Cây dâu tằm (Morus alba) hay cây dâu, cây dâu trắng, có nguồn gốc ở khu vực phía Đông Châu Á. Cây dâu ưa khí hậu mát và khoẻ nên mọc được ở nhiều vùng đất, mọc nhiều ở vùng nhiệt đới, còn vùng ôn đới thì mọc vào mùa hè.
Ở Việt Nam, tại Miền Bắc, dâu được trồng nhiều ở vùng bãi sông: sông Hồng, sông Đáy, sông Thái Bình. Ở Miền Nam, dâu được trồng nhiều ở tỉnh Lâm Đồng và được mọc hoang hoặc trồng rải rác ở ĐBSCL. Trong nhà dân, bà con thường trồng một vài cây dâu vừa hàng rào vừa làm thuốc nam. Một số người cho rằng cây dâu có tác dụng kị tà.
Dâu tằm là một loài cây gỗ từ nhỏ đến nhỡ, lớn nhanh, có thể cao tới 15-20 m. Thông thường nó sống từ 8-12 năm, nhưng nếu đất tốt và chăm sóc tốt thì tuổi thọ tới 50 năm.
Quả dâu khi chín màu đỏ đậm hoặc tím đen. Qủa dâu giàu chất dinh dưỡng, ăn mềm, chua ngọt, nhiều nước, có thể ăn tươi, nấu rượu, làm nước giải khát, làm mứt, làm vị thuốc… đều tốt, được mọi người ưa chuộng.
Cây ưa ẩm và sáng, thường được trồng trên diện tích lớn ở bãi sông, đất bằng, cao nguyên. Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 5-7.
Món ngon từ cây dâu tằm
Các món ăn, thức uống từ cây dâu tằm chủ yếu đến từ quả dâu tằm.
Quả Dâu tằm ngâm đường: 1kg dâu tằm chín, 1kg đường hoa mai (đỏ), 1muỗng cà phê muối. Dâu chọn trái chín, không bị dập nát, rửa sạch, để ráo nước. Nhúng dâu tằm qua nước ấm để loại lớp lông tơ ngoài vỏ, vớt ra để thật ráo nước. Trộn đường và muối lại với nhau. Cho dâu vào trong lọ thủy tinh, cứ một lớp dâu rải một lớp đường, đậy nắp kín. Khoảng sau 2 ngày đường bắt đầu ướt chảy xuống, để cho trái dâu ngấm đường nên dùng một tấm vỉ nén ở trên.
Dâu ngâm đường khoảng từ 5 – 7 ngày là có thể dùng được. Nếu không muốn để lâu lên men thành rượu thì có thể cho vào trong ngăn mát tủ lạnh bảo quản dùng dần. Khi dùng lấy một ít trái, ít nước pha thêm chút nước lọc bỏ đá uống giải khát rất ngon. Riêng rượu dâu tằm thì càng ngâm lâu càng ngon.
Mứt dâu tằm: 500g dâu tằm chín, 250g đường, 1 muỗng nước cốt chanh. Dâu chọn trái chín, không bị dập nát, rửa sạch, để ráo nước. Cho dâu vào trong nồi, rắc đường lên trên để chờ thấm khoảng 2 giờ. Đặt nồi trên bếp đun nhỏ lửa để sên mứt, khi mứt sôi, thêm nước cốt chanh vào đảo nhẹ tay. Sên mứt trên bếp cho đến khi thấy nước đường keo lại, bám hết vào trái dâu là được. Mứt để nguội cho vào hũ thủy tinh, cất trong tủ lạnh dùng dần. Mứt dâu ăn với bánh mỳ, sinh tố rất ngon.
Kem sữa chua dâu tằm: Vị chua chua, ngọt ngọt của dâu tằm kết hợp với vị béo của sữa, một chút tê tê, lạnh lạnh sẽ làm cho bạn sảng khoái khi hè về. Cách chế biến lại rất đơn giản với những nguyên liệu dễ tìm bạn còn ngần ngại gì mà không trổ tài cho cả nhà cùng nhâm nhi nhỉ.
Dâu tằm lên men: Dâu tằm lên men tự nhiên là thức uống có độ cồn nhẹ với màu đỏ tím và hương thơm ngọt ngào.
Sinh tố dâu tằm: Dùng quả dâu tằm chín, ép lấy nước cốt chế thành sinh tố uống rất mát.
Những tác dụng hay của cây dâu tằm
Ức chế vi khuẩn
Cao nước và cao kiềm của lá và thân cây Dâu có tác dụng ức chế các vi khuẩn gram dương và các men. Cao chiết với methanol của cây Dâu có tác dụng ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn Klebsiella pneumonia, Staphylococccus aureus, Candida albicans, Mycobacterium phlei.
Hạ huyết áp và an thần
Lá và vỏ rễ trong của Dâu có tác dụng hạ huyết áp và tác dụng này bị đối kháng bởi atropin. Đồng thời còn có tác dụng giãn mạch, an thần nhẹ.
Chế phẩm Passerymun bao gồm lá Dâu, Lạc tiên, Vông nem, lá Sen, Thảo quyết minh, hạt Tơ hồng, hạt Keo đậu, củ Sâm đại hành, được sử dụng trên lâm sàng để an thần, giúp bệnh nhân ngủ dễ dàng và an giấc.
Vỏ rễ Dâu có tác dụng tương tự acetylcholin bao gồm hạ huyết áp, giãn mạch ngoại biên, ức chế tim ếch cô lập, co nội mạch tạng,… Các hoạt chất tinh khiết như moracenin A, B, D phân lập từ vỏ rễ Dâu đã thể hiện tác dụng chống tăng huyết áp trên thỏ.
Hạ đường huyết
Cao chiết với methanol và nước từ vỏ rễ Dâu làm giảm mức đường huyết ở chuột nhắt. Chất moran A được phân đoạn từ cao chiết đã thể hiện tác dụng hạ đường huyết rõ rệt ở chuột nhắt bình thường và chuột nhắc đã được gây tăng đường huyết với aloxan.
Những bài thuốc hay từ cây dâu tằm
Chữa thong manh, đau mắt
Lá dâu tươi đem về giã nát, phơi khô, đốt thành than, nấu lấy nước rửa mắt. Để chữa đau mắt gió hay chảy nước mắt: Lá dâu hái vào tháng Chạp, hãm lấy nước rửa hằng ngày.
Chữa đau nhức
Phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt chưa dứt đã vội động phòng, sinh chứng toàn thân đau nhức như dùi đâm. Có thể chữa bằng bài thuốc: lá dâu già, lược gãy, nệm rách, tóc rối liều bằng nhau, đem đốt tồn tính, tán nhỏ, mỗi lần uống 3 đồng cân (khoảng 12 g) với nước nóng.
Chữa hen suyễn
Lá dâu già, lá thầu dầu già, trấu (sao mật) tán nhỏ, thắng mật làm viên bằng hạt ngô đồng, mỗi lần uống một viên với nước sôi.
Chữa huyết áp cao
Lá dâu bánh tẻ một nắm nhỏ, cá diếc sống một con. Cá diếc cho vào chậu nước muối để nhả hết nhớt dãi; không mổ, để nguyên con đem luộc, gỡ lấy thịt nấu canh với lá dâu ăn.
Thịt trai sông 50-100g, lá dâu tươi 20 g thái nhỏ, nấm hương 20g, hành củ khô 2-3 củ. Nấu cháo ăn hằng ngày, có tác dụng hạ huyết áp tốt. Bài thuốc này thích dụng với người cao tuổi bị tăng huyết áp và u xơ tiền liệt tuyến có các dấu hiệu tiểu không thông, tiểu đêm, tiểu nhiều lần… Đặc biệt người tăng huyết áp bị suy giảm khả năng tình dục cũng nên dùng.
Làm đẹp
Lá dâu và mè đen đồng lượng trộn đều (9 lần đồ, 9 lần phơi), thục địa 1kg, liên nhục 200g, tất cả tán nhỏ, trộn với mật ong hoàn viên to bằng hạt ngô, ngày uống 5g, chia làm 2 lần sáng – tối. Giúp da tươi nhuận, mịn màng.
Uống lâu dài giúp gân cốt rắn chắc, khí huyết dồi dào, tăng thính lực. Bài thuốc này thích hợp cho những người sạm da, nám má, cơ thể suy nhược, gân cốt suy yếu, thiếu máu, can thận âm hư, ù tai, tăng tuổi thọ…
Chữa viêm họng
Mộc nhĩ cây dâu lấy vào ngày 5 tháng 5 âm lịch, thứ trắng như vẩy cá. Khi dùng giã nhỏ, lấy lụa bọc lại thành viên, tẩm mật ngậm.
Bạch cương tàm (con tằm vôi) 6 đồng cân, phèn chua 3 đồng cân, phèn chua phi 3 đồng cân. Tất cả tán nhỏ, mỗi lần dùng 1 đồng cân (khoảng 4 g) uống với nước gừng để gây nôn. Trẻ em thì pha thêm bạc hà vào nước gừng, nếu nôn ra với đờm đặc thì rất công hiệu.
Bạch cương tàm sao, tán nhỏ, giã lẫn với quả mơ muối, viên bằng đầu ngón tay, bọc lụa lại mà ngậm, nuốt nước dần…
Ra mồ hôi trộm ở trẻ em, ra mồ hôi ở bàn tay người lớn
Lá dâu non nấu canh với tôm, tép hoặc dùng lá dâu bánh tẻ 12g, cúc hoa, liên kiều, hạnh nhân đều 12g, bạc hà, cam thảo đều 4g, cát cánh 8g, lô căn 20g, sắc uống.
Lưu ý khi sử dụng cây dâu tằm (cành, lá, quả, vỏ rễ)
Những người phế hư nhưng không hỏa và ho hàn thì không dùng được vỏ rễ Dâu tằm.
Quả Dâu tằm không dùng cho những người đại tiện tiết tả.
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Nên theo dõi khi sử dụng các phương pháp trên và dừng lại khi thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào liên quan đến sức khỏe.