Chương Mỹ (Hà Nội): Tiềm năng và thách thức trong triển khai OCOP năm 2021 Công ty TNHH gốm Quang Vinh: Phục dựng nét tinh hoa Gốm Bát Tràng Kon Tum đẩy mạnh, phát triển sản phẩm OCOP |
Tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ
Phụ nữ tại các vùng nông thôn, vùng kinh tế chưa phát triển từ trước đến nay vẫn được Nhà nước xác định là nhóm đối tượng yếu thế do đặc thù của hoàn cảnh cũng như nhận thức xã hội.
Tùy từng địa phương, việc phụ nữ được tiếp cận thông tin sản xuất cũng như cơ hội kinh doanh là không đồng nhất, nhiều nơi thậm chí thấp hơn mặt bằng chung. Do vậy, tại các vùng nông thôn – đối tượng chính của chương trình Mỗi xã một sản phẩm – phụ nữ cần được quan tâm, sát sao hỗ trợ nhiều hơn để có nhiều cơ hội tham gia hoạt động kinh tế nông thôn.
Sản xuất miến dong tại HTX Tài Hoan |
Trong 03 năm đầu triển khai chương trình OCOP (2018-2020) đã ghi nhận tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ chiếm tới 39%. So sánh với tỷ lệ 26% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trên tổng số doanh nghiệp cả nước, có thể thấy sự xuất hiện của nữ giới trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP cao gấp 1,5 lần số liệu trung bình. Đặc biệt, tỷ lệ này ở khu vực như Bắc Trung Bộ lên tới 50,6%; ở Tây Nguyên là 45,2%; và ở các tỉnh miền núi phía Bắc có 43,4% chủ thể OCOP là nữ.
Không những thế, các sản phẩm OCOP đến từ các chủ thể do nữ giới làm chủ này cũng đạt được những thành tích hết sức đáng nể.
Trong giai đoạn triển khai chương trình OCOP 2018-2020, toàn quốc ghi nhận hơn 4700 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, tuy vậy chỉ có 43 sản phẩm được đề xuất 5 sao. Trong số đó có đến 16 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm tới 37%) thuộc các chủ thể sản xuất do phụ nữ làm chủ.
Các số liệu trên đây cũng thể hiện được tinh thần sản xuất kinh doanh của phụ nữ trong phong trào Mỗi xã một sản phẩm.
Cơ hội cho phụ nữ tham gia OCOP
Đạt được kết quả trên là do đặc thù của chương trình OCOP là gắn với cộng đồng địa phương, có được nhiều điều kiện thuận lợi để phụ nữ được thể hiện cũng như phát triển.
Đặc trưng của sản xuất sản phẩm OCOP là gắn với địa phương. Cụ thể, các tiêu chí đánh giá OCOP khuyến khích các sản phẩm được chế tạo bởi nguồn nguyên liệu địa phương, bởi công thức mang tính địa phương, bởi nguồn nhân lực địa phương… Các chủ thể sản xuất OCOP chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, quy mô phụ thuộc vào nguồn lực địa phương tại cộng đồng.
Việc phát triển các sản phẩm địa phương cũng tận dụng được nguồn nhân lực nhàn rỗi tại chỗ, tận dụng được trí tuệ bản địa, tạo ra nhiều cơ hội cho phụ nữ tham gia sản xuất, sáng tạo.
Những yếu tố này tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia khởi nghiệp với các sản phẩm OCOP, bởi lẽ quy mô sản xuất chỉ “nằm gọn” trong phạm vi địa phương, các chủ thể nữ hạn chế phải “bôn ba” quá nhiều để phát triển sản phẩm cũng như kiểm soát tài nguyên và nhân lực sản xuất hay điều hành công việc kinh doanh, do đó thuận lợi cho cuộc sống và công việc của họ.
Tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP giúp phụ nữ có chuyển biến tích cực về tư duy phát triển sản xuất, giải quyết được vaasnd dề tiêu thụ nông sản tại địa phương cũng như vấn đề việc làm cho nhiều lao động tại chỗ.
Một ví dụ ấn tượng là sản phẩm Miến dong Tài Hoan của HTX miến dong Tài Hoan, Bắc Kạn. Đây là một sản phẩm đạt chuẩn 5 sao OCOP, được công nhận là sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Cơ sở sản xuất này được điều hành và làm chủ bởi chị Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan. Là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động phát triển kinh tế do đặc thù địa lý và cộng đồng, việc có một sản phẩm chất lượng cấp quốc gia, thậm chí được xuất khẩu sang nhiều nước châu Âu là một nỗ lực hết sức đáng ghi nhận của cơ sở và lãnh đạo địa phương.
Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hạ Long tham gia hội chợ OCOP hè 2020 |
Nâng cao năng lực và cơ hội của phụ nữ vào chương trình OCOP
Nhận định được khả năng và cơ hội của phụ nữ trong phong trào sản xuất Mỗi xã một sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND và Hội phụ nữ các địa phương cũng đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn, các diễn đàn chia sẻ nâng cao nhận thức và cơ hội của phụ nữ khi tham gia sản xuất sản phẩm OCOP.
Các chương trình hội thảo, buổi thảo luận, chia sẻ về vai trò và cơ hội của phụ nữ trong chương trình OCOP vẫn luôn đã và đang được Hội phụ nữ và các ban ngành, đoàn thể tại các địa phương quan tâm thực hiện trong nhiều năm thực hiện chương trình.
Đơn cử, vào tháng 10/2020, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn Vai trò của phụ nữ với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm với sự tham dự của Thứ trưởng Trần Thanh Nam. Tại đây, Bộ NN&PTNT cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc hỗ trợ, nâng cao năng lực và cơ hội tham gia của phụ nữ nông thôn vào chương trình OCOP nói riêng, cũng như kinh tế nông thôn nói chung.
Mới đây, vào ngày 19/10/2021, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội và Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo phụ nữ Thủ đô nâng tầm sản phẩm Chương trình OCOP và quảng bá sản phẩm sáng tạo, sản phẩm OCOP của phụ nữ Thủ đô.
Trước đó, vào sáng 6/10, Hội Liên hiệp phụ nữ Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn khởi nghiệp, hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP cho chị em phụ nữ huyện Hương Sơn có thêm kiến thức trong khởi nghiệp, xây dựng sản phẩm OCOP.
Tại nhiều tỉnh, thành phố khác, việc chia sẻ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế cũng là một trong những nhiệm vụ mục tiêu của các Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố, trong đó tập huấn và nâng cao nhận thức về OCOP là nội dung được quan tâm xây dựng.
Chương trình OCOP nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm mang đậm đặc trưng vùng miền đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ tại nhiều địa phương trên cả nước, thậm chí cả với những vùng nông thôn hẻo lánh, kinh tế chưa phát triển.