Rau khúc là loài rau chẳng ai trồng cũng chẳng ai chăm. |
Cây rau khúc là còn có tên khoa học là Gnaphalium Affine D. Don. Loài cây này thuộc họ Cúc (Asteraceae) và chi Gnaphalium L. Đây là loại cây làm nên một loại bánh huyền thoại gắn liền với câu chào mời nổi tiếng đó là Ai xôi lạc bánh khúc đây.
Ngoài cái tên rau khúc thân thương, loài cây này còn có rất nhiều tên gọi khác như: Thử Khúc Thảo, Thử Nhĩ, Hoàng hoa bạch ngả, Phật nhĩ thảo, Hoài nhi thảo, Thanh minh thảo.
Rau khúc thường mọc dại ở các bãi đất trống, bờ cát hoặc bờ ruộng. Nơi dễ tìm thấy rau khúc nhất thường là ở các ruộng ngô.
Trên thế giới, rau khúc thường phân bố ở các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Nepal, Thái Lan. Còn tại Việt Nam, loài rau này thường sinh trưởng tại các tỉnh như Hà Giang, Ninh Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, các tỉnh trung du miền núi phía Bắc,…
Rau khúc là loại cây thân cỏ, cao khoảng hơn 1 gang tay. Phân thân nó có lông mịn màu trắng và có nhiều cành. Lá rau Khúc mọc so le và có hình bầu dục, màu xanh nhạt, có lông mịn ở cả hai mặt. Hoa cây khúc có màu vàng nhạt và mọc ở ngọn và thân. Quả rau khúc rất bé, hình trứng và có nhiều hạch nhỏ rải rác. Mùa rau ra hoa kết quả thường từ tháng 3 đến tháng 5.
Ở vùng nông thôn miền Bắc rau khúc rất phổ biến. Khi quả già, hạt rau khúc nhỏ li ti sẽ cuốn theo gió rơi vào đất và phân tán khắp nơi. Vào cuối đông hạt sẽ nảy mầm, vào đầu xuân cây rau khúc đã phủ kín các bãi đất trống.
Rau khúc được phân thành 2 loại khác nhau. Chúng ta có rau khúc nếp và rau khúc tẻ. Để phân biệt hai loài, chúng ta có rau khúc tẻ thân thường to hơn khúc nếp. Tuy nhiên, rau khúc nếp thơm và ngon hơn loại khúc tẻ. Vì vậy nên nó thường được sử dụng làm bánh, xôi.
Rau khúc được phơi khô, nghiền thành bột dự trữ để nấu ăn dần. |
Bán rau khúc 2 năm nay, chị Vũ Lương (Sông Mã, Sơn La) cho biết khu vực chị sinh sống chủ yếu toàn mọc rau khúc nếp nên không được thơm ngon, giá cũng rẻ hơn so với khúc tẻ. Theo chị tìm hiểu, rau khúc nếp đang có giá đổ sỉ khoảng 15.000 đồng/kg, còn rau khúc tẻ trên thị trường đang bán khoảng 30.000 đồng/kg, bán lẻ lên đến 40.000 đồng/kg.
“Rau khúc đều mọc tự nhiên tại các khu vực đất ẩm ướt ở các vườn. Tôi chủ yếu bán cho khách quen, giờ là đầu vụ thì mỗi ngày tôi có khoảng từ 50 – 70kg để bán, vào đúng vụ thì mỗi ngày có hơn tạ để bán. Tính riêng năm ngoái, tôi cũng phải bán hơn tạ rau này”, chị nói.
Chị chia sẻ thêm rau khúc thường có vào khoảng tháng 10 đến tháng 2 Âm lịch. Cứ vào mùa rau khúc, những vị khách quen của chị lại nhờ chị đi thu gom. Hầu như ngày nào chị cũng thu gom vài chục cân đến hơn tạ để gửi đi cho khách.
Chị Mai Hoàng (Nam Định) chia sẻ, rau khúc thường được mọi người xếp hàng với các loại rau dại quê nhà. Nhưng từ ngày được mục sở thị, thưởng thức món xôi khúc mẹ làm, hai chị em tôi chẳng bao giờ nghĩ nó là rau dại.
Cách làm bánh khúc
Bánh khúc là loại bánh truyền thống với nhân thịt heo, đậu xanh và lá khúc. Cách làm bánh khúc đơn giản, nguyên liệu bình dân và không đòi hỏi tay nghề cao. Bánh khúc mềm, thơm lựng mùi lá khúc và nhân đậu xanh, thịt đã được xào thơm là món ăn dân dã hấp dẫn đặc biệt khi tiết trời bắt se lạnh.
Nguyên liệu làm bánh khúc gồm 500 g bột nếp, 500 g rau khúc, 300 g thịt sấn vai, 200 g đậu xanh đã cà vỏ, 300 g gạo nếp, 3 củ hành khô, 400 ml nước, gia vị, hạt tiêu.
Bước 1: Thịt sấn vai thái miếng con chì nhỏ, ướp thịt với gia vị, hạt tiêu cho ngấm, đậu xanh, gạo nếp ngâm nở rồi để ráo.
Bước 2: Đậu xanh đồ chín, rồi cho vào cối giã nhuyễn, hành khô bóc bỏ vỏ, đập dập, bằm nhỏ. Làm nóng dầu ăn trong chảo, cho hành khô vào phi thơm, đến khi hành vàng thì cho thịt vào đảo cùng. Khi thịt săn lại và ra mỡ thì cho đậu xanh đã giã nhuyễn vào xào cùng. Đảo đều tay để đậu xanh quyện đều cùng thịt thì tắt bếp.
Bước 3: Đun sôi nồi nước, cho rau khúc vào luộc chín. Vớt riêng phần rau, vắt hết nước, để riêng phần nước này, cho rau vào giã nhuyễn. Trong quá trình giã nếu có cuống rau già, nhiều xơ có thể nhặt bỏ đi.
Bước 4: Đổ bột ra mâm, cho nước luộc rau... và rau đã giã vào nhào kỹ đến khi được thành phẩm bột mịn, không dính tay. Viên đậu xanh xào thịt và phần bột đã nhào thành các viên nhỏ. Với lượng nguyên liệu như trên có thể chia bột và nhân thành 30 viên bằng nhau. Dàn mỏng phần bột nếp đã nhồi với lá khúc, đặt nhân đậu xanh, thịt vào trong... miết kín lại.
Bước 5: Lăn bánh đã nặn qua gạo nếp, xếp bánh vào nồi, hấp chín. Nếu thích ăn kiểu xôi khúc, chỉ cần ngâm thêm gạo sau đó đổ một lớp gạo vào chõ xôi, đặt lớp bánh rồi lại phủ lớp gạo, cứ tiếp tục đến hết rồi đồ chín là được.