Ngọn ngũ gia bì hương "nhân sâm quý" của người vùng cao |
Đặt chân tới Hà Giang mà chưa được ăn thứ rau rừng thì chưa “thưởng thức” hết văn hóa ẩm thực ở nơi này. Ngoài những loại rau như rau sắng, rau đắng cảy, rau bò khai, rau dớn, măng rừng… thì ngũ gia bì cũng là một loại rau nổi tiếng không kém. Thứ cây xanh tím có gai, mùi hăng hăng như thuốc Bắc này lại là loại rau khiến nhiều người bị nghiện.
Ngũ gia bì tên đầy đủ là ngũ gia bì hương, còn có tên khác là rau gai, tế trụ ngũ gia bì… Cây có tên khoa học là Acanthopanax gracilistylus W.W. Smith, thuộc họ Araliaceae (Nhân sâm). Khá dễ để nhận biết loại cây này, là cây bụi mọc dựa, cao vài mét, thân và cành màu xám nhạt, có gai thưa. Cây có lá kép, chân vịt mọc so le, gồm 5 lá chét hình trứng đảo hoặc thuôn, dài 2 – 6cm, rộng 1 – 3cm. Thường vào mùa từ tháng 11 đến tháng 2 hằng năm cây sẽ cho hoa và quả.
Ngũ gia bì hương được phát hiện lần đầu tiên ở huyện Phó Bảng, tỉnh Hà Giang năm 1969, có nhiều tài liệu cho rằng cây rau này có nguồn gốc tại Trung Quốc. Mấy năm gần đây, ngũ gia bì mọc gần nơi ở và bờ mương rẫy. Loại cây này từng được đưa vào Sách Đỏ quốc gia từ năm 1996 vì quý hiếm và được nghiên cứu bảo tồn. Tuy vậy, kể từ khi ngũ gia bì được người dân Hà Giang sử dụng nhiều như một món ăn thường ngày, rau ngũ gia bì đã được trồng quanh vườn nhà và trở nên phổ biến hơn.
Rau ngũ gia bì có thể ăn sống, ăn kèm món lẩu, làm món rau xào… tùy khẩu vị của mỗi người. Ngọn rau gai (ngũ gia bì hương) thường được đồng bào vùng cao hái tươi ngoài nương đem về xào với tỏi, sang hơn có thể băm nhỏ xào với trứng gà hoặc với thịt ngựa. Giống như món lá đương quy xào thịt ngựa, loại rau gai được bà con trồng để ăn.
Phần ngọn của rau ngũ gia bì |
Loại rau này không quá đắt đỏ tại các phiên chợ Hà Giang, chỉ vài chục nghìn là đã có cả món rau đủ cho cả nhà thưởng thức. Bởi thế, những năm qua không ít người khi đã đến Hà Giang, được thưởng thức những món rau lạ đó, họ liền kết nối và nhờ mua gửi về những vùng miền xa để thưởng thức. Dần dần, ngũ gia bì “về phố”, giá cả cũng tăng lên theo nhu cầu của người mua.
Tại Hà Nội, một bó rau ngũ gia bì ngọn non xanh tía được chị Hà (chủ một trang Facebook bán rau rừng Hà Giang) bán với giá 45.000 đồng/500gr. Mỗi lần lấy hàng, chị Hà chỉ lấy được tầm 100 bó, đóng thùng xốp để vận chuyển từ Hà Giang về, cùng các loại rau khác. Tuy vậy mà loại rau này luôn “cháy hàng”, có nhiều khách quen còn đặt chị Hà liên tục để phục vụ cho các quán ăn đặc sản rau rừng.
Chị Hà chia sẻ: “Nếu vận chuyển bằng ô tô trong nhiều giờ đến những khu vực xa thì rau phải được đóng vào thùng xốp rồi ướp đá khô và bảo quản trong điều kiện bật điều hòa sẽ được khoảng tối đa 5 ngày mà không dấp nước. Nguồn khách tương đối ổn định, thậm chí có những lúc không đủ số lượng rau để cung cấp ra thị trường. Loại rau này không chỉ trở thành món ăn đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn chinh phục khẩu vị của cả những khách hàng khó tính mà còn là xu hướng bởi bây giờ khách thường chuộng ăn rau sạch kiểu như vậy”.
Tầm giá 90.000 đồng/kg bán lẻ như chị Hà vẫn chưa “thấm tháp” gì so với các chế phẩm của cây ngũ gia bì. Lá ngũ gia bì khô còn có thể pha trà, làm dược liệu. Củ của cây ngũ gia bì được ví là “nhân sâm đất”, có giá đắt đỏ. Trên các sàn thương mại điện tử, thân ngũ gia bì khô được bán với giá lên tới 200.000 đồng/kg. Chưa kể, ngũ gia bì (chân chim) còn có thể làm cảnh, mang nhiều ý nghĩa phong thủy, giá một cây ngũ gia bình có thể lên tới cả triệu đồng.
Rau ngũ gia bì hương xào lòng gà |
Không chỉ là một loại rau đặc sản của đất Hà Giang, cây ngũ gia bì hương còn được ví như "nhân sâm quý". Trao đổi với báo chí, kỹ sư Lương Văn Hoàng, Viện Nghiên cứu Dược liệu Sa Pa (thuộc Bộ Y tế), anh cho biết: Cây ngũ gia bì hương là một loại thảo dược quý.
Vỏ cây và ngọn non chứa saponin. Ngũ gia bì hương rất tốt cho sức khỏe, có họ với sâm.
Ngọn non có thể làm rau ăn, chế biến thành các món đơn giản như nấu canh cá, xào thịt bò, còn lá già và cành già có thể đun nước uống.
Nhiều tài liệu nghiên cứu ghi chép rằng, cây ngũ gia bì hương là cây thuốc họ nhân sâm có trong danh mục các bài thuốc y học cổ truyền được sử dụng rộng rãi, thuộc dạng cây bụi, thân có gai.
Cây có nhiều tác dụng như chống oxi hóa mạnh, chống lão hóa và mệt mỏi, làm thuốc bổ nâng cao sức khỏe, tăng cường trí nhớ, chữa các bệnh dạ dày, tê thấp. Một số hoạt chất trong ngũ gia bì hương còn có khả năng kháng tế bào ung thư, kháng virus.