Vào mùa nước nổi, đọt sầu đâu - một loại rau đặc sản được bày bán ở khắp nơi, nhiều nhất là tại chợ Châu Đốc và chợ Tịnh Biên (An Giang). Cây sầu đâu mọc tự nhiên hoặc được trồng khắp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng nhiều nhất là ở An Giang, Kiên Giang. Theo một số tài liệu ghi chép lại, sầu đâu có xuất xứ từ Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar và tại các khu vực nhiệt đới và bán nhiệt đới.
Cây sầu đâu còn có các tên gọi khác là sầu đông, xoan sầu đâu, xoan ăn gỏi, xoan trắng, xoan chịu hạn, xoan Ấn Độ. Cây thân cao và thẳng, không kén đất, dễ trồng, lớn nhanh, có thể đạt chiều cao từ 15-19m. Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hoa thì ít đắng hơn và thơm. Hằng năm, vào khoảng tháng 10 đến tháng Giêng âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa. Cây tỏa rộng, có tán rậm, được trồng ở quanh nhà để che bóng mát.
Món ăn từ Cây sầu đâu
Trước đây, loại rau này xuất hiện thường xuyên trong bữa cơm nghèo khó, được coi là món rau "cứu đói" của người dân nơi đây. Hiện nay, sầu đâu là món ngon không thể thiếu trong thực đơn của các gia đình, quán ăn, nhà hàng từ nông thôn đến thành thị.
Do vậy, người dân trồng sầu đâu không đợi đến mùa thay lá, trổ bông mà thường xuyên tỉa bỏ cành, lá già, sau đó tưới nước, bón phân kích thích sầu đâu đâm chồi, ra lá non quanh năm để phát triển kinh tế gia đình. Không khó để tìm thấy các món ăn từ lá sầu đâu tại các nhà hàng dân dã đến sang trọng. Trên thị trường, lá sầu đâu cũng được bán phổ biến. Theo khảo sát, lá sầu đâu tươi có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Lá và bông sầu đâu thường được làm rau ăn sống hoặc trộn gỏi ăn kèm cá kho, thịt kho, mắm chưng trong bữa cơm hàng ngày. Nổi tiếng nhất là món gỏi sầu đâu trộn với tôm, thịt, khô cá lóc, cá sặc rằn, hoặc trộn với khô cá tra phồng, cá dứa...
Do lá sầu đâu có vị đắng đặc trưng nên còn tùy vào sở thích, khẩu vị của người ăn mà chế biến. Đối với người mới lần đầu ăn sầu đâu hoặc không thích ăn đắng, phải chọn lá non và bông sầu đâu là thích hợp nhất. Còn nếu dùng lá hơi già thì sau khi rửa sạch, cho lá vào nồi chần qua nước sôi để giảm vị đắng, cho ít muối vào để giữ màu xanh của lá.
Ngược lại, những người ăn được sầu đâu lại thích vị đắng tự nhiên thì không cần sơ chế thêm, chỉ rửa sạch để ráo nước là có thể trộn gỏi. Gỏi sầu đâu mới ăn thường cảm thấy đắng, nhưng sau đó sẽ phát ghiền với cái vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hương thơm đọng lại trong khoang miệng.
Cách làm gỏi Sầu đâu
Nguyên liệu: Sầu đâu 100 gram; đậu hũ 100 gram; tàu hũ ky tươi 100 gram; dưa leo 200 gram; xoài xanh 200 gram; nước cốt me 100mL; đường 2 thìa canh; hạt nêm chay 2 thìa cafe; tỏi băm 1 thìa cafe; ớt băm 5 tép; lạc rang 20 gram;...
Thực hiện: Xoài và dưa leo rửa sạch, gọt bỏ vỏ và bào sợi.
Cho lá Sầu đâu vào trụng sơ trong nước sôi, sau đó ngâm trong nước đá lạnh, đến khi chuẩn bị ăn thì vớt ra cho ráo nước.
Tàu hũ rửa rồi đem trụng với nước sôi trong khoảng 2 phút để đậu hũ mềm và dai hơn rồi đem cắt thành từng khúc nhỏ khoảng 5cm rồi xé sợi nhỏ. Đậu hũ cắt thành từng sợi vuông dài, kích thước 1,5cm.
Cho đậu hũ và tàu hũ vào một bát tô, thêm một ít tỏi, 2 thìa cafe hạt nêm chay, trộn đều và ướp trong khoảng 20 phút rồi đem đi chiên cho tới khi vàng giòn là được.
Pha nước sốt: cho tỏi và ớt vào phi thơm, cho nước cốt me vào khuấy đều, nếu thấy quá sệt thì cho thêm một ít nước lọc, thêm 1 chút đường và 1 thìa canh nước, đun cho đến khi thấy hỗn hợp hơi sệt lại thì cho lạc rang giã nguyên vào, trộn đều và tắt bếp.
Lấy một âu lớn, cho lá sầu đâu, xoài xanh, dưa leo vào trộn đều sau đó cho đậu hũ, tàu hũ vào tiếp tục trộn đều tay. Sau khi đã trộn kỹ thì cho khoảng 5 thìa nước sốt vào đảo đều lên là được. Khi ăn cho thêm một chút lạc rang giã nhỏ nhé.
Bộ phận sử dụng
Hầu hết các bộ phận của cây đều được dùng làm thuốc, tuy nhiên thường dùng nhất là lá. Theo Đông y, lá có vị đắng, hậu ngọt, tính mát. Hoa Sầu đâu màu trắng ít đắng hơn.
Bên cạnh việc sử dụng lá Sầu đâu như một loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, lá Sầu đâu còn rất giàu chất chống oxy hóa, chúng đóng vai trò trong việc ức chế sự tạo thành của các gốc tự do và ngăn ngừa sự phát sinh bệnh tật.
Lá Sầu đâu được sử dụng làm thuốc hạ đường huyết, chống viêm, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm…
Ngoài ra, Sầu đâu còn được bào chế thành nhiều dạng khác nhau để thuận tiện cho việc sử dụng, một số dạng chủ yếu thường gặp như: Lá tươi, kem bôi hoặc dầu, dạng bột nhão
Thành phần dinh dưỡng của cây Sầu đâu
Cây Neem bao gồm nhiều thành phần, mỗi thành phần lại có vai trò khác nhau đối với cơ thể:
Hạt chứa 4,5% dầu là các chất đắng nimbin, nimbidin, nimbolide và limonoids: kiềm chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Lá neem tươi chứa Quercetin và β - sitosterol: Đây là những Flavonoid polyphenol có hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm.
Cụm hoa: chứa tinh dầu, nimbo sterol, acid béo và glucozit nimbosterin.
Quả: chứa chất đắng bakayami.
Liều lượng sử dụng
Mỗi một dạng bào chế khác nhau sẽ có liều lượng sử dụng khác nhau và đối với từng tình trạng riêng sẽ có liều lượng sử dụng riêng, do đó, trong quá trình sử dụng bạn cần đảm bảo sử dụng đúng liều theo quy định, tránh lạm dụng và sử dụng quá liều. Sau đây là một số liều lượng tham khảo ở một số dạng bào chế.
Chiết xuất từ vỏ cây Sầu đâu
Người bị acid dạ dày: Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 30mg, dùng trong 10 ngày.
Người bị loét tá tràng: Cải thiện đáng kể ở liều 30 - 60mg, ngày dùng 2 lần, liên tục trong 10 tuần.
Người bị loét thực quản hoặc loét dạ dày: Ngày 2 lần, mỗi lần 30mg liên tục trong 6 tuần thấy vết loét được làm lành hoàn toàn.
Dầu Sầu đâu: Liều 0,2mL/kg thể trọng.
Viên Sầu đâu: Khuyến cáo dùng ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 1 - 2 viên uống cùng nước, dùng liên tục trong 1 tháng, sau ăn.
Lá Sầu đâu
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lá Sầu đâu rất hiệu quả trong điều trị bệnh tiểu đường.
Người bị tiểu đường có thể dùng 5 - 10 lá tươi hoặc khô đun lấy nước uống mỗi ngày. Lá Sầu đâu có vị đắng nhưng hậu ngọt nên cũng không khó uống.
Tác dụng của cây Sầu đâu với sức khỏe
Ngoài ra, cây sầu đâu còn là vị thuốc trong đông y thường được dùng chữa sốt, cảm, chống viêm, chữa những bệnh về da, nhức mỏi... Riêng về lĩnh vực y học phương Tây, tác dụng kỳ diệu của lá sầu đâu đã được người Ấn Độ ứng dụng từ xa xưa để làm thuốc hạ đường huyết, chống viêm, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chữa sốt rét.
Mỗi bộ phận của cây Sầu đâu chứa nhiều hoạt chất có tác dụng tốt. Tuy nhiên lá Neem được ứng dụng làm thuốc chữa bệnh nhiều hơn. Lá Neem chứa nhiều Flavonoid, triterpenoid, các hợp chất chống oxy hóa và glycoside giúp:
Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
Lá Sầu đâu kích thích tuyến tụy tăng sản xuất Insulin do đó kiểm soát tốt lượng đường trong máu và đảm bảo không có sự gia tăng glucose ở bệnh nhân tiểu đường không phụ thuộc Insulin (đái tháo đường type 2).
Ức chế các men phân cắt tinh bột thành đường do đó hỗ trợ làm giảm lượng đường trong cơ thể. Bảo vệ mạch máu, làm chậm biến chứng xơ vữa mạch do tiểu đường. Ngăn chặn cơn đau do biến chứng thần kinh ở người bị bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, không nên sử dụng quá nhiều lá Neem vì có thể gây hạ đường huyết. Tham khảo ý kiến Bác sĩ về liều dùng thích hợp.
Trị da nhăn, da khô
Dầu neem giàu vitamin E, acid béo và các chất chống oxy hóa nên nó rất tốt trong việc dưỡng ẩm da khô, da nứt nẻ.
Bên cạnh đó, nó còn làm giảm các gốc tự do trong da, thúc đẩy sản xuất collagen, giúp chống lão hóa tuyệt vời và giữ cho làn da của bạn mềm mại.
Giúp trị mụn, mụn cóc
Các Flavonoid trong lá neem có khả năng chống viêm và chống vi khuẩn rất tốt do đó nó giúp loại bỏ vi khuẩn trên da, làm dịu các vết đỏ và giảm sẹo mụn mà không gây khô da.
Ngoài ra, một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy dầu neem có thể hỗ trợ điều trị mụn trứng cá lâu dài khi được thêm vào các hạt nano lipid rắn (SLN), một loại công thức thuốc mới cung cấp giải phóng ổn định các thành phần hoạt tính.
Hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch
Lá Neem còn giúp cải thiện việc lưu thông máu, kiểm soát tốt các vấn đề về tim mạch. Các chất chiết xuất từ lá sầu đâu được khuyến khích dùng trong việc làm giảm đông máu, kiểm soát huyết áp, tăng lipid máu và bệnh tim.
Bệnh vảy nến
Cây Sầu đâu đã được biết đến với công dụng làm giảm đỏ và viêm cho bệnh chàm và giảm ngứa da khô.
Đây là một chất làm mềm hiệu quả, ngăn ngừa mất độ ẩm và giúp xây dựng lớp bảo vệ trên da. Thoa kem neem vào vùng da bị vảy nến sẽ làm giảm tình trạng này.
Tăng cường sức khỏe của tóc
Chiết xuất từ lá của cây Sầu đâu có chứa azadirachtin, một hợp chất có thể chống lại các ký sinh trùng gây ảnh hưởng đến da và tóc như chấy, rận. Azadirachtin hoạt động bằng cách phá vỡ sự phát triển của ký sinh trùng và can thiệp vào quá trình sinh sản cũng như các quá trình sinh tế bào khác.
Trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dầu gội có thành phần chiết xuất từ lá cây sầu đâu có thể giết chết chấy khi để dầu gội trên tóc trong 10 phút mà hâu như không gây thương tổn nào cho da.
Bên cạnh đó, chiết xuất từ lá cây Sầu đâu - nimbidin, cũng có thể điều trị gàu do đặc tính chống viêm và kháng khuẩn của nó.
Làm giảm tình trạng các bệnh lý dạ dày
Như chúng ta đã biết, các flavonoid có tác dụng tốt trong điều trị một số bệnh như viêm nhiễm, dị ứng, loét dạ dày và hành tá tràng, giúp cơ thể điều hòa các quá trình chuyển hóa, chống lão hóa, làm bền thành mạch máu.
Vì vậy, nhiều chứng minh đã chỉ ra rằng, ống trà lá neem trong 30 ngày sẽ giúp chữa lành các tổn thương, các vết loét ở dạ dày.
Hỗ trợ chức năng gan và thận
Đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của lá cây Sầu đâu có thể giúp chống lại stress oxy hóa, do đó có thể thúc đẩy sức khỏe của gan và thận.
Stress oxy hóa là do sự tích tụ của các phân tử không ổn định được gọi là các gốc tự do. Mặc dù cơ thể bạn tự nhiên tạo ra các gốc tự do như một sản phẩm phụ của quá trình trao đổi chất, nhưng các nguồn bên ngoài sẽ làm tăng sự hiện diện của chúng.
Một số loại thuốc, bao gồm thuốc điều trị ung thư, thuốc giảm đau và thuốc chống loạn thần, có thể góp phần gây ra stress oxy hóa, dẫn đến tổn thương mô trong gan và thận của bạn
Ngoài ra, một nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất lá neem làm giảm tổn thương gan do acetaminophen liều cao. Một nghiên cứu khác trên chuột cũng cho thấy những tác dụng tương tự, cho thấy chiết xuất neem cải thiện tổn thương mô thận do thuốc hóa trị
Ngoài những tác dụng đã nêu trên, cây Sầu đâu còn được biết đến với nhiều tác dụng ưu việt khác nữa như: điều trị vô sinh, điều trị sốt rét, tăng cường sức khỏe răng miệng,...
Lưu ý khi dùng cây Sầu đâu
Sầu đâu có nhiều tác dụng tuyệt vời, tuy nhiên khi sử dụng bạn cần thận trọng. Tham khảo ý kiến của Bác sĩ, Dược sĩ trong một số trường hợp để tránh các trường hợp không mong muốn có thể xảy ra.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng cây Sầu đâu: Nôn, tiêu chảy, buồn ngủ, rối loạn máu, động kinh, mất ý thức não, rối loạn não,...
Phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người dị ứng với bất kỳ thành phần nào của cây Sầu đâu thì khôn nên sử dụng.
Người huyết áp thấp không nên sử dụng lá cây Sầu đâu hoặc các chế phẩm được sản xuất hay có chứa các hoạt chất được chiết xuất từ cây Sầu đâu.
Hiện nay ở nước ta có nhiều loại cây Sầu đâu khác nhau tránh nhầm lẫn cây Sầu đâu Ấn Độ và cây Sầu đâu bản địa của nước ta. Sầu đâu bản địa của nước ta chỉ có vỏ rễ và vỏ thân được sử dụng trong Y học.
Khi sử dụng lá tươi cần rửa sạch, có thể ngâm rửa bằng nước muối loãng để loại bỏ bụi bẩn và vi sinh gây hại.
Vì tác dụng ở mỗi người khác nhau, do đó, khi sử dụng cần kiên trì để thấy được hiệu quả.
Ngoài ra cây Sầu đâu tương tác với một số thuốc dưới đây, do đó bạn cần lưu ý khi sử dụng.
Lithium: cây Sầu đâu có tác dụng lợi tiểu do đó có thể làm giảm quá trình đào thải lithium ra khỏi cơ thể. Điều này làm lượng lithium tăng cao trong máu và gây nên một số phản ứng phụ nghiêm trọng. Nếu bạn đang dùng Lithium cần tham khảo Bác sĩ về liều dùng cho phù hợp.
Thuốc điều trị tiểu đường: cây Sầu đâu có tác dụng hạ đường huyết, nếu sử dụng cùng với thuốc tiểu đường có thể làm lượng đường trong máu quá thấp.
Thuốc ức chế miễn dịch: Sầu đâu có thể làm tăng cường hệ thống miễn dịch do đó sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc gây suy giảm hệ miễn dịch.