tăng tính đàn hồi của mạch máu. Do đó, rau má cũng hữu ích để điều trị và phòng bệnh tĩnh mạch ở các chi dưới như dãn tĩnh mạch, trĩ, phù tĩnh mạch chân.
Chất xơ trong rau má cũng giúp giảm cholesterol máu, nên cũng có tác dụng rất tốt với tim mạch.
Đối với hệ thần kinh
Những hoạt chất trong rau má như Bracoside B có tác dụng lên hoạt động của hệ thần kinh trung ương, tăng cường các chất trung gian chuyển hóa (neurotransmitters) giúp cho tế bào thần kinh, não bộ hoạt động tích cực hơn, làm giảm căng thẳng tâm lý, tăng khả năng tập trung tư tưởng và giúp cải thiện trí nhớ của người già.
Những dẫn xuất của chất Asiaticoside có khả năng bảo vệ các tế bào thần kinh trong bệnh Alzeheimer.
Triterpenoids trong rau má cũng có thể làm giảm sự lo lắng và tăng cường chức năng tâm thần ở một số cá nhân.
Đối với bệnh ung thư
Cũng như các loại rau trái khác, rau má có chứa beta caroten, sterols, saponins, alkaloids, flavonols, terpenoids, các vitamin… là những chất chống oxy hóa thiên nhiên, giúp cơ thể chống lại stress oxy hóa, các rối loạn DNA, ngăn chăn quá trình ung thư hóa.
Nghiên cứu trên chuột cho thấy, dịch chiết rau má có khả năng chữa lành khối u dạ dày chuột, có khả năng kháng khối u.
Các món ăn từ rau má
Ở Việt Nam, các bà nội trợ quen dùng rau má cả lá lẫn dây tươi để chế biến món ăn. Danh sách những món ăn dùng rau má làm nguyên liệu khá dài, có thể kể như: rau má trộn thịt bò, rau má xào ngan, chân gà hấp rau má, gỏi rau má chả cá... Hai món đại diện quen thuộc là Gỏi rau má trộn tôm thịt và Canh rau má nấu hến.
Gỏi rau má trộn tôm thịt bò
Các bà nội trợ đã rất khôn khéo khi tạo món ăn pha trộn vị hơi đắng, bùi bùi của rau má quyện với vị ngọt của thịt bò, vị chua chua cay cay của nước trộn gỏi đã tạo ra một món gỏi rau má hấp dẫn. Đặc biệt món gỏi này có thể dùng làm khai vị trong các buổi tiệc dân giã.
Canh rau má
Canh rau má, thường nấu với tôm hay hến, là một loại canh ngon bổ và giải nhiệt rất tốt cho con người. Cách nấu canh cũng đơn giản như mọi canh rau thông thường khác, chỉ lưu ý rau má còn non lá xanh nõn không đậm đà có thể nấu nhanh, những lá rau xanh sậm hơn cần tăng thời gian lâu hơn một tí.
Các thức uống từ rau má
Rau má có tính giải nhiệt. Vận dụng đặc tính này, người Việt chúng ta quá quen uống với ly nước rau má lạnh mùa hè. Gần đây nhiều cơ sở nông nghiệp hữu cơ còn phát kiến một thức uống rau má mới, rất tiện lợi là trà rau má với hai dạng sản phẩm là trà thô và trà túi lọc được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nước rau má xay
Cách làm rất đơn giản: Rau má rửa sạch, nhặt bỏ hết phần dễ, để khô nước; Xay nhuyễn hoặc giã nát rồi cho thêm nước đun sôi để nguội vào; Khuấy đều rồi đem lọc hết bã là có thành phẩm để sử dụng. Để có hương vị hơn, có thể cho thêm muối, đường, vắt tí chanh….
Trà rau má
Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất nông nghiệp cho ra đời một sản phẩm giải khát “chức năng” rất được ưa chuộng là trà rau má. Cách chế biến trà rau má cũng khá đơn giản: Rau má nguyên liệu được rửa tự động, sau đó đưa vào lò sấy và sản xuất ra trà.
Năm 2014, HTX NN Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế đã đưa ra thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ VietGAP là Trà rau má (Centella Tea) rộng rãi trên thị trường.
Những lưu ý khi dùng rau má
Lưu ý khi sử dụng rau má
Rau má là loại rau phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên người dùng không nên lạm dụng. Chỉ nên uống 1 cốc rau má (tương đương 40g rau má) mỗi ngày và không uống quá 1 tháng. Nếu muốn dùng tiếp hãy ngưng ít nhất nửa tháng.
Những phản ứng dị ứng với rau má có thể gặp bao gồm đỏ da, ngứa hoặc phát ban trên da. Người dùng cũng có thể bị đau bụng, buồn nôn hoặc thải ra phân có màu lạ. Dù các triệu chứng này cũng như việc các hợp chất trong rau má phản ứng với nhau rất ít gặp nhưng bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng rau má.
Những người không nên dùng rau má
Phụ nữ mang thai và cho con bú.
Những người đang mong muốn thụ thai.
Người bị tiểu đường: Người bị tiểu đường nên sử dụng ra má ở một lượng vừa phải. Nếu dùng quá nhiều và thường xuyên sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
Những người đang sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần. Rau má có thể làm giảm tác dụng của thuốc, giảm hiệu quả điều trị bệnh.