Rau dại trong rừng tên nghe bốc mùi thành đặc sản đắt đỏ ở Thủ đô Thuần hóa cây dại trong rừng từ đặc sản xứ Mường thành món xào quốc dân |
Nguyên liệu để chế biến món rau xôi đặc sản xứ Mường được hái trong vườn nhà từ quả, lá đu đủ, bông bí, rau chuối... |
Thứ rau dại đặc sản gợi nhớ gợi thương
Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đời sống vật chất còn khó khăn nhưng bù lại thiên nhiên ban cho nhiều sản vật, trong đó phải kể tới những loại rau dại đặc sản mà ở dưới xuôi có nhiều tiền cũng không mua được, nhất là đặc sản rau xôi của người Mường Thanh Sơn.
Trong mâm cỗ lá, bên cạnh những món ăn nhiều chất đạm, béo, món rau xôi dân dã gồm nhiều loại rau như rau ngót, măng, hoa đu đủ, quả đu đủ, bắp bi chuối, cà… giúp cân bằng lại vị giác và thường được ăn hết trong mâm.
Những cây rau dại được hái trong vườn hoặc trên rừng quyện vào nhau trong món đặc sản rau xôi. |
Tết này, gia đình chị Hà Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn chuyển vào ở trong ngôi nhà vừa mới xây xong nên gia đình chị làm mấy mâm cơm vừa cúng tổ tiên vừa mời anh em trong họ đến vui chung. Chị Nguyệt cho biết: Mâm cỗ của người Mường gồm có nhiều món nhưng không thể thiếu món rau xôi. Rau xôi gồm những loại rau hái trong vườn nhà, trên rừng.
Để có món rau xôi trong mâm cỗ, từ sáng sớm, chị Nguyệt đã ra vườn hái những loại rau trồng trong vườn như đỗ, lá đu đủ bánh tẻ, quả đu đủ xanh, hoa đu đủ đực, lá sắn, lá mùi tàu, rau bí, hoa bí, rau thơm, rau ngót, cải, măng, rau ngải cứu, rau teeng, bắp bi chuối, lá lốt…Rau hái về, rửa sạch, để ráo nước rồi thái nhỏ, trộn đều. Để xôi rau, người Mường thường đồ bằng chõ gỗ. Lý giải về việc xôi rau mà không luộc.
Chị Nguyệt cho biết: Rau xôi lên sẽ giữ được hương vị và giữ được màu sắc tự nhiên.
Những cây lá trong vườn cũng góp phần làm phong phú cho món rau xôi. |
Rau đặc sản thơm lừng mâm cỗ Tết
Sau khi bắc chõ gỗ lên bếp, chị Nguyệt đổ nước vào chõ rồi nhóm bếp, đun đến khi nước sôi thì cho tất cả các loại rau, quả vào đậy nắp đun khoảng 15- 20 phút tới khi ngửi thấy mùi thơm của các loại rau, đặc biệt là lá lốt thì rau đã chín. Rau được đồ chín bằng hơi nên không nát, khi chín những loại rau này vẫn giữ được sắc màu, rất xanh, rất đậm đà.
Chị Nguyệt cho biết: Rau xôi đạt tiêu chuẩn là phải giữ được màu xanh của các loại rau, màu trắng của quả cà rừng, của hoa đu đủ đực và màu nâu nhạt của hoa chuối rừng. Đồng thời, phải giữ được vị chát, đắng đặc trưng của rau ngải cứu, lá hoa đu đủ, rau teeng.. Đây là món ăn đơn giản nhưng thường là món được ăn hết trong mâm cỗ.
|
Theo bà Đinh Thị Vụ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Cửu, từ xưa đến nay, rau xôi không chỉ là món ăn truyền thống của người Mường mà còn là vị thuốc bởi những loại rau xôi có vị đắng, chát vốn có tính nóng và có tác dụng rất tốt trong phòng chống cảm cúm, chống các loại gió độc, tăng sức đề kháng cho cơ thể...vì thế món rau xôi rất được đồng bào ưa chuộng.
Một món ăn đơn giản và bình dị từ những sản vật của núi rừng qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mường trở thành món ăn đặc sản. Gìn giữ món đặc sản rau xôi chính là cách để lưu giữ văn hóa ẩm thực độc đáo, phong phú, gần gũi, mộc mạc của người Mường. Với những món ăn đơn giản, bình dị như rau xôi đã thu hút được nhiều thực khách đến với các bản Mường vùng cao.
Đặc sản rau xôi là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của người Mường Đông Cửu. |
Cây rau dại đặc sản xứ Mường vốn bình dị như vẻ đẹp hồn hậu, chân chất của người vùng cao. Hương thơm của rau lắng đọng tinh hoa đất, trời cùng với bàn tay khéo léo trong chế biến đã trở thành món đặc sản. Người Mường Thanh Sơn trân trọng món ăn tuy dân dã nhưng đậm chất văn hóa này không chỉ để đãi khách quý mà còn là sản vật dâng lên ban thờ tổ tiên mỗi dịp lễ, Tết./.