Bèo tây còn được gọi là lục bình, lộc bình, hay bèo Nhật Bản |
Cây bèo tây xuất xứ từ châu Nam Mỹ, du nhập Việt Nam khoảng năm 1905, do đó trong tiếng Việt mới có tên bèo tây. Còn tên bèo Nhật Bản vì có người cho là mang từ Nhật về. Lộc bình do cuống lá phình lên giống lọ lộc bình. Phù bình vì nó nổi trên mặt nước.
Cây bèo tây mọc cao khoảng 30 cm với dạng lá hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt, gân lá hình cung dài, hẹp. Lá cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp cây bèo nổi trên mặt nước. Ba lá đài giống như ba cánh. Rễ bèo trông như lông vũ sắc đen buông rủ xuống nước, dài đến 1 m.
Sang hè cây bèo nở hoa sắc tím nhạt, điểm chấm màu lam, cánh hoa trên có 1 đốt vàng. Có 6 nhuỵ gồm 3 dài 3 ngắn. Bầu thượng 3 ô đựng nhiều noãn, quả nang. Dò hoa đứng thẳng đưa hoa vươn cao lên khỏi túm lá.
Cây bèo tây sinh sản rất nhanh nên dễ làm nghẽn ao hồ, kinh rạch. Một cây mẹ có thể đẻ cây con, tăng số gấp đôi mỗi 2 tuần.Sống ở cả trên cạn và dưới nước
Theo y học cổ truyền, lá và thân có vị ngọt cay, tính mát không độc, có tác dụng tiêu viêm giải độc lành da. Dùng tươi lá bèo đem giã với muối rồi đem đắp lên ung nhọt, khô thì thay miếng khác, nhiều lần sẽ làm giảm sưng. Nếu vết tấy bắt đầu nung mủ thì sẽ chóng vỡ mủ giảm đau. Dùng khô thân và lá phơi khô sao thơm khử thổ phối hợp với các vị thuốc khác chữa hạch cổ tràng nhạc.
Hoa hơi ngọt, tính mát, có tác dụng an thần, lợi tiểu, giải độc, trừ phong nhiệt. Khi ho hen, ho đàm hoặc ho gió, chưng một nắm hoa với đường phèn uống, kết hợp thêm hoa hoè, hoa khế càng tốt. Người cao huyết áp mãn tính dùng hoa chế trà uống mỗi ngày cũng có tác dụng bình ổn.
Ở dạng tự nhiên, loại bèo này có tác dụng hấp thụ những kim loại nặng (như chì, thủy ngân và strontium) và vì thế có thể dùng để khử trừ ô nhiễm môi trường.
Bèo tây được một số địa phương khai thác làm hàng thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên, số lượng không nhiều. Một số ít nữa là các vựa trái cây dùng bèo tây để kê đệm hoa quả cho đỡ dập nát khi vận chuyển. Còn lại, đa phần bèo tây được dùng để làm thức ăn cho gà, vịt, lợn,... Người dân có thể tha hồ vớt bèo miễn phí về làm thức ăn chăn nuôi.
Nhiều người dân còn chế biến bèo Tây thành nhiều món ăn như, ngó lộc bình có thể xào giống như ngó sen. Đọt non và cuống lá dùng để nấu canh tép, cá lóc, tôm khô. Hoa cũng có thể luộc chấm cá kho hoặc xào thịt heo hay lòng heo.
Tại Nhật Bản bèo tây được bán với giá 16.000 đồng/cây |
Trái ngược với ở Việt Nam, tại Nhật bèo tây được bán với giá khá đắt đỏ, khoảng 80 yên Nhật/cây, tương đương khoảng 16.000 đồng/cây. Mức giá này được xem là vô cùng đắt đỏ khi bèo tây sống đầy ao hồ ở Việt Nam.
Chúng được coi là loại siêu thực phẩm, có công dụng tốt cho sức khỏe. Ở Nhật Bản người dân còn thường xuyên mua bèo tây trong siêu thị về ăn, làm gỏi, chữa bệnh hoặc dùng để lọc nước. Cây bèo tây được phát hiện ra có công dụng rất tốt khi đắp vết thương, mụn nhọt, giảm sưng tấy, chống viêm hiệu quả.
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho biết, bèo tây có rất nhiều công dụng. Thế nhưng, ở Việt Nam, bèo tây còn được sử dụng quá ít. Đặc biệt, ngay trong cách sử dụng đơn giản nhất là dùng bèo tây sạch (mọc ở những nguồn nước sạch) để ăn cũng ít người biết tới.
Món ngon mà lạ từ bèo tây
Món lục bình xào tép đồng đúng kiểu miệt vườn |
Người miền Bắc là bèo Tây, người miền Nam kêu nó là cây lục bình. Và không biết từ khi nào thứ bèo ấy trở thành món ăn… lạ miệng của người dân phố thị.
Người miền Tây thường bẻ những ngó non của cây lục bình và hái nguyên cả chùm bông lục bình đem về rửa sạch sau đó chế biến các món ăn. Lục bình nở rộ từ sáng sớm, khi sương đêm còn đọng ướt trên từng chiếc lá xanh và tàn héo lúc mặt trời lăn. Vì vậy muốn hái được nhiều bông, đọt lục bình tươi ngon phải hái chúng vào lúc sáng sớm.
Cánh bông lục bình mỏng như lụa, dễ dập nát nên khi rửa bông phải cẩn thận “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” thì rửa xong bông mới còn nguyên. Vị bông ngòn ngọt, mát mát, nhai vừa mềm và giòn xốp nhờ phần đài hoa. .
Ngó non của cây lục bình hái về rửa sạch, dùng nấu canh chua với cá nóc – một món ngon độc đáo mà đậm chất dân dã của người miền Tây, hay dùng ngó non cây lục bình làm chua sau đó chấm với nước mắm cá nướng.Cầu kỳ hơn có thể làm gỏi từ ngó lục bình. Ngó lục bình sau khi hái về, rửa sạch, dùng dao gọt đi phần vỏ của ngó – nằm ở phần cuối của ngó dùng để nối cây con với cây mẹ. Sau khi làm sạch ngâm với nước dấm, đường, để qua đêm và trộn với thịt gà luộc, ăn kèm với tráng thì ngon tuyệt cú mèo.