Rau má là một loại cỏ mọc bò, có rễ ở các mấu, thân gầy, nhẵn. Lá hình mắt chim, khía tai bèo, rộng 2-4cm, cuống dài 2-4cm trong những nhánh mang hoa và dài 10-12cm trong những nhánh thường. Cụm hoa đơn mọc ở kẽ lá, gồm 1 đến 5 hoa nhỏ. Quả dẹt rộng 3-5mm, có sống hơi rõ.
Rau má mọc hoang tại khắp nơi ở Việt Nam và các nước vùng nhiệt đới như Lào, Cămpuchia, Inđônêxya, Ấn Độ v.v… Toàn cây khi tươi có vị đắng, hăng hơi khó chịu; khi khô thì chỉ còn mùi cỏ khô. Rau má được thu hái quanh năm.
Rau má vị hơi đắng, ngọt, tính hơi mát, có công dụng chủ đạo là thanh nhiệt giải độc, tán ứ chỉ thống, lương huyết sinh tân, lợi niệu.
Rau má thường dùng trị cảm mạo phong nhiệt, thuỷ đậu sởi, sốt da vàng mặt, viêm họng, sưng amidan, viêm khí quản, ho, viêm đường tiết niệu, đái dắt đái buốt, còn dùng trị thổ huyết, chảy máu cam, tả lỵ, khí hư, bạch đới, giải độc lá ngón và nhân ngôn.
Dùng ngoài trị rắn cắn, mụn nhọt, lở ngứa và vết thương chảy máu.
Ở Trung Quốc, rau má được dùng trị cảm mạo phong nhiệt, viêm phần trên đường hô hấp, viêm gan, lỵ, cúm, ăn phải vật có độc, viêm màng phổi, rắn cắn, gai đâm vào thịt, trúng độc nấm dại, ngộ độc sắn, trúng độc thuốc nông dược, ngộ độc thức ăn và đòn ngã tổn thương.
Rau má - Bài thuốc
Hoàn ích khí, dưỡng âm, trợ cơ, cứu đói: Có thể làm thuốc bổ dưỡng cho trẻ em, người già hoặc ngưòi ốm mới khỏi hoặc dùng làm lương khô mang theo khi đi xa phòng khi thiếu thốn thực phẩm.
Toa thuốc gồm 4 vị : Lá dâu tầm,Mè đen, Bột củ mài và Rau má.
Mỗi vị ngang nhau, tán bột làm hoàn, mỗi hoàn khoảng 5g. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 1 hoặc 2 hoàn.
Thoái nhiệt đơn: Có công dụng giảm nhiệt, hạ sốt, trừ khát, trấn kinh.
Rau má 15%, Hoạt thạch 30%, Sắn dây 20%, Sài hồ 15%, Thạch cao 10%, Cam thảo 10%.Tán bột, ngày uống 3 lần, mỗi lần 4g.
Thuốc hạ huyết áp: Rể nhàu 16g, Rể kiến cò 12g, Lá tre l2g, Rể tranh 12g,Rể cỏ xước 12g, Rau má 16g, Lá dâu 12g. Sắc uống hoặc đóng viên làm trà uống thay nước hàng ngày.
Sốt xuất huyết: Rau má 20g, Cỏ mực 16g, Rau sam 16g, Đậu đen 16g. Sắc uống.
Sốt, thổ huyết, chảy máu cam, tả lỵ, khí hư, bạch đới: Mỗi ngày dùng 30-40 g rau má tươi (cả cây) vò nát, vắt lấy nước hoặc sắc uống.
Kiết lỵ, lậu nhiệt, tiểu tiện đục, sỏi thận, sỏi bàng quang: Rau má tươi (cả cây) 30-40 g, rửa sạch, giã nhuyễn, vắt lấy nước, hòa thêm ít đường uống hằng ngày. Có thể luộc ăn như rau.
Đau bụng, đau lưng khi hành kinh: Rau má hái lúc mới ra hoa, rửa sạch, phơi khô, tán nhỏ. Ngày uống 2 thìa cà phê vào buổi sáng.
Chữa rối loạn cơ thể: toàn cây rau má có tác dụng tốt trên các cơ quan hấp thu, tiêu hóa, biến dưỡng và bài tiết, giúp duy trì hoạt động của các cơ quan này, chống lại quá trình gây viêm và còn có tác dụng như một thuốc tẩy nhẹ.
Giúp tăng trí nhớ: lá rau má sấy khô tán bột, uống chung với sữa mỗi ngày 3-5 gam sẽ có tác dụng tốt cho những người mắc bệnh suy giảm trí nhớ và thị lực.
Chữa lỵ ở trẻ em: lấy 3-4 lá rau má sắc chung vài cọng thì là, thêm ít đường cho trẻ uống, cùng lúc giã vài lá rau má đắp lên rốn của trẻ.
Chữa suy nhược thần kinh: nghiền bột lá đã được phơi khô trong râm, uống mỗi ngày 30-60 gam, chia ba lần mỗi ngày cho người lớn và 7,5-25 gam cho trẻ em.
Giúp thanh lọc cơ thể phụ nữ: rau má nhổ cả rễ, phơi khô trong mát, xay thành bột. Mỗi ngày hai lần, sáng và chiều, mỗi lần 3 gam bột uống chung với sữa bò tươi, uống liên tục trong ba ngày ngay sau khi hết kinh. Món thuốc này còn chữa được các chứng đau bụng kinh. Nhờ tính thanh lọc này mà rau má giúp phụ nữ trẻ lâu, da dẻ hồng hào, khí huyết lưu thông tốt, phòng chống được nhiều bệnh tật.
Bệnh chân voi và viêm tinh hoàn: những người bị phù chân voi hoặc tinh hoàn bị sưng to, ép lấy dịch rau má tươi, pha thêm nước và bôi ngay lên các vùng bị sưng tấy.
Bệnh ngoài da: rau má được dùng chữa các bệnh ngoài da như chàm, ung nhọt, lở loét, phong và cả bệnh giang mai. Lấy bột lá khô hòa với nước đắp lên các vùng bị nhiễm kèm với uống dịch chiết rau má mỗi ngày ba lần, mỗi lần 1-5 giọt.
Lưu ý.
Rau má có tính lạnh nên những người có tỳ vị hư hàn, hay đầy bụng hoặc đi tiêu lỏng cần cẩn thận khi dùng. Không nên dùng rau má quá nhiều vì có thể làm bệnh nhân say thuốc dẫn đến hôn mê.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Nên theo dõi khi sử dụng các phương pháp trên và dừng lại khi thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào liên quan đến sức khỏe.