Rau âu
Rau âu (tiếng Tày là Phoắc Âu, Phjắc âu…) |
Rau âu - hay còn được biết tới với cái tên Phoắc Âu, được biết đến là loại rau đặc sản vùng Cao Bằng. Trước đây, rau âu là món ăn cứu đói của người dân nơi đây, giờ đây nó đã thành đặc sản nổi tiếng được nhiều người tìm mua.
Rau âu (tiếng Tày là Phoắc Âu, Phjắc âu…) là một loại rau thân mềm, lá nhỏ, có 2 loại màu xanh và màu tím. Loại rau này được tìm thấy ở nhiều nơi tại Cao Bằng và các vùng núi Đông Bắc như Bắc Cạn, Lạng Sơn… Đây là loại rau gần như có quanh năm, nhưng phát triển tươi tốt nhất từ tháng 4 – tháng 9.
Rau âu là loại rau khá khó tính vì nó kén vùng sinh trưởng, thường chỉ mọc ở vùng đất ngập nước, ẩm, phải là nước sạch như nước suối, nước sông, đặc biệt nước mỏ, nước ngầm thì rau lại càng tươi ngon.
Từ lâu, người dân Cao Bằng đã biết dùng loại rau này để nấu các món ăn dân dã như canh rau âu nấu thịt băm, rau âu luộc, nhúng lẩu, xào, ăn sống… Ngắt rau lấy ngọn non và rửa sạch. Nước canh đun sôi cho thêm thịt băm, thả rau vào, gia vị vừa đủ, nếm chín bắc ra. Chỉ đơn giản vậy thôi mà nồi canh sôi dậy mùi, thơm lừng cả một khu bếp.
Rau âu khi ăn ban đầu sẽ có vị the mát, sau đó là ngọt ở cổ họng, thoang thoảng vị đắng. Theo lời anh Tuỳnh A Hu (hướng dẫn viên du lịch ở Cao Bằng), rau âu vừa là món ăn ngon, lạ miệng bổ dưỡng, bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Người dân Cao Bằng còn xem loại rau rừng này là phương thuốc giải nhiệt những ngày nóng và dùng để đãi khách quý khi tới nhà chơi.
Đặc biệt, rau âu còn được người dân các thành phố lớn ưa chuộng và được “về phố", bày bán rộng rãi tại nhiều nơi. Cứ khoảng thời gian cuối xuân đầu hạ, các bà nội trợ tại các thành phố lớn lại đổ xô đi mua các loại rau rừng như rau âu để đổi vị cho bữa ăn gia đình.
Rau âu có hương vị lạ, ăn ngon miệng và sạch nên khá được ưa chuộng. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ cả tiền triệu, đặt mua số lượng lớn về ăn dần. Theo khảo sát ở thời điểm hiện tại, thì giá rau âu khoảng 700.000 – 90.000 đồng/kg. Nhiều chủ cửa hàng cho biết, thời điểm này giá rau âu khá rẻ vì sẵn hàng. Chỉ vài tuần nữa nắng lên, nguồn hàng ít, khi vận chuyển nhanh hỏng, nên giá có thể cao gấp nhiều lần hiện tại.
Rau dạ hiến
Dạ hiến (hay còn gọi là rau bò khai) |
Dạ hiến (hay còn gọi là rau bò khai), tiếng Tày - Nùng gọi là Phjắc diển, thường mọc hoang ở vùng núi đá Cao Bằng. Ðây là loại cây thân dây rất giòn, bẻ dễ gãy. Thân được chia làm nhiều nhánh to bằng đầu đũa và những nhánh này bò, bám theo các cây thân gỗ gần đấy để vươn lên cao nhận ánh nắng mặt trời. Dù là thứ rau dại, mọc hoang nhưng không phải chỗ nào cũng có. Vì thế, khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, ai vào rừng hái được một, hai nắm rau dạ hiến là cảm thấy rất quý.
Dạ hiến không đơn thuần là một thứ rau rừng có vị ngon, hấp dẫn một cách kỳ lạ mà còn là vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt.
Thứ rau này chỉ cần rửa sạch, ngắt như ngắt rau muống là đem xào. Cách xào cũng gần như xào rau muống, nghĩa là mỡ càng già càng tốt và chỉ cần đảo qua vài lượt cho rau vừa chín tới (xào tái là ngon nhất). Chỉ nhai vài miếng ta đã thấy ngay cái vị hấp dẫn của thứ rau này, vì nó vừa có vị béo ngậy, vừa thơm. Khi ăn, ta cảm thấy như bao nhiêu tinh tuý của rau rừng mùa xuân đều tập trung ở thứ rau này. Nếu như ai đã ăn quen, lâu ngày xa quê, rồi bỗng trở về và được ăn rau dạ hiến thì sẽ có cảm giác như mình vừa được thưởng thức "sơn hào hải vị". Nhiều cụ lang cho rằng, dạ hiến không chỉ đơn thuần là một thứ rau rừng có vị ngon hấp dẫn một cách kỳ lạ mà còn là một vị thuốc bổ thận, mạnh gân cốt. Ðặc biệt, rễ cây rau dạ hiến đỏ còn là một trong nhiều vị thuốc chữa chứng vô sinh.
Do ngon và có nhiều công dụng như thế nên từ nhiều năm nay, dạ hiến trở thành một thứ rau đặc sản ở Cao Bằng. Vào dịp xuân hè, ở vùng thị xã cũng như ở các thị trấn, thị tứ, hầu như không có bữa tiệc, bữa cỗ nào là không có đĩa rau dạ hiến xào lẫn thịt bò tươi hoặc lòng lợn, lòng gà... Trong vài ba năm lại đây, nhiều vị khách quen từ miền xuôi lên Cao Bằng vào dịp từ tháng 2 đến tháng 6, tháng 7 âm lịch đều không quên tìm ăn món phở xào rau dạ hiến. Quả thực đây là một món ăn lạ và ngon, hình như chỉ ở Cao Bằng mới có. Nhiều người cho rằng đến bữa nếu có món phở xào dạ hiến thì không cần thêm một thứ thức ăn nào khác vẫn ăn đến no được, mà no rồi vẫn còn thèm.
Do dạ hiến vừa là thứ rau đặc sản, vừa là loại rau đặc biệt sạch nên các mẹ, các chị từ các làng bản xa gánh ra chợ thị xã bao nhiêu cũng không đủ bán. Hiện nay thứ rau này không chỉ tiêu thụ ở Cao Bằng mà nhiều người đã biết cách bảo quản để chuyển về dưới xuôi để làm quà cho người thân. Cũng do nhu cầu tiêu thụ lớn như vậy nên nhiều gia đình ở các xóm làng vùng sâu đã biết bảo vệ, gìn giữ cây dạ hiến. Một số chủ vườn rừng đã bắt đầu để tâm nghiên cứu, trồng thử để dần dần đưa dạ hiến vào vườn cây của mình.
Người dân mang rau bò khai từ rừng về trồng |
Loại rau rừng đặc sản có tên rau bò khai này xuất hiện nhiều ở Hà Nội với giá từ 50.000 đồng/kg, có loại hơn 100.000 đồng/kg vẫn cháy hàng.
Trên tuyến đường Trần Thái Tông (Hà Nội) xuất hiện vài điểm bán rau bò khai Tây Bắc. Anh Minh, người bán rau này trên đường Trần Thái Tông cho hay, anh mới bán rau bò khai được nửa tháng nay. Công việc chính của anh là bán giày dép nhưng thấy rau rừng được nhiều người ưa chuộng nên mới đây anh nhập rau về bán.
Theo anh Minh, rau bò khai là rau mọc tự nhiên ở núi rừng. Khách mua rau chủ yếu là các bà nội trợ. Rau bò khai được bó thành từng bó 1kg, giá bán 50.000 đồng/bó. Do trời nắng nóng, sợ rau héo nên anh chỉ bày 1 bó để khách đi đường biết, còn lại cho vào bóng râm, tưới nước để rau giữ được độ tươi.
“Rau bò khai có ở nhiều vùng núi cao phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn…Mỗi ngày tôi nhập khoảng 20kg rau, bán hết trong buổi sáng”, anh Minh cho hay.
Đang bán rau rừng tại chợ Trần Quốc Hoàn (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Luyến cho biết, rau bò khai được chị lấy từ Lạng Sơn, giá bán 60.000 đồng/kg. Tuỳ thuộc hôm có rau nhiều hay ít, chị thường nhập từ 20-30kg rau bò khai. Mùa nào thức đó, chị còn bán các loại rau rừng khác như rau ngót rừng (rau sắng), rau dớn, cải mèo, mầm đá, bí thơm… Mặc dù có giá không hề rẻ nhưng các loại rau rừng lại rất đắt hàng.
“Rau bò khai 60.000 đồng/kg chưa phải là đắt. Như rau ngót rừng, đầu mùa tôi bán 130.000 đồng/kg, nay giá rẻ hơn dao động từ 80.000-90.000 đồng/kg, ấy thế nhưng không có mà bán. Hôm nào nhiều thì tôi lấy được 5kg còn có hôm chỉ được 2kg. Sáng sớm nay mới bày ra đã có người lấy sạch”, chị Luyến nói.
Rau xương cá
Rau xương cá |
Rau xương cá còn được gọi là rau hến, phồn lâu, nga tràng. Loại cây này phân bố chủ yếu ở khu vực có khí hậu mát thuộc vùng cận nhiệt đới châu Á, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Thái Lan. Tại Việt Nam, rau xương cá thường mọc dại ở trong vườn nhà hoặc ven sông, ven suối, phân bổ từ Bắc chí Nam, nhiều nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Xương cá thuộc cây thân thảo, sống dai, cao 20 – 25 cm. Lá mọc đối, dài khoảng 2,5 cm, rộng 2cm, gốc hình tim, đầu nhọn, gân giữa thường rất rõ; những lá ở dưới có cuống, lá ở trên không cuống. Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá thành chùm thưa, hoa nhỏ màu trắng, đài 5 răng có lông ở mặt lưng, tràng 5 cánh, dài bằng lá đài, xẻ sâu thành 2 thùy hẹp.
Đây là món rau rừng hoang dại nhưng càng ngày càng được nhiều người tìm kiếm. Bởi chúng không những sạch, có hương vị đặc sắc mà còn là một vị thuốc có thể dùng chữa bệnh.
Người ta thường nấu rau xương cá với thịt băm hoặc xào loại rau này với thịt lợn. Không chỉ vậy cây rau còn được dùng để ăn lẩu. Đặc biệt hơn cả là khi rau xương cá chế biến với đậu phụ sẽ giúp hỗ trợ điều trị các bệnh như cao huyết áp hoặc bạc tóc…
Rau xương cá khi nấu với đậu phụ sẽ là thức ăn tuyệt vời để chữa cao huyết áp, nếu làm với các món xào thì có thể cải thiện tình trạng bạc tóc sớm.
Từng là loại rau mọc dại khắp nơi, thế nhưng vài năm trở lại đây, rau xương cá được nhiều người biết đến là đặc sản núi rừng Tây Nguyên. Theo lời của anh Phạm Văn Mạnh (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk): “Rau xương cá nấu canh với thịt băm hoặc xào rất ngon. Sau nhiều năm, người dân tại đây bắt đầu thuần hóa loại rau này và trồng như một loại rau trong vườn. Rau sinh trưởng tốt, không có thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học nên được rất nhiều người dân ưa chuộng”.
Giá bán ra thị trường của 1kg rau xương cá dao động từ 40.00 - 50.000 đồng/kg, vào mùa nắng mức giá này có thể tăng lên 50.000 - 70.000 đồng/kg. Để tìm mua loại rau này phải liên hệ các cửa hàng rau đặc sản và đặt hàng trước mới có chứ không phải ngày nào cũng có sẵn như các loại rau thông dụng khác. Chị Hoa Nguyễn (37 tuổi, TP.HCM) cho biết, chị từng ăn loại rau này khi ở quê nhà nên muốn tìm mua trên thành phố, tới cửa hàng dặn trước 1-2 ngày sẽ có hàng.
“Mình hay mua 1-2kg, chia cho bạn bè cùng thưởng thức. Loại rau này dễ ăn, trẻ con trong nhà thích ăn món này xào với lại thịt bò vừa lạ miệng, đổi vị lại an toàn. Khi ăn món rau này mình cũng rất nhớ quê nhà, nhớ những tháng ngày khó khăn ăn rau rừng rau dại mà lớn khôn…”, chị Hoa cho biết thêm.
Chị Ngọc Hà (28 tuổi, Cao Bằng) cho biết: "Trên quê mình, người dân thường đi rừng kiếm rau xương cá về làm thuốc. Thi thoảng họ cũng dùng làm rau ăn bởi nó có tính mát, rất bổ dưỡng cho sức khỏe của con người. Đặc biệt nó là loại rau sạch, không phun thuốc trừ sâu hay chất hóa học gì cả. Chúng có thể nấu canh thịt bằm hoặc xào tỏi, vô cùng thơm ngon".
Cũng theo chị Hà, rau xương cá thường được bà con dân tộc vào rừng hái và đem ra chợ bán với giá rất rẻ, chỉ khoảng vài nghìn đồng/mớ. Hiện tại một số nhà hàng nổi tiếng cũng bắt đầu "săn lùng" loại rau này, bổ sung vào thực đơn để phục vụ khách du lịch.